Tin tức chuyên ngành

Nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

7 năm trước | 1939

 

Chiều 25/11, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” Đề án 258). Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, chủ trì hội nghị.

Nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
Chuyển biến tích cực
 
Qua thảo luận, ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Đề án 258 của Bộ Tư pháp và cho rằng: Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” được phê duyệt theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai thực hiện tương đối đồng bộ ở các Bộ, ngành, địa phương. Đề án đã tạo được những chuyển biến tích cực, nhận thức của các cấp, ngành, cơ quan và người có trách nhiệm về vị trí, vai trò của hoạt động giám định tư pháp được nâng lên rõ rệt… 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

 
Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 258 còn gặp những khó khăn,  hạn chế, như: Chậm ban hành các văn bản hướng dẫn nên các quy định của pháp luật tố tụng về trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định chưa được áp dụng thống nhất trong hoạt động tố tụng ở các cấp. Đội ngũ người làm giám định tư pháp chuyên trách còn thiếu so với yêu cầu. Cơ sở vật chất của tổ chức giám định tư pháp công lập ở nhiều nơi còn lạc hậu và thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức giám định pháp y thuộc Sở Y tế và giám định pháp y thuộc Công an tỉnh phối hợp chưa chặt chẽ… 
 
Tại hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương cũng đã thảo luận về việc trưng cầu, yêu cầu và thực hiện giám định tư pháp; sự phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức thực hiện giám định trong việc trưng cầu, thực hiện giám định; việc chi trả chi phí giám định, tiền bồi dưỡng giám định tư pháp của các cơ quan trưng cầu giám định cho các cơ quan, tổ chức thực hiện giám định; nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động giám định tư pháp… 
 
Để phát huy kết quả thực hiện Đề án 258, các ý kiến cho rằng cần tiếp tục bảo đảm những biện pháp tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong thời gian tới. Trong đó, cần tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức pháp luật, nâng cao bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc; tăng cường công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp và trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tổ chức giám định tư pháp công lập. Bên cạnh đó, cần có văn bản quy định mối quan hệ phối hợp giữa UBND cấp huyện với các cơ quan tố tụng cấp huyện, bệnh viện đa khoa cấp huyện trong công tác giám định tư pháp
 
Cần gắn với cải cách tư pháp 
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Đề án 258 được Chính phủ phê duyệt từ năm 2010 với những nhiệm vụ, giải pháp thể hiện quyết tâm của Chính phủ về đổi mới cơ bản, toàn diện tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, để giám định tư pháp phục vụ đắc lực cho hoạt động tố tụng; là công cụ hữu hiệu để cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 
 
Tuy vậy, công tác giám định tư pháp còn một số vướng mắc như: Quy trình của pháp luật tố tụng về trưng cầu giám định, đánh giá sử dụng kết quả giám định chưa cụ thể. Việc thực hiện của các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thống nhất. Tình trạng thiếu hụt nhân lực giám định chưa được khắc phục, nhất là ở địa phương. Cơ sở vật chất của các tổ chức giám định tư pháp còn thiếu thốn, lạc hậu. Chất lượng giám định ở một số lĩnh vực pháp y, tâm thần, ma túy, tài chính, ngân hàng, xây dựng đất đai còn hạn chế. Trong một số trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng trong đánh giá, sử dụng kết luận giám định… 
 
Về giám định tư pháp phục vụ giải quyết án kinh tế, tham nhũng và những vấn đề khác có liên quan, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, thời gian qua, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quan tâm củng cố, phát triển đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tiền tệ, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường… tạo thuận lợi hơn cho việc trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng; góp phần đáng kể vào giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng “đùn đẩy” trách nhiệm thực hiện giám định; thời gian thực hiện giám định một số vụ việc kéo dài gây khó khăn cho hoạt động tố tụng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng. 
 
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Tư pháp xây dựng Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc tiếp tục thực hiện Đề án đến năm 2020 gắn với cải cách tư pháp và thực hiện Luật giám định tư pháp. Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế giám định tư pháp và tổ chức giám định tư pháp; tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của hoạt động tố tụng cũng như yêu cầu về giám định tư pháp của cá nhân, tổ chức. 
 
Phó Thủ tướng  đề nghị các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo tháo gỡ ngay các vướng mắc về giám định trong những vụ án tham nhũng, kinh tế để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, các Bộ, ngành liên quan cần chỉ rõ lý do giám định chậm trễ, những trường hợp từ chối, né tránh việc giám định và có biện pháp giải quyết để việc giám định thực hiện kịp thời, bảo đảm chất lượng. 
 
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương (Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao) chỉ đạo thực hiện việc thống kê, đánh giá tình hình trưng cầu, yêu cầu giám định và sử dụng kết luận giám định; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan quản lý giám định tư pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung cần tăng cường tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp và trách nhiệm của cá nhân, đơn vị đối với hoạt động giám định tư pháp; quan tâm việc thanh tra, kiểm tra đối với công tác giám định tư pháp thuộc phạm vi quản lý…
 
Theo TTXVN

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Khai quật tử thi, lộ mặt gã chồng hiểm độc (7/6)

Lãnh đạo Văn phòng Bộ Y tế làm việc với đoàn Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (7/6)

Khai mạc triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam lần 23 (12/5)

Công đoàn Viên chức ngành Y tế Việt Nam: Biểu dương điển hình giỏi năm 2016 (11/5)

Gần 80% nhân viên nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo cơ bản (5/5)

Lần đầu tiên ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm máu tiên tiến tại Việt Nam (29/4)

Việt Nam đã xuất hiện muỗi kháng hóa chất, có nguy cơ lan rộng (29/4)

Đại học Y Hà Nội: Không quá 10% chỉ tiêu tuyển thẳng cho mỗi chuyên ngành (29/4)

Lễ ra quân chương trình “Tiếp sức người bệnh” năm 2015 (6/7)