Giới thiệu

Khoa Độc Chất

4 năm trước | 66891

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KHOA HÓA PHÁP

 

Khoa Hóa pháp – Viện Pháp y Quốc gia kể từ bộ phận tiền thân được thành lập năm 1957 đến nay đã có lịch sử hình thành và phát triển liên tục gần 60 năm. Trong khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ hoạt động ấy, Khoa đã có những bước trưởng thành và phát triển về mọi mặt, có những đóng góp không nhỏ trong công tác giám định Hóa pháp trong cả nước. Quá trình hình thành và phát triển của Khoa Hóa pháp trải qua những mốc quan trọng sau:

 

         Ngày 29/7/1957 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký nghị định số 845/ BYT-NĐ tách bộ phận Độc chất khỏi Viện Vi trùng học để thành lập Phòng Kiểm nghiệm trực thuộc Bộ Y tế, có trụ sở tại 48 Hai Bà Trưng – Hoàn Kiếm – Hà Nội. Bộ phận Độc chất là một trong bốn bộ phận chuyên môn của Phòng Kiểm nghiệm, cơ cấu tổ chức gồm 8 người (2 Dược sĩ trung cấp, 5 Dược tá, 1 công nhân), phụ trách bộ phận Độc chất là DS Trần Văn Uyển.

                                                                                          

 

          Ngày 13/4/1961, Bộ Y tế đã quyết định chuyển Phòng Kiểm nghiệm thành Viện Dược liệu trực thuộc Bộ Y tế gồm hai khối: Khối Dược liệu và Khối Kiểm nghiệm. Ban Độc chất trực thuộc khối Kiểm nghiệm do DS Nguyễn Văn Bàn phụ trách.

          Năm 1965 Ban Độc chất được đổi tên thành Phòng Độc chất do DS Nguyễn Thượng Uông phụ trách.

          Ngày 04/01/1971, Hội đồng Chính phủ có Nghị định số 03/CP về việc sửa đổi và tổ chức lại bộ máy của Bộ Y tế, trong đó Khối kiểm nghiệm thuộc Viện Dược liệu được tách thành Viện Kiểm nghiệm trực thuộc Bộ Y tế. Phòng Độc chất là một phòng chuyên môn trực thuộc Viện Kiểm nghiệm.

Ngày 30/06/2004, Bộ Y tế ra Quyết định số 2293/QĐ- BYT chuyển Phòng Độc chất từ Viện Kiểm nghiệm sang Viện y học tư pháp Trung ương và đổi tên phòng thành Khoa Hóa pháp. Biên chế của Khoa Hóa pháp tại thời điểm này gồm có 8 cán bộ (1 Tiến sĩ, 5 dược sĩ, 1 cử nhân, 1 công nhân) do Dược sĩ Đào Trọng Phúc phụ trách.

                                                                                          

            Ngày 23/3/2006 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 451/QĐ-TTg thành lập Viện Pháp y Quốc gia trực thuộc Bộ y tế trên cơ sở Viện Y học Tư pháp Trung ương. Từ đó đến nay, Khoa Hóa pháp luôn nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Viện Pháp y Quốc gia, được đầu tư về nhân lực, hóa chất, trang thiết bị… đảm bảo cho công tác chuyên môn ngày càng được nâng cao. Về nhân lực, hiện nay Khoa hóa pháp có 10 cán bộ: 01 phó giáo sư, 01 tiến sĩ, 01 nghiên cứu sinh, 02 thạc sĩ, 03 dược sĩ, 01 dược sĩ trung cấp, 01 công nhân. Về máy móc trang thiết bị, Khoa được đầu tư nhiều loại trang thiết bị hiện đại như: 02 máy Sắc ký khí khối phổ (GCMS), 02 máy Sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC), 01 máy Sắc ký khí (GC headspace), 01 máy quang phổ phát xạ nguyên tử ghép nối khối phổ (ICP-MS)…

                                                                                          

Chức năng Khoa Hóa pháp

 Khoa Hóa pháp là đơn vị chyên môn, chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng và sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn, nghiệp vụ của Phó viện trưởng phụ trách Hóa pháp; có chức năng giám định các mẫu hóa pháp; nghiên cứu khoa học; tham gia đào tạo chuyên môn, kỹ thuật cho cán bộ chuyên ngành pháp y.

Nhiệm vụ Khoa Hóa pháp

-         Tổ chức thực hiện việc giám định theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cá nhân và tổ chức theo quy định của Luật giám định tư pháp và các quy định khác.

-         Nhận, lấy và lưu giữ các mẫu giám định hóa pháp.

-         Thực hiện các phương pháp giám định hóa pháp, trả lời kết quả giám định.

-         Tham gia nghiên cứu khoa học; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và xây dựng các quy trình, quy chuẩn chuyên môn nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám đinh hóa pháp.

-         Tham gia công tác chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ công tác, thông tin tuyên truyền, phổ biến khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực giám định hóa pháp.

-         Tham gia bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ làm công tác pháp y nhằm nâng cao trình độ về chuyên môn, kỹ thuật trong công tác giám định.

-         Hướng dẫn các đơn vị trưng cầu giám định lấy, bảo quản và gửi mẫu theo đúng quy định.

-         Tổ chức hiệu quả nguồn nhân lực, tài sản, vật tư, trang thiết bị của Khoa; tuyên truyền, giáo dục cán bộ, viên chức thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước và nội quy cơ quan.

-         Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Viện trưởng và Ban lãnh đạo Viện.

Những thành tích đáng kể trong hoạt động chuyên môn

-         Nghiên cứu chế tạo những ống phát hiện nhanh các chất độc chiến tranh như: cyanua, phosgene, adamxit, lersivit, yperit… cùng với các hộp xét nghiệm dã chiến. Phòng độc chất đã được Thủ tướng khen thưởng.

-          Phục vụ phòng chống chiến tranh hóa học của địch trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, phát hiện nhiều loại thuốc gây ngộ độc như 2,4D; 2,4,5T;… góp phần trong việc phòng và ngăn ngừa tác hại của các chất độc hóa học.

-         Trong lúc cả nước đang có chiến tranh, nhân dân đang thiếu gạo, một tàu chở hàng ngàn tấn gạo do quốc tế viện trợ đã được đưa về nước, tuy nhiên gạo lại bị nghi nhiễm một loại thuốc trừ sâu wofatox rất độc. Các cán bộ phòng độc chất đã cẩn thận làm các xét nghiệm cần thiết với các mẫu khác nhau, từ đó cho kết luận chất lượng gạo an toàn, là cơ sở khoa học cho Bộ Nội thương và Văn phòng Chính phủ cho phép bán gạo và cung cấp gạo cứu đói cho dân.

-         Do sơ xuất trong vận chuyển và bảo quản, một lượng lớn bột mỳ được viện trợ bị nhiễm thuốc trừ sâu, khi đem bán cho dân sử dụng đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc dẫn đến tử vong. Với tinh thần cao nhất trước sinh mạng của nhân dân, Phòng Độc chất phối hợp với Phòng Dược lý đã kiểm tra các mẫu bột mì (mẫu lấy trên bề mặt, mẫu lấy hai bên sườn, mẫu lấy ở đáy sâu và mẫu lấy ở giữa). Việc làm được tiến hành rất thận trọng, chính xác và đưa ra kết luận mẫu bột ở giữa không bị nhiễm độc, do đó một số lượng lớn bột mì đã không bị tiêu hủy, có một ý nghĩa chính trị to lớn trong thời điểm đất nước ta đang gặp nhiều khó khăn đói kém.

-         Năm 1983, 14 người ở huyện Đồ Sơn Hải Phòng đã bị tử vong, nghi ngờ do uống phải loại thuốc seda và clorocid giả. Các cán bộ của Phòng Độc chất đã khẩn trương tiến hành phân tích các mẫu gửi đến, làm việc cần mẫn từ chiều tới 24 giờ và đã tìm ra chất độc cyanid trong các mẫu thuốc gửi đến. Phòng phối hợp với Phòng Hóa lý II và tìm ra thành phần chất độc trong hai loại thuốc trên là kẽm cyanid. Các cán bộ của Phòng Độc chất cũng đã tham gia đoàn công tác đi Hải Phòng, đến các kho thuốc của các bệnh viện, cửa hàng dược phẩm tiến hành kiểm tra, kiểm nghiệm tại chỗ và phát hiện thấy nhiều thuốc giả có chứa kẽm cyanid, loại bỏ các thuốc giả gây độc này.

-         Phòng Độc chất phục vụ cho các bệnh viện ở Hà Nội mỗi năm gần 200 mẫu xét nghiệm chất độc trong nước tiểu, nước rửa dạ dày của bệnh nhân cấp cứu, giúp bệnh viện chuẩn đoán và cấp cứu bệnh nhân kịp thời.

-         Tham gia tích cực vào công tác kiểm soát và phòng chống ma túy trong các hoạt động theo sự điều phối chung của Bộ Y tế: thử thuốc cai nghiện ma túy ở giai đoạn tiền lâm sàng, phát hiện các chất ma túy trong dịch sinh học, góp phần vào các chương trình cai nghiện tập trung hoặc tại cộng đồng.

-         Đã mở lớp tập huấn kỹ thuật phát hiện các chất ma túy thường gặp ở dạng thương phẩm và trong dịch sinh học ở nhiều địa phương cho các Trung tâm kiểm nghiệm Dược phẩm, Trung tâm điều trị cai nghiện, khoa xét nghiệm của một số bệnh viện, công an, bộ đội, biên phòng, hải quan.

-         Đã biên soạn được tài liệu về “Quy trình thường qui kỹ thuật phân tích phát hiện các chất ma túy tổng hợp ở dạng thương phẩm và trong dịch sinh học”, tổ chức phổ biến quy trình để triển khai tại các tuyến cơ sở.

-         Đã sử dụng những trang thiết bị phân tích hiện đại và trình độ kỹ thuật phân tích để phân tích những thành phần cơ bản của các bài thuốc hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện (Hufusa, Heantos 4, Balok…) trong đó phân tích cả những thành phần không công bố trong công thức từng bài thuốc, làm cơ sở để Hội đồng khoa học cấp Bộ đánh giá.

-         Tiến hành các thực nghiệm thử độc tính cấp và bán trường diễn của các thuốc hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện.

-         Số mẫu và đối tượng mẫu phân tích trong Phòng Độc chất ngày càng đa dạng và phức tạp. Ngoài những chất độc có từ trước thường được tìm thấy như nivaquin, lá ngón, kẽm photphur, barbiturat, thuốc trừ sâu lân hữu cơ, carbamat…trong những năm chuyển sang kinh tế thị trường còn xuất hiện nhiều loại chất độc mới. Những loại chất độc mới này có rất ít tài liệu về hóa học, phân tích nhận biết nên việc xác định chúng trong các mẫu tang vật hay phủ tạng gặp nhiều khó khăn. Với sự cố gắng tìm kiếm tài liệu, tìm kiếm chất chuẩn, thử nghiệm phương pháp, nhiều độc chất mới trong các mẫu hóa pháp đã được phát hiện, góp phần vào việc cấp cứu kịp thời nạn nhân hoặc làm sáng tỏ những vụ việc liên quan đến pháp luật.

-         Kỹ thuật phân tích ngày càng được nâng cao, trước đây chủ yếu  là các phương pháp cổ điển như phản ứng màu, sắc ký giấy, sắc ký lớp mỏng thì hiện nay đã sử dụng nhiều phương pháp phân tích hiện đại như sắc ký khí, sắc ký khí khối phổ, sắc ký lỏng hiệu năng cao, quang phổ phát xạ nguyên tử…, nâng cao khả năng phát hiện, nâng cao độ chính xác và tiết kiệm lượng mẫu thử.

-         Các cán bộ Khoa Hoá pháp không ngừng nghiên cứu ứng dụng các phương pháp trên các máy phân tích hiện đại nhằm nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện khi gặp các đối tượng mới có thể thực hiện phân tích được kịp thời, tiến kịp với trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Cho đến thời điểm này các cán bộ Khoa đã thực hiện được rất nhiều các đề tài nghiên cứu khoa học, đưa ra nhiều quy trình phân tích các độc chất hóa pháp:

+ Nghiên cứu và đưa ra gần 80 quy trình giám định hóa pháp, áp dụng các quy trình này để giám định hóa pháp trong cả nước.

+ Triển khai nghiên cứu phân tích các chất ma túy trong dịch sinh học, tóc bằng các phương pháp hiện đại: “Nghiên cứu phương pháp xác định methamphetamin trong tóc bằng phương pháp sắc ký khí khối phổ”; “Nghiên cứu xây dựng quy trình xác định morphine trong nước tiểu bằng sắc ký khí khối phổ”.

+ Nghiên cứu phân tích các kim loại nặng chì, thủy ngân, kẽm trong móng, tóc, dịch sinh học bằng phương pháp ICP-MS.

+ Đã thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Nghiên cứu phương pháp xác định  độc tính của cây lá ngón”; “Nghiên cứu xây dựng qui trình phát hiện và định lượng alcaloid của mã tiền, ô đầu, phụ tử trong dịch sinh vật thực nghiệm”; “Nghiên cứu tác dụng ức chế một số dòng tế bào ung thư và theo dõi tích luỹ alkaloid từ cây trồng loài Stephania dielsiana Y.C. Wu”.

-         Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực độc chất pháp y, là thành viên của Hội những nhà độc chất tư pháp quốc tế;  Hội khoa học bằng chứng quốc tế.

-         Tham gia công tác giảng dạy chuyên môn nghiệp vụ tại Viện Pháp y Quốc gia, Học viện Quân y;  Khoa Y-Dược, đại học quốc gia Hà Nội.

Các phần thưởng cao quý đã đạt được

Trong suốt chặng đường gần 60 năm qua, bằng lao động khoa học nghiêm túc và sáng tạo, các thế hệ cán bộ của Khoa Hóa pháp đã khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với những cố gắng và nỗ lực trong công tác, hàng năm Khoa Hóa pháp đều vinh dự được Bộ Y tế và Bộ tư pháp trao tặng danh hiệu tập thể lao động tiên tiến xuất sắc. Khoa Hóa pháp có 01 cán bộ được trao tặng Bằng khen của thủ tướng chính phủ (Quyết định số 930/QĐ-TTg.  ngày 17/7/2012) và Huân chương lao động hạng ba (Quyết định số 2112/QĐ-CTN.  ngày 25/8/2014); 03 cán bộ được nhận Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.



Các bài viết khác

Giới thiệu chung (26/11)

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn (14/6)

Tổ chức và nhân sự (14/6)

Sơ đồ tổ chức (7/4)

Khoa Giám Định (2/1)

Khoa Y Sinh Học (10/6)

Khoa Giải Phẫu Bệnh (25/7)

Khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh (10/6)

Phòng Tổ Chức Cán Bộ (10/6)

Phòng Vật Tư Trang Thiết Bị Y Tế (10/6)

Phòng Hành Chính Quản Trị (10/6)

Phòng Tài Chính Kế Toán (10/6)

Phòng Kế Hoạch Tổng Hợp - Chỉ Đạo Tuyến (20/7)

Phòng Nghiên Cứu Khoa Học (10/6)

Phòng Công Nghệ Thông Tin Thư Viện (10/6)

Khoa Độc Chất Phân Viện (28/2)

Khoa Giám Định Phân Viện (10/6)

Phòng Tổ Chức Hành Chính Phân Viện (10/6)

Phòng Kế Hoạch Tài Chính Phân Viện (10/6)