Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ xem xét đưa các cuộc chiến biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, hải chiến Hoàng Sa... vào sách giáo khoa sắp biên soạn với dung lượng phù hợp.
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sách giáo khoa hiện hành tuy không đề cập đầy đủ nhưng cũng đã nói đến cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, chiến tranh biên giới Việt Nam - Campuchia và một số nội dung liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa. Phần kiến thức này được đề cập trong bài học chính, bài tham khảo.
Do hạn chế số trang sách giáo khoa trong khi nội dung cần truyền đạt nhiều nên thông tin sự kiện được viết ngắn gọn, chưa thỏa mãn được cả những nhà viết sách sử, thầy cô giáo và học sinh. "Bộ sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà sử học, người dân. Thời gian tới, khi công bố khung chương trình tổng thể, chương trình bộ môn, Bộ sẽ xem xét để đưa nội dung về các cuộc chiến vào sách giáo khoa với dung lượng phù hợp", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay.
Trong lúc chưa có bộ sách giáo khoa mới, Bộ khuyến khích các trường học, tổ bộ môn sử đưa nội dung trên vào bài giảng, hoặc có thể là hoạt động ngoại khóa, chuyên đề, như nhiều trường đã làm. Ví dụ trường học ở TP Đà Nẵng đã tổ chức đưa học sinh đến bảo tàng, lồng ghép nội dung về chủ quyền biển đảo vào bài học và được các em hưởng ứng nhiệt tình.
|
Những người lính đầu tiên bảo vệ đất nước là bộ đội địa phương, công an vũ trang (bộ đội biên phòng), dân quân tự vệ và nhân dân 6 tỉnh biên giới. Ảnh tư liệu.
|
Trước đó nhắc đến sự kiện 17/2/1979 khi Trung Quốc đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới của Việt Nam, nhiều người bày tỏ bất bình khi thông tin về cuộc chiến chỉ có 11 dòng trong sách giáo khoa.
Đồng chủ biên cuốn sách, GS Vũ Dương Ninh cho biết, ban đầu cuộc chiến được viết chi tiết với 4 trang, nhưng sau đó vì khuôn khổ sách giáo khoa quy định và chủ yếu vì lý do "quan hệ tế nhị" với nước bạn nên nội dung này bị sửa đi sửa lại nhiều và bị cắt chỉ còn 11 dòng. Những tác giả viết sách lúc bấy giờ cảm thấy không thỏa mãn, nhưng buộc phải chấp nhận.
Phản hồi tới VnExpress, độc giả Trần Văn Châu chia sẻ: "Tôi đi lính từ 3/1983 đến 9/1986 (lúc đó lấy người từ 27 tuổi trở xuống) ở mặt trận Hà Tuyên (Hà Giang gồm Đồng Văn, Mèo Vạc và Yên Minh), đã đánh nhau hơn 50 trận. Sau này, khi có dịp, tôi kể lại cho mọi người nghe nhưng không ai tin, kể cả vợ, con vì sách giáo khoa, đài, báo, tivi... có nói gì đâu. Thật chua xót".
Có độc giả thừa nhận chỉ biết Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam vì câu này nghe quen trên phương tiện thông tin đại chúng, còn không hề biết rằng Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1974 vì không có tài liệu chính thống nào nói về việc này.
GS Vũ Dương Ninh cũng như hàng trăm độc giả cho rằng các cuộc chiến tranh cần được đưa vào sách giáo khoa vì tính khách quan của lịch sử, tính giáo dục truyền thống của sử học và vì đòi hỏi của xã hội. Đó là hải chiến Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh biên giới Tây Nam 1977-1978 và biên giới phía Bắc năm 1979-1988, trận chiến Vị Xuyên bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1984, trận đánh Gạc Ma bảo vệ Trường Sa năm 1988…
"Không thể nói rằng nếu đưa thông tin lịch sử về các sự kiện như chiến tranh biên giới 1979 sẽ ảnh hưởng tới quan hệ hữu nghị Việt - Trung. Đây là sự nguỵ biện. Việc gì phải ra việc ấy. Bản thân cuộc chiến tranh đã diễn ra như thế nào thì ta phải nói đúng như thế ấy. Còn xây đắp tình hữu nghị thì ta vẫn làm, vẫn phát huy mặt tốt", GS Ninh nói.
|
Nhấn vào các mũi tên trên bản đồ để xem chi tiết diễn biến cuộc chiến năm 1979.
|
Rạng sáng 17/ 2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới lãnh thổ Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km. Cuộc tấn công của Trung Quốc gây bất ngờ với Việt Nam và cả thế giới.
Theo Niên giám châu Á năm 1980, thời điểm Trung Quốc tấn công, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc chỉ có khoảng 50.000 quân. Trong khi đó, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập; 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn với khoảng 600.000 người, gấp hơn 10 lần lực lượng tham chiến thực tế của Việt Nam.
Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố "hoàn thành mục tiêu chiến tranh" và rút quân. Ngày 7/3, thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân.
Tuy nhiên, từ 18/3/1979 đến cuối năm 1988, Trung Quốc đã không rút hết quân như tuyên bố. Chiến sự vẫn tiếp diễn, cao điểm nhất là năm 1984-1985. Nhiều đơn vị quân đội của Trung Quốc đã được luân chuyển tới biên giới, biến Việt Nam thành thao trường.
Việt Nam vì thế buộc phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự lớn dọc biên giới. Tình trạng chiến tranh khiến kinh tế Việt Nam thiệt hại nặng nề.
|
Theo Vnexpress