Một trẻ 11 tuổi bị mèo cào vào lưng nhưng đã không nói cho gia đình biết, chỉ đến khi cháu mệt, thường “rùng mình” nhiều lần, không ăn, không uống được, rất sợ gió nên gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để khám và điều trị. Tuy nhiên, vì phát hiện quá muộn nên cháu bé đã tử vong do bị dại.
Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tỉnh Tuyên Quang ngày 9/5 cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân Hoàng Văn H, 11 tuổi, thường trú tại Phúc Lộc, An Khang, bị dại do mèo cào.
Mặc dù đã được các bác sỹ Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện tận tâm cứu chữa, nhưng cháu H đã không qua khỏi và tử vong ngay ngày hôm sau.
Gia đình cháu H cho biết, trước khi nhập viện khoảng 3 tháng, cháu có bị mèo nhà bên cạnh cào vào lưng nhưng không nói cho gia đình biết. Trước khi nhập viện 1 ngày, cháu mệt, thường “rùng mình” nhiều lần, không ăn, không uống được, rất sợ gió nên gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để khám và điều trị.
Theo BSCKI Nguyễn Tiến Quân, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại (Rabie virus, thuộc họ Rhabdo-viridae) gây nên. Người bị nhiễm virus dại sẽ lên cơn dại và tử vong nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời.
Vết mèo cào trên lưng cháu bé Ảnh BVCC
Bệnh dại là bệnh chủ yếu xảy ra ở động vật máu nóng như chó, mèo. Người mắc bệnh dại là do bị chó, mèo dại cắn hoặc cào... Nước bọt của chó/mèo có mang nhiều virus dại và sẽ truyền sang người qua vết cắn, vết cào từ chỗ bị tổn thương, trầy xước ở trên da; trường hợp lây nhiễm qua niêm mạc rất hiếm gặp. Để phòng tránh bệnh dại do chó cắn, mèo cào, các gia đình cần tiêm phòng dại cho vật nuôi.
Người bị chó cắn, mèo cào cần phải xử lý ngay vết thương bằng cách rửa thật sạch dưới vòi nước chảy với xà phòng đặc 20% hoặc rửa bằng nước muối 0,9%, sau đó sát khuẩn vết thương bằng cồn. Trường hợp vết cắn, vết cào phức tạp cần phải đến cơ sở y tế để được xử trí. Ngay sau khi bị chó cắn, mèo cào, cần đi tiêm phòng dại càng sớm càng tốt.
Theo SKĐS