Giá xăng tăng là theo giá thị trường, chứ không phải vin vào cớ CPI giảm, và muốn tăng thế nào thì tăng.
Tại buổi giao ban Bộ Công Thương tổ chức chiều 6/8, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Võ Văn Quyền cho biết, hiện giá gas đã thị trường hóa, còn giá điện và xăng đang trong lộ trình tiến tới vận hành theo hướng giá thị trường.
Theo ông Quyền, vận hành giá là một trong các yếu tố của công cuộc đổi mới đem lại, điều chỉnh giá theo lộ trình thị trường, trong đó có việc điều chỉnh giá xăng dầu, điện, nước đang được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước.
Khi lạm phát cao, cần có sự can thiệp của Nhà nước vào các mặt hàng này thì lộ trình của các mặt hàng này sẽ khác so với ban đầu đề ra.
“Nhưng trong điều kiện hiện nay, khi lạm phát đi xuống thì Chính phủ cho phép vận hành theo giá thị trường”, ông Quyền nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Quyền, mặc dù các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nhưng một số mặt hàng quan trọng như điện, xăng tăng không hề mâu thuẫn nhau.
Khó khăn của doanh nghiệp là do hàng tồn kho lớn. Đây là lỗi của việc điều tiết kinh tế vĩ mô, khi không xác định đúng các mặt hàng phù hợp với nhu cầu của thị trường. Khó khăn này cũng do điều tiết chung của nền kinh tế đem lại, doanh nghiệp nào điều tiết không tốt thì phải tự đào thải.
“Trao quyền cho doanh nghiệp tự quyết không có nghĩa là doanh nghiệp muốn tăng bao nhiêu thì tăng, muốn giảm bao nhiêu thì giảm mà phải có sự giám sát của Nhà nước.
Tôi cũng nhấn mạnh, không phải chỉ số giá tiêu dùng (CPI) âm thì mới tăng và CPI dương mới giảm… mà phải theo vận hành chung, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Quyền nhấn mạnh.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, việc điều chỉnh giá điện, giá xăng đều có lộ trình, được tính toán kỹ và “không căn cứ vào CPI âm hai tháng”.
Liên quan đến giá điện, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) một lần nữa khẳng định việc điều chỉnh giá điện như thời gian vừa qua là phù hợp và ngành điện vẫn lỗ nặng.
Điện là loại hàng hóa đặc biệt, vì thế chính sách điều chỉnh giá phải được sự thống nhất của các bộ, ngành liên quan. Việc điều chỉnh được bộ Công thương – Tài chính cân nhắc thận trọng về mức độ và thời điểm điều chỉnh.
Cuối năm 2011, sau khi đã tính toán và đề xuất tăng trên 10% so với thời điểm năm 2011, tuy nhiên cân nhắc mọi yếu tố thì việc điều chỉnh 20/12/2011 và tháng 7 vừa qua chỉ tăng 5% để giảm thiểu ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô và an sinh an sinh xã hội.
“Ngành điện 2011 phải bán dưới giá thành, khiến lỗ trên 10.000 tỷ đồng đối với sản xuất và trên 25.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.
Giá điện tới 2013 phải tiệm cận với giá thị trường nên việc điều chỉnh giá điện phải cân nhắc thận trọng để năm 2013 đạt được mục tiêu này.
Trong điều chỉnh giá điện sẽ tính toán để không ảnh hưởng tới người nghèo, thu nhập thấp”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo VTC .