Thủ tướng trăn trở, chiến tranh đã dần lùi xa nhưng nỗi đau vẫn hiện hữu đối với những gia đình thân nhân liệt sĩ. Họ vẫn ngày ngày mong tìm thấy con thông qua những thông tin trên giấy báo tử.
Chiều 25/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chuyến thăm và làm việc với các đơn vị giám định ADN, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin của Trung tâm giám định ADN, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Đẩy nhanh việc khai quật những khu vực có khả năng tìm được hài cốt liệt sĩ
Tại buổi làm việc, báo cáo Thủ tướng về kết quả công tác giám định gen, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, thực hiện quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 150 về phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và Quyết định số 1227 Ban Chỉ đạo 150, nhiều năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn, các chuyên gia trong và ngoài nước, nghiên cứu tiếp nhận và khai thác kết quả công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh để xác định địa điểm nơi liệt sĩ hy sinh, phục vụ công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ ông quan tâm, trăn trở vấn đề giám định ADN, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ từ rất lâu. Ông nêu câu chuyện mộ liệt sĩ tại Hà Tĩnh và Ninh Bình mà việc xác định danh tính gặp rất nhiều khó khăn. Bộ trưởng đề xuất với Thủ tướng phương án đẩy nhanh việc khai quật những khu vực có khả năng tìm được hài cốt liệt sĩ. Bên cạnh đó, cần sớm lấy mẫu phẩm của thân nhân để lưu trữ khi tìm được hài cốt liệt sĩ.
"Từ kinh nghiệm trao đổi với các chuyên gia quốc tế, các chuyên gia cho rằng cần lưu trữ, bảo quản tốt các mẫu phẩm của liệt sĩ để sau này khoa học kỹ thuật có thể giải mã được", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng sớm ban hành quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, làm cơ sở để triển khai thực hiện giám định ADN theo quy trình thống nhất.
Đồng thời cho phép Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu các giải pháp thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp nhằm liên thông, tích hợp đồng bộ cơ sở dữ liệu về liệt sĩ; kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu về liệt sĩ do Bộ Quốc phòng quản lý để hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ; tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực giám định ADN trong thời gian tới.
Hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa xác định được thông tin vẫn là hàng trăm nghìn nỗi đau
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động khi cầm trên tay bức ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Lự, 110 tuổi, ở Đô Lương - Nghệ An tóc bạc trắng, gầy khô, ngồi trên giường khóc nức nở ôm hài cốt của con đã hy sinh 51 năm trước, nay mới được tìm thấy.
"Mẹ đã khóc đớn đau trong hạnh phúc tìm thấy một người con nhưng vẫn hỏi sao không đưa luôn người con thứ 2 của mẹ cũng đã hy sinh về? Hai con trai của mẹ hy sinh cách nhau chỉ có 2 ngày. Rồi mẹ đã ra đi khi không còn chờ tìm được phần mộ hoặc hài cốt người con thứ 2. Mẹ mang theo cả câu hỏi chưa có câu trả lời về đất mẹ mà ám ảnh tất cả chúng ta.
Có lẽ nỗi đau, mất mát lớn với nhiều gia đình trải qua chiến tranh là nhận được thông tin con qua giấy báo tử. Nhiều gia đình vẫn ngày đêm mòn mỏi lấy những thông tin trên tờ giấy đã bạc màu, chữ đã mờ để đi nhờ tìm thông tin, giải mã với hy vọng tìm thấy người thân", Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động chia sẻ.
Thủ tướng trăn trở, chiến tranh đã dần lùi xa nhưng hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa xác định được thông tin vẫn là hàng trăm nghìn nỗi đau, trăn trở với những người còn sống.
"Biết bao người mẹ, người cha, anh, em, họ hàng tâm nguyện tìm được người thân hy sinh trong chiến tranh. Những người vợ đi tìm chồng, con đi tìm cha đến mỏi mòn. Hàng triệu liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc. Hàng triệu triệu ước mơ tuổi trẻ, những lời hẹn ước ngày trở về… nằm lại nơi đất mẹ. Lần chia tay ra trận cũng là lần gặp cuối cùng", Thủ tướng chia sẻ.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, nhất là các cán bộ, nhà khoa học, nhân viên Trung tâm giám định ADN.
"Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn, tri ân đến các tổ chức và cá nhân vì sự tận tâm và trách nhiệm với gia đình của những người đã hy sinh vẻ vang cho Tổ quốc. Sự mất mát và hy sinh đó không có gì bù đắp được và chúng ta cần cố gắng hơn nữa để xoa dịu nỗi đau chiến tranh", Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác người có công với cách mạng, trong đó có nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng đã tặng quà cho 3 đơn vị giám định ADN, trao kết quả giám định ADN và trao sổ tiết kiệm cho các gia đình liệt sĩ.
Từ năm 2013 đến nay, các cơ sở giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ đã tiếp nhận hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ; phân tích, lưu trữ ADN được hơn 23.000 mẫu. Đến nay hơn 4.000 hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được xác định danh tính. Trung tâm giám định ADN - Viện Công nghệ sinh học được Chính phủ giao nhiệm vụ phân tích ADN để định danh cho các mẫu hài cốt liệt sĩ theo Đề án 150.
Từ tháng 9/2019 đến nay, Trung tâm giám định ADN đã thực hiện giám định gần 4.300 mẫu, trong đó gần 3.400 mẫu phải thực hiện giám định từ 2-5 lần. Từ năm 2019 đến nay, tổng số hơn 1.200 kết quả được giám định thành công và cần ghép nối với cơ sở dữ liệu của thân nhân để định danh liệt sĩ.
Theo Dân trí