Người mẹ ấy không ngừng khóc khi kể về đứa con tội lỗi. Bà cũng không ngờ được chính sự chủ quan khi thấy nó có biểu hiện tâm thần mà không đưa đi điều trị đã đẩy gia đình vào bi kịch đau thương, đưa con vào tội ác.
Nước mắt người mẹ
Chúng tôi tìm đến căn nhà mà nạn nhân và kẻ thủ ác cùng sống bên nhau tại xã Cát Tân, huyện Như Xuân (Thanh Hoá), nơi đã xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng, con trai đánh chết cha ruột của mình và đập vỡ đầu mẹ.
Ngôi nhà vách đất lọt thỏm giữa những triền đồi vùng cao Như Xuân (Thanh Hoá), mảnh đất im ắng, heo hút và ảm đạm đến rợn người.
Tiếp chúng tôi là người đàn bà gầy nhom, xơ xác, hai mắt thâm quầng vì mất ngủ, trên đầu với chi chit vết khâu vá- hậu quả từ những vết đâm chém của đứa con đứt ruột đẻ ra- đó là vợ của người chồng xấu số và mẹ của nghịch tử giết cha. Nhưng có lẽ những vết khâu trên đầu bà làm sao đau bằng cái nỗi đau mất chồng, con mang tội ác.
Nỗi đau đớn không nguôi của nguời đàn bà có con là ngịch tử giết cha
Ngồi giữa căn nhà nền đất, bên cạnh là di ảnh người chồng đặt dưới bàn thờ sơ sài vài thứ, bà Lan (mẹ Quynh) nghẹn ngào kể lại câu chuyện đắng lòng đẫm nước mắt. Vụ án mạng xảy ra vào khoảng hơn 10h sáng ngày 14/6, khi Quynh và bố mẹ đang cùng ăn cơm tại lán trại của gia đình.
“Như thường ngày, hôm đó nó ăn cũng rất khỏe, tới bốn bát cơm đầy. Nó còn xúc thêm thức ăn đổ lên trên bát cho đầy tràn ra ngoài, rồi vừa ăn vừa nói. Thấy vậy tôi mới nhắc nhở nó im lặng đi và ăn cho khỏi rơi cơm ra. Bất ngờ, nó đứng phắt dậy rút cán dao quắm (loại dao dùng để phát cây rừng, dài chừng 50 cm, đã được rút lưỡi - PV) phang mạnh một nhát vào gáy bố nó. Tôi chỉ kịp nghe ông ấy nói một câu “Sao con lại đánh bố?” và nấc một tiếng thì ông ấy đi. Không kịp la lên thì tôi cũng bị nó đánh tới tấp vào đầu, máu bắn vào cánh quạt tung tóe. Tôi vừa ôm đầu vừa chạy kêu cứu rồi gục luôn” – người mẹ ấy nghẹn giọng trong tiếng nấc.
Cũng theo bà Lan thì lúc công an tới, Quynh vẫn ngoan ngoãn cho bắt trói vào gốc cây và không ngừng lảm nhảm “nói nhiều đau đầu nên đánh chết đi”.
Vén màn bi kịch
Vợ chồng ông Ông Vũ Cẩm Minh (52 tuổi) và bà Bùi Thị Lan, 50 tuổi (dân tộc Thổ, tại thôn Tân Lợi, xã Cát Tân, huyện Như Xuân) có 4 người con cả trai lẫn gái. Vũ Cẩm Quynh là con trai út (sinh năm 1990). Học chưa xong lớp 12, Quynh bỏ học theo anh trai thứ hai vào miền nam làm công nhân. Nhưng chỉ được khoảng một năm Quynh bỏ làm và đi lang thang ra ngoài.
Được anh thứ hai đưa về làm cùng chỗ nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn Quynh lại bỏ đi. Trong một lần tham gia đánh nhau cùng hội bảo kê ghe tàu Quynh đã bị đánh và bị công an bắt khiến anh trai phải bảo lãnh cho về. Từ đây, thấy em có biểu hiện khác lạ, hay múa máy, nói lảm nhảm, đầu năm 2012 anh trai đưa Quynh trở về Thanh Hóa.
Trở về quê, biểu hiện không bình thường của Quynh ngày càng rõ. Thấy con gái trong thôn là chạy theo khiến làng xóm cũng phải kinh hãi và luôn dè chừng. Đã nhiều lần bà Lan vận động chồng đưa con đi khám, điều trị, nhưng ông Minh lại cho rằng con đang bị “bề trên” đày đọa, vượt qua thử thách này Quynh sẽ trở thành “thầy”.
Căn nhà nơi nạn nhân và kẻ thủ ác đã sống bên nhau
Hơn nữa, do nhà lại nghèo nên gia đình cũng không có tiền đưa để đưa Quynh đi khám và điều trị. Thời gian gần đây Quynh không ngủ, cứ ngồi nóilảm nhảm cả đêm, có khi nói tiếng Thái, tiếng Mường, có khi lại nói tiếng Tàu.
Từ đầu năm 2013, ông Minh, bà Lan đưa Quynh lên lán trại của gia đình cách nhà đang ở chừng 2 km. Tối tối bà Lan về nhà ngủ để ông Minh ở lại canh chừng Quynh. Nhưng bệnh tình có dấu hiệu ngày càng nặng hơn. Có lần Quynh dùng dao chém vào giường ngủ của bố rách một vệt dài trên mùng. Lần đó ông Minh may mắn không bị thương, nhưng cũng cảnh giác hơn, mỗi lần đi làm về ông đều lấy lưỡi dao cất dấu đi, lúc nào cần lại mang ra lắp vào cán. Đồ đạc trong nhà cũng cẩn thận hơn.
Chính quyền địa phương và các đoàn thể đã từng nhắc nhở, khuyên bảo gia đình nên đưa Quynh đi khám, điều trị bệnh nhưng chính sự chủ quan và cái nghèo đã đẩy gia đình dẫn đến bi kịch đau lòng.
Theo Dan tri