“Cứu người như cứu bản thân mình, chú Được được đoàn tụ với con cháu như sống lại lần thứ hai, giờ đây tôi chỉ mong chú ấy điều trị bệnh cho mau khỏe để sống hạnh phúc phần đời còn lại, để một ngày anh em tôi gặp lại nhau…”.
Đó là những lời tâm sự bật ra từ đáy lòng của ông Ngô Văn Đào sau khi nhận ra người em kết nghĩa Phan Hữu Được qua những hình ảnh trên BáoDân trí ở tận Hải Phòng xa xôi. Ông Đào mừng cho người em kết nghĩa đã tìm được gia đình, cũng mong có ngày hai anh em họ sẽ được gặp lại nhau, để được nghe em kết nghĩa gọi tiếng “Anh hai ơi! Anh hai ơi!” như ngày nào.
Giây phút xúc động của vợ chồng ông Đào khi nhận ra người em kết nghĩa Phan Hữu Được.
Những năm tháng bệnh tật chưa kể
Quãng thời gian sống với gia đình ông Đào ở nông trường cao su Samat cũng là những tháng ngày ông Được trải qua những cơn đau khủng khiếp nhất. Ông Đào kể, làm thuê được vài hôm, ông Được lại đột ngột xin nghỉ vì trở bệnh, sau đó ông đi lang thang trong bất định. Cứ mỗi lần ông Được rời khỏi nhà là đi vài hôm mới về. Vợ chồng ông Đào sốt ruột, ông Đào lại lấy chiếc xe đạp lóc cóc dạo khắp nông trường cao su Samat tìm ông Được đưa về.
“Tôi nhớ một lần ông ấy mất tích mấy ngày không về, tôi xe đạp lên tận sân bay Samat thì gặp ông ấy lang thang ở đó. Sau đó hai anh em tôi thủng thẳng dắt xe đi về tận nhà thì trời cũng chập tối”, ông Đào kể.
Ông Đào cũng không thể quên những cơn đau kinh hoàng mà người em kết nghĩa phải chịu. Đó là những cơn đau rất bất thường, có khi xuất hiện vào chập tối nhá nhem, cũng có khi lúc rạng sáng. Trong cơn đau triền miên ấy, ông Được lại gọi “Anh hai ơi! anh hai ơi!...” (tức gọi ông Đào)...
Ông Đào, người công nhân tốt bụng đã đưa ông Được về chăm sóc
Nghe tiếng người em kết nghĩa rên la trong đau đớn, ông Đào chạy tìm ngay một nắm tỏi, giã ra bóp vào cánh tay cho ông Được để hạ sốt, giúp người em mau chóng vượt qua cơn đau. Bảy năm sống bên ông Đào, có lẽ ngoài tình huynh đệ sâu nặng, với ông Được, thuốc thang cũng được xem là “người bạn tri kỷ” mỗi tháng.
Công việc làm cao su của vợ chồng ông Đào tại nông trường Samat thuận lợi thì tiền thuốc thang cho ông Được cũng chẳng khó khăn gì, nhưng không ít lần trong nhà túng quẫn, bà Dung - vợ ông Đào - lại phải tìm cách xoay xở để có đủ thuốc cho em.
“Chú Được đã sống lại lần thứ hai”
Khoảng năm 2007 - 2008, do cuộc sống không thuận lợi, vợ chồng ông Đào quyết định rời nông trường cao su Samat để tìm lên vùng đất Ea Súp tận Tây Nguyên mua đất rừng trồng cao su. Ý định ban đầu của ông Đào là hai vợ chồng ông sẽ lên Ea Súp để xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống trước, rồi sau đó mới quay lại Tây Ninh đón ông Được lên sống cùng. Thời gian này ông Được sống với hai người con của ông Đào ở nông trường cao su Samat. Ông Được ở nhà anh Ngô Đức Tài vài hôm, khi buồn quá thì ông đến nhà anh Ngô Đức Mạnh ở. Cứ như vậy, hai anh em con ông Đào thay nhau cưu mang ông Được trong thời gian cha mình đang ở Tây Nguyên tính kế sinh nhai.
Đặt chân lên Tây Nguyên, vợ chồng ông Đào đã mua được khoảng 9ha đất rừng ở vùng Ya T’mốt, huyện Ea Súp để trồng cao su, sau khi thuê nhân công cày xới xong xuôi tốn kém hàng chục triệu đồng thì bị “thổ địa” vô cớ bao chiếm. Không cam chịu, nhiều lần vợ chồng ông Đào đã quyết liệt giành lại thì bị đe dọa. Nơi miền đất mới, không có đất đai canh tác, vợ chồng ông Đào sống lay lắt đến năm 2012 thì quyết định về nông trường cao su Samat thăm lại người em kết nghĩa cùng các con của mình đang sinh sống tại đây. “Khi vợ chồng tôi về Tây Ninh, nghe tôi nói làm ăn trên đó không được, đất đai bị người ta chiếm hết, chú ấy (ý nói ông Được-PV) cũng rất buồn, chú ấy đã động viên tôi rất nhiều, rồi nói nếu vậy thì hãy quay về lại Tây Ninh sinh sống cùng các cháu”, ông Đào trầm ngâm.
Dù vậy, sau đó vợ chồng ông Đào vẫn quay lại Tây Nguyên, rồi quanh quẩn trồng mấy sào hoa màu mà sống lay lắt qua ngày. Khi các con ông Đào liên hệ để tìm quê hương bản quán cho chông Được, thì ông Đào ở Tây Nguyên cũng không hề biết, cho đến khi thấy hình ảnh của ông Được đăng trên BáoDân trí, vợ chồng ông Đào đã hét toáng lên trong niềm vui vỡ òa: “Đúng chú ấy rồi đấy, chú ấy đây rồi ông ơi!”.
Cuộc sống của gia đình ông Đào hiện nay.
Ông Đào xúc động nói: “Cảm thấy hạnh phúc lắm rồi! Cứu người ta là như cứu bản thân mình rồi, chú Được đã sống lại lần thứ hai để đoàn tụ với con cháu, giờ đây tôi chỉ mong chú ấy điều trị bệnh cho mau khỏe để sống một phần đời còn lại, để một ngày hai anh em tôi sẽ gặp lại, để ôn lại quãng thời gian từ lúc chú ấy gặp tôi để trở thành anh em kết nghĩa, để anh nói cho chú ấy biết, tại sao sau bao nhiêu năm trước, sống với nhau mà chú ấy không hề nói cho anh biết là chú có quê hương như thế này…”.
Vợ chồng ông Đào cũng mong muốn thông qua báo Dân trí gửi lời hỏi thăm sức khỏe tới tất cả bà con nội ngoại, anh em, họ hàng của ông Được ở tại quê hương Tiên Lãng, Hải Phòng. “Biết đâu được nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con họ hàng ở đấy… bệnh tật của chú ấy sẽ bị đánh đuổi”, ông Đào mong mỏi.
Từ những thông tin trên báo Dân trí, liên tục những ngày qua, hàng chục tổ chức cá nhân đã về tận nơi thăm hỏi, tặng quà và tỏ lòng mến phục đối với ông Phan Hữu Được.
Chiều 30/6, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Vương Duy Biên cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hiền cùng bà Ngô Kim Loan - Giám đốc đoàn múa rối Hải Phòng - đã về tận nhà anh Phan Hữu Lợi để trực tiếp thăm hỏi và tặng quà cho ông Phan Hữu Được.
Ngoài tình cảm chân thành, sự thăm hỏi ân cần, ông Phan Duy Diên còn gửi tới ông Được 5 triệu đồng để ông thêm phần thuốc thang trong lúc bệnh tật.
Mới đây nhất, Công ty cổ phần dây cáp điện Thượng Đình 38 Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng đã tổ chức cho nhiều cán bộ, công nhân về Tiên Minh thăm và gửi tặng ông Được 20 triệu đồng.
Các bạn trẻ trong nhóm Giai điệu yêu thương tận tay trao cho ông Được 10 triệu đồng và mong muốn ông chóng khỏi bệnh. 3 công nhân Rán, Phú, Phương ở Công ty than Đông Bắc đã góp 5 triệu từ tiền lương của mình để chia sẻ những khó khăn bước đầu với ông Phan Hữu Được.
Tính đến nay, ông Được đã nhận được hơn 130 triệu đồng của các nhà hảo tâm trực tiếp đến nhà trao tặng.
|
Theo Dan tri