Ông Thụ với vai trò Tổng Giám đốc của Công ty Thái Sơn được cho là đã chiếm đoạt của Ngân hàng OCB và 6 nhà băng khác bằng hình thức thế chấp tài sản là hàng hóa, sắt thép hình thành từ vốn vay hơn 433 tỷ đồng.
Ngày 10/7, Bộ Công an đã khởi tố thêm 5 bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn với Trần Duy Tùng (nguyên nhân viên Phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Công nghiệp thương mại Thái Sơn), Nguyễn Quốc Anh (Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Nhật Anh), Trương Hồng Thơ (nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH thép Minh Thanh). Những người này bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hai bị can còn lại là Nguyễn Thị Ngân (Phó Giám đốc Ngân hàng phát triển nhà TPHCM, chi nhánh Thăng Long) và Phan Hoàng Giang (nguyên Phó phòng Quản lý hỗ trợ tín dụng HDBank Chi nhánh Thăng Long) bị khởi tố về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trước đó, đầu tháng 8/2012, cảnh sát đã khởi tố Phạm Văn Thụ (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công ty Thái Sơn) và Phạm Hải Thanh (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn); Dương Hoàng Sơn (nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên sắt thép Thanh Sơn) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
|
Trụ sở công ty Thái Sơn. Ảnh: CAND |
Kết quả điều tra cho thấy, năm 1995, ông Thụ thành lập Công ty Thái Sơn với ngành nghề kinh doanh sắt thép, vật tư phế liệu, sản xuất phôi thép và kinh doanh thương mại. Từ năm 2005 đến năm 2010, ông Thụ đã thành lập 13 công ty con tại Hải Phòng và TP HCM, cho vợ, con, cháu, anh em trong gia đình làm giám đốc.
Ông Thụ đã sử dụng tư cách pháp nhân của các công ty con ký kết nhiều hợp đồng mua bán sắt thép với nhau rồi sử dụng những bộ hồ sơ mua bán sắt thép đó để vay tiền ngân hàng. Số tiền các công ty con vay được đều chuyển vào tài khoản của Công ty Thái Sơn để hoạt động kinh doanh.
Thời kỳ hoàng kim, những năm từ 1995 đến 2007, ông Thụ được coi là đại gia ngành sắt thép Hải Phòng có doanh thu cả ngàn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên đó chỉ là vẻ hào nhoáng bên ngoài, còn thực tế, ngay từ năm 2008, do tác động của giá sắt thép giảm mạnh, Công ty Thái Sơn đã tồn kho tới hàng chục ngàn tấn thép. Thêm vào đó, việc mất vốn trong hợp đồng đóng mới 3 con tàu cho một công ty tài chính đã khiến Công ty Thái Sơn càng thêm khó khăn.
Để có tiền trang trải các khoản chi, nhất là các khoản nợ đến hạn, Công ty Thái Sơn đã lập hồ sơ khống vay tiền ngân hàng để đảo nợ. Trong số các ngân hàng mất vốn có Ngân hàng OCB đã giải ngân cho Công ty Thái Sơn gần 100 tỷ đồng theo 8 bộ hợp đồng mà phía công ty này đã lập khống. Ngoài ra, 8 công ty con thuộc Công ty Thái Sơn đã vay tại 7 ngân hàng khác có chi nhánh tại Hải Phòng và một số tỉnh , thành phố khác... với số tiền hơn 185 tỷ đồng. Khoản này đều chuyển về Công ty Thái Sơn sử dụng.
Theo nhà chức trách, ông Thụ với vai trò Tổng Giám đốc của Công ty Thái Sơn được cho là đã chiếm đoạt của Ngân hàng OCB và 6 ngân hàng khác bằng hình thức thế chấp tài sản là hàng hóa, sắt thép hình thành từ vốn vay hơn 433 tỷ đồng.
Để xảy ra việc thất thoát một số tiền lớn như trên, cơ quan điều tra cho rằng có liên quan một số người vừa bị khởi tố. Trần Duy Tùng, Nguyễn Quốc Anh và Trương Hồng Thơ đã xóa dấu ký hiệu trên sắt thép để gian dối trong việc bàn giao tài sản thế chấp với ngân hàng; ký hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ, ký các hợp đồng, hóa đơn giá trị gia tăng, biên bản giao nhận… khống để Thụ và Thanh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguyễn Thị Ngân, Phan Hoàng Giang bị xác định làm trái quy định về cho vay, ký duyệt tờ trình đề nghị giải ngân, ký khế ước nhận nợ khi hồ sơ không hợp lệ, trái với quy định về hoạt động tín dụng của HDBank dẫn tới không thể phát mại để thu hồi được nợ vì tài sản bảo đảm cho các món vay đã bị thế chấp cho nhiều tổ chức tín dụng khác.
Hiện, liên quan vụ án này, Bộ Công an đã khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 8 người để phục vụ điều ra.
Theo Công an nhân dân