Nằm trong chiếc quan tài bao bọc bởi lớp quách bằng hợp chất cực cứng, dày tới nửa mét là thi hài cụ bà được phủ bằng lá sen, bên dưới có lớp tro dày, hai chân cụ mang hài quý tộc mũi cong, thon, xung quanh đổ nhiều hạt tròn đen kỳ lạ…
Mộ cổ từng bị đào trộm
Trước khi được khảo sát và khai quật, mộ cổ Cầu Xéo từng bị đào trộm - Ảnh chụp lại từ tư liệu của PGS.TS. Phạm Đức Mạnh
Dù đã chủ trì và tham gia rất nhiều công trình nghiên cứu, khai quật mộ cổ ở Nam Bộ nhưng PGS.TS. Phạm Đức Mạnh (Trưởng Bộ môn Bảo tang học & Di sản văn hóa, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) thực sự ngạc nhiên và hứng khởi vì được thấy quá nhiều điều độc đáo từ ngôi mộ cổ Cầu Xéo (thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Quá trình khảo sát và khai quật, đoàn khảo cổ còn nhận thấy việc ngôi mộ này từng có dấu hiệu bị đào trộm vì chiếc quách hợp chất bị đào băm gần chính giữa thân, nền cạnh hông bên trái ngôi mộ địa bị đào sâu một rãnh dài gần 3m, sâu cỡ 1,5-1,8m, tuy nhiên có lẽ do hợp chất của mộ quá cứng nênnhững người đào trộm đã phải bỏ ngang. Trong khi đó, nằm cách mộ này khoảng 15m về hướng đông nam còn có một ngôi mộ hợp chất khác cũng đã bị đào phá toàn bộ kiến trúc bề mặt, vật liệu hợp chất vẫn còn nằm rải rác xung quanh.
Người dân địa phương cho biết, đã từng xuất hiện nhiều lời đồn thổi quanh việc có kho báu, vàng bạc dưới một cổ Cầu Xéo nên không ít kẻ tham lam đã đào trộm. Tuy nhiên, tất cả đều “bó tay” vì lớp hợp chất cực kỳ cứng, dày tới nửa mét bảo vệ ngôi mộ này. “Trong quá trình khai quật, lực lượng Công an Đồng Nai đã phải ngày đêm bảo vệ nghiêm ngặt vì lo sợ có sự phá hoại công trình do một số người đồn đại rằng trong quan tài có nhiều vàng bạc đá quý, ngoài ra còn có một số người có ý định xin hoặc lấy trộm một số miếng gỗ quan tài để về cầu cơ, đánh đề…” - PGS.TS. Phạm Đức Mạnhkể.
Khuy sắt được gắn vào quan tài để dùng khi hạ quan - Ảnh chụp lại từ tư liệu của PGS.TS. Phạm Đức Mạnh
Theo đoàn khảo sát, khi ngôi mộ cổ hợp chất Cầu Xéo được khai quật, có thể thấy ngôi mộ được chôn theo dạng “trong quan - ngoài quách”, quách được làm bằng gỗ sao ghép tấm liền khít bờ bao kim tĩnh hợp chất, với nắp phẳng, ghép bằng đinh sắt hình chữ U cỡ lớn và cỡ trung bình. Áo quan nằm lọt chính giữa quách gỗ, với tấm thiên làm bằng nửa thân cây và khoét rỗng rất nặng, được chế tác kỳ công, toàn bộ vòm cong tấm thiên phủ tấm minh tinh bằng vải mỏng đã bị mủn, mờ gần hết chữ và trang trí dày đặc (hình họa nhận rõ nhất là dây leo và các hàng hoa cúc, hoa 5-6 cánh viền dọc, các hình vòng cung đối xứng rất đều nhau…), đây là đặc trưng của dạng mộ quý tộc ở miền Nam.
Áo quan ghép mộng ở hai đầu rất chắc chắn, tạo gờ viền đều đặn với bốn mấu nhô có trổ thủng đối xứng nhau để chốt gỗ vào tấm thiên. Bốn góc bên ngoài của quan tài có bốn vòng đinh sắt khoen tròn dùng lúc hạ quan vào quách gỗ. Các khóa, chêm, hay các mộng liên kết với nhau của quan tài đều có hình con cá, đây là một dạng kỹ thuật mộc thông dụng của thế kỷ XVIII.
Xác người phủ lá sen
Chiếc quan tài được đưa ra từ ngôi một cổ Cầu Xéo được mở nắp - Ảnh chụp lại từ tư liệu của PGS.TS. Phạm Đức Mạnh
Theo PGS.TS. Phạm Đức Mạnh, phần đặc biệt nhất mà lần đầu tiên ông được thấy là toàn bộ phần bên trên của thi hài cụ bà đều được phủ bằng lá sen (một nét văn hóa Phật giáo rất rõ ràng), sau đó là phần y phục chủ nhân đã bị mủn nát kết dính nhau thành khối, có thể nhận rõ nhiều lớp lụa, gấm in hoa cầu kỳ, tinh xảo, các tệp giấy bản dài và hẹp dọc hai bên thân...
Chiếc lá sen được dùng phủ trên xác - Ảnh chụp lại từ tư liệu của PGS.TS. Phạm Đức Mạnh
Toàn thân cụ được để nằm trên một chiếu cói, bên dưới chiếu là một lớp tro dày độ 2 tấc để thấm hút. Đặc biệt dưới phần đầu của cụ bà là một lớp thủy ngân óng ánh. Đoàn khai quật cho rằng, mộ hợp chất thường có quách hợp chất rồi đổ đầy cát tuyển, nhưng riêng ở ngôi mộ này thì ngoài quách hợp chất còn có một quách bằng gỗ sam cứng, lớn, áo quan để trong không hề có chút cát nào. Khắp áo quan đều được phủ vải, trong đó thường ghi họ tên, chức danh của chủ nhân ngôi mộ.
Bên cạnh đó, phần ngực cũng có dấu tích của lúa nguyên hạt, bên tai trái của cụ có đặt một cái ngoáy trầu, trong ống ngoáy trầu còn thấy một xác cau (bước đầu xác định đầu cầm của ngoáy trầu và ống ngoáy có thể bằng bạc, tạo hình giống như cái nậm rượu, que ngoáy bằng đồng thau). Dưới đó một chút là dây buộc, hột có thể bằng hổ phách, một túi gấm hình tam giác bên trong đựng mấy chiếc răng rụng, và một số phẩm phục màu đỏ có hàng nút bằng vàng tây.
Đồ trang sức bằng vàng tây của người nằm trong ngôi mộ cổ - Ảnh chụp lại từ tư liệu của PGS.TS. Phạm Đức Mạnh
Xương cốt của cụ còn nguyên vẹn và chất lượng sọ và xương rất tốt, cụ được đặt nằm ngửa, hai tay xuôi để dọc sát thân người, đặc biệt hai chân được đặt trên một chiếc gối bọc da màu đen hình vuông được mang hài quý tộc mũi thon cong, xung quanh rải nhiều hạt tròn đen lạ…
Những hạt đen kỳ lạ được tìm thấy trong quan tài - Ảnh chụp lại từ tư liệu của PGS.TS. Phạm Đức Mạnh
Như vậy, có thể thấy di tích mộ hợp chất cổ Cầu Xéo có khá nhiều chi tiết trang trí, phối trí và kiến trúc độc đáo riêng, lạ, lần đầu tiên được khám phá tại Việt Nam. Sau khi được khai quật, các mẫu thực vật sẽ được tiến hành giám định tại Phòng thí nghiệm thực vật, Khoa Sinh vật Trường Đại học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM, giám định C14 mẫu gỗ quách tại Trung tâm kỹ thuật hạt nhân TP.HCM, mẫu hợp chất tại Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng và Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM.
(Còn tiếp)
Theo Dan tri