Nhập viện vào nửa đêm với túi phình quai động mạch chủ bắt đầu vỡ, máu chảy qua màng tim, bệnh nhân 62 tuổi được các bác sĩ Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM huy động êkip mổ khẩn cứu sống trong gang tấc...
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM cho biết, mổ quai động mạch chủ là một trong những loại phức tạp nhất trong mổ tim người lớn. Trường hợp nam bệnh nhân này túi phình động mạch chủ rất lớn, lại ngay đoạn quai và đã bắt đầu vỡ nên cực kỳ nguy hiểm. Các bác sĩ áp dụng phương pháp hạ nhiệt độ máu từ 37 độ xuống còn 28 độ C, nối bệnh nhân với máy thay thế tim và phổi. Sau đó tiến hành cắt rời những động mạch gắn với não, đưa ống bơm máu trực tiếp lên nuôi não, tách rời tuần hoàn não ra khỏi tuần hoàn của cơ thể để có đủ thời gian thao tác cứu sống bệnh nhân.
“Não chỉ có thể chịu được chuyện không có máu nuôi, không có oxy trong 3 phút. Trong lúc mổ nếu các mạch máu đi lên trên cổ bị gián đoạn thì não bệnh nhân sẽ chết. Do đó việc xử lý gặp khó khăn ở chỗ làm sao phải đảm bảo được sự tuần hoàn trên não”, bác sĩ Định phân tích.
Theo bác sĩ Định, việc hạ nhiệt độ máu bệnh nhân nhằm đảm bảo não vẫn có thể hoạt động tốt khi ngưng máy tim phổi nhân tạo hoàn toàn trong vòng 30 phút để nối đầu xa của túi phình. Khi kẹp nối đầu xa nếu không ngưng được tim phổi sẽ dễ dẫn đến tổn thương mạch máu, gây chảy máu và tử vong trong mổ. Khi nối đầu xa thành công, các bác sĩ mới cho tuần hoàn tim phổi trở lại để xử trí nối đầu gần, gắn lưu thông giữa động mạch và não. Việc kết hợp đồng thời nhiều phương pháp giúp tiết kiệm thời gian, mang lại hiệu quả cao nhưng đòi hỏi các bác sĩ phải phối hợp ăn ý, khéo léo trong từng thao tác.
Ca mổ thành công sau 6 giờ cả êkip chạy đua với thời gian. Hậu phẫu sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt và đã được xuất viện khỏe mạnh. Những nguy cơ ngay sau mổ như rối loạn đông máu, tai biến mạch máu não, liệt, suy thận, suy hô hấp… bệnh nhân đều đã vượt qua được.
Trên thế giới, phẫu thuật túi phình động mạch chủ ghi nhận tỷ lệ tử vong 20% và biến chứng khoảng 40%. Nhiều ca mổ kéo dài 11-12 tiếng mới giành lại được sự sống cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện Đại học Y dược, kỹ thuật mổ phình động mạch chủ được tiến hành khoảng 2 năm nay và chưa ghi nhận tử vong, biến chứng. Riêng với trường hợp túi phình đã vỡ, chuyện phẫu tích sẽ khó khăn do không có nhiều thời gian.Bác sĩ Định khuyến cáo, phình động mạch chủ thường có triệu chứng mơ hồ và diễn tiến nhanh nên tỷ lệ tử vong cao nếu không được xử trí kịp thời. Để phòng ngừa hậu quả từ bệnh lý này cần có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng phù hợp. Những người có yếu tố nguy cơ cao như nam giới trên 60 tuổi, người có bệnh mạch máu ngoại vi, bệnh mạch vành, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid, tiểu đường, cao huyết áp... cần tiến hành tầm soát định kỳ để có thể phát hiện sớm. Việc tầm soát rất đơn giản, chỉ cần chụp phim phổi mỗi 12 tháng.
Theo Vnexpress