Tin tức khác

35 năm đi tìm nụ cười hào sảng trên sông Thạch Hãn

12 năm trước | 1547

Nhà báo chiến trường tìm nhân vật trong ảnh suốt 35 năm, ông kể lại câu chuyện cảm động có hậu trong hành trình tìm kiếm của mình. 
35 năm đi tìm nụ cười hào sảng trên sông Thạch Hãn
Đến thị trấn Ái Tử một ngày trước khi diễn ra lễ mừng 35 năm giải phóng Triệu Phong (Quảng Trị), anh Đoàn Công Tính vứt giỏ vào phòng rồi rủ tôi mượn xe máy ra bến sông Thạch Hãn, nơi 35 trước anh với tư cách là một phóng viên chiến trường của báo Quân Đội, và tôi - một người lính trận mạc từng vượt sông bom, bờ pháo cùng đồng bào, đồng chí chiến đấu giải phóng và bảo vệ thành cổ Quảng Trị.

Thơ thẩn giữa bời bời đậu, bắp bãi bồi bến xưa, câu chuyện của chúng tôi cứ như một cuộc kiểm đếm những kỉ niệm một thời trận mạc. Trong mạch chuyện ấy, anh Tính cứ nhắc đi nhắc lại với sự day dứt như có lỗi về một nhân vật trong số những tấm ảnh của anh chụp cách đây 35 năm. 

35 năm đi tìm nụ cười hào sảng trên sông Thạch Hãn
Tác phẩm Cha con ông già ngư dân Quảng Trị không quản ngày đêm đưa bộ đội vào thành cổ chiến đấu năm 1972 của Đoàn Công Tính.  

Đó là ông lão chèo đò chở bộ đội từ bến Nhan Biều vượt sông Thạch Hãn vào thành cổ cách đây 35 năm. 

Chỉ cho tôi gương mặt cười của ông lái đò trong tấm ảnh mang theo, người cựu phóng viên chiến trường bùi ngùi: “Tấm ảnh là một kỉ niệm sâu sắc trong đời cầm máy của tôi về hình ảnh đẹp và ấn tượng của cuộc chiến tranh nhân dân. Trong đó ấn tượng về một ông lão lái đò với thế đứng vững chãi, tự tin cùng nụ cười hào sảng đó cứ đeo đẳng tôi suốt mấy chục năm. Từ lâu tôi đã cố công nhờ anh em đồng đội và bà con cô bác địa phương tìm giúp, nhưng ông cụ cứ biền biệt”… 

Một chút lặng về phía bến sông, Đoàn Công Tính bùi ngùi: "Nếu có được một điều ước ngay bây giờ thì mình sẽ giành điều ước đó để được biết tên tuổi, quê quán của ông lão chèo đò hoặc chí ít là chút thông tin về cô du kích ôm súng ngồi bên mạn đò trong tấm ảnh…"

35 năm đi tìm nụ cười hào sảng trên sông Thạch Hãn
Sau 35 năm, tác giả và cô du kích trong tấm ảnh gặp nhau. 

Từng là một trong những người đồng đội, đồng nghiệp vong niên được anh Tính nhờ kiếm tìm tung tích ông lão chèo đò, tôi bỗng như trĩu nặng thêm chút lỗi bởi suốt bao chuyến hành hương về chiến trường xưa Quảng Trị mà vẫn không thực hiện được điều tâm nguyện này của anh. 

Băn khoăn trước tâm sự của người đồng đội, bỗng tôi nhận cuộc gọi từ một số máy lạ, người đàn ông cho biết, qua một người bạn khác nhờ tôi giúp gặp cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính để cung cấp những thông tin liên quan đến ông lão chèo đò trong ảnh.

Chẳng biết thông tin chính xác đến đâu, song rõ là "vừa ước đó đã có ngay hồi ứng" - chuyển máy cho anh Tính, tôi hồi hộp dõi theo từng câu trả lời, từng nét động thái trên gương mặt người lính già. 

Chẳng biết người gọi nói gì, chỉ thấy người nghe nhắc lại những từ rời rạc chắp nối như tên người tên làng rồi kết thúc, trả máy cho tôi cùng một thông tin vắn gọn: "Đi ngay đến nhà ông lão chèo đò ở làng Giang Hến, xã Triệu Giang!"

Làng Giang Hến không mấy xa. Theo chỉ dẫn của một người bạn thạo đường, chỉ vài lần cua cắt theo đường liên thôn được đúc bê tông, chúng tôi đã đến ngay đầu thôn Giang Hến. 

Vừa bước vào ngõ nhà đầu làng thì trời ơi, tất cả chúng tôi đã không thể tin vào mắt mình khi người ra đón chúng tôi là một phụ nữ với gương mặt như đúc cùng một khuôn với gương mặt cô du kích ngồi bên cạnh ông lái đò trong tấm ảnh năm nào. 

 
35 năm đi tìm nụ cười hào sảng trên sông Thạch Hãn
Cô du kích 18 tuổi năm nào nay đã có cháu nội,cháu ngoại mới có dịp được gặp lại chính mình trong bức ảnh trưng bày tại bảo tàng. 

Gần như không còn để ý đến sự luýnh quýnh của chủ nhà, khách cứ vậy líu tíu hỏi dồn như được xả nén sau một hơi dài tìm người trong ảnh. 

Mãi tới khi khách giở tấm ảnh ra chỉ vào ông lão chèo đò, và cô gái cầm súng trong ảnh thì chủ nhà mới bẽn lẽn: "Dạ, đây là em, em tên là Nguyễn Thị Thu. Người chèo đò là ba chồng em, ông tên là Nguyễn Con. Hồi đó ba em khoảng 57 tuổi, em lúc đó 18 tuổi, cũng vừa tham gia vào du kích được gần 3 tháng. Sau chiến tranh, do làm việc quá sức, ba chồng em mất năm 1978, lúc đó khoảng 63 tuổi". 

Hỏi hồi đó chị Thu cùng ba chồng chở được bao chuyến đò đưa quân sang sông? Chị trả lời, hồi đó liên tục qua lại về, về rồi lại qua ngay, không đếm nên không biết được bao nhiêu chuyến. 

Chị Thu cũng cho biết, hồi đó không biết tấm ảnh có hình ba con chị được in trên các báo, nhưng mấy năm sau qua mấy người cùng làng, vợ chồng chị mới biết tấm ảnh đó được in lớn trên nhiều tờ báo và cả sách.

Chỉ lên tấm ảnh được cắt ra từ sách treo ngay ngắn nên tường, chị Thu bảo chồng chị treo ở đó làm kỉ niệm và thay cho tấm hình thờ bố chồng chị - tức người lái đò hào sảng ngày nào. 

Cũng theo lời cô du kích năm xưa thì gia đình cô có biết "người ta" tìm mình và những người trong ảnh, biết tấm ảnh được treo trang trọng tại bảo tàng thành cổ Quảng Trị, nhưng trong nhà có tấm ảnh cắt trên báo treo tường là được rồi. 

"Đây qua đó, đường đò, đường bộ chừng 4 cây số nhưng không có việc vợ chồng em không dám đến nơi treo ảnh. Cũng biết cả chuyện người ta tìm mình, nhưng đi qua đó nhận mình là người trong ảnh để làm chi…" - chị Thu nhẹ nhàng nói.

Chúng tôi bất ngờ đến sững sờ trước những lời bình dị nghe được từ một con người từng đã gắn mảnh đời mình vào khoảnh khắc lịch sử chiến tranh giải phóng của dân tộc. 

Ngay cả khi được gặp tác giả, người đã liên tục tìm kiếm những nhân vật trong tác phẩm của mình, đưa họ từ một góc khuất cuộc đời hoà mình trong dòng chảy của cuộc sống - thì những con người đó, phẩm chất đó vẫn nguyên nét chân thật, mộc mạc, hoàn toàn không phải là sự khép mình cố ý. 

Chừng để câu chuyện kết thúc có hậu, sau khi ghi lại mấy hình ảnh tác giả và nhân vật trong ảnh gặp nhau trên bến thuyền năm nào, tôi đề nghị được mời chị Thu sang bảo tàng thành cổ “thăm” lại chính mình trong bức ảnh được chụp trong mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Một cuộc gặp dẫu chỉ với khoảng cách 4km những đã phải trải dài qua 35 năm.   


Theo VTC .

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Danh sách thực phẩm tồi tệ làm phí công tập Gym của bạn (12/5)

Hà Nội: Chiếc điện thoại "tố" nơi ẩn nấp của kẻ sát nhân (12/5)

Cách phát hiện sớm ung thư dạ dày (11/5)

Tại sao khi uống rượu không nên ăn thịt (10/5)

2 người tâm thần đâm nhau chết ở bệnh viện (10/5)

Nam thanh niên giết bạn, giấu xác trong rừng cao su (10/5)

Xác định nguyên nhân ban đầu trẻ 2 tháng tử vong sau khi tiêm vaccine (10/5)

Trẻ 11 tuổi tử vong vì bị bệnh dại do mèo cào (10/5)

Uống gì vào buổi sáng để tốt cho sức khỏe? (6/5)