Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng phải “kêu trời” về thủ tục đăng ký hộ tịch khi có cháu nội chào đời tại Hà Nội mà không khai sinh được chỉ vì mẹ cháu bé có hộ khẩu tại Sài Gòn…
Ngày 19/3, Bộ Tư pháp và Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ nhất năm 2014 với chủ đề “Đánh giá tổng quan Dự án luật Hộ tịch dưới góc độ quyền con người”. Nhiều câu chuyện thực tế đang “tắc” được nêu ra tại diễn đàn.
Luật để quản lý hay phục vụ người dân?
Theo Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh, hiện mỗi công dân Việt Nam có thể sở hữu khoảng 20 loại giấy tờ (giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh thư, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe…). Các giấy tờ đều có đặc điểm chung là chứa đựng những thông tin cơ bản về hộ tịch của cá nhân (họ tên, ngày sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch…). Tuy nhiên, trên một số loại giấy tờ của cùng một người, thông tin cá nhân cũng không trùng nhau, gây khó khăn cho việc sử dụng.
Các số, mã số trên mỗi loại giấy tờ cũng có tính độc lập và không thể chia sẻ, kết nối được với nhau dẫn đến tình trạng cát cứ, khép kín thông tin cá nhân ở mỗi cơ quan quản lý, không phát huy được tính thống nhất trong quản lý.
Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần này nhắm tới luật Hộ tịch dưới góc độ quyền con người.
Ông Khanh dẫn chứng một câu chuyện thực tế, ngay lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng từng phải gọi điện đến Cục Hộ tịch phàn nàn vì thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu nội quá khó khăn. Bố cháu bé có hộ khẩu ở Hà Nội, mẹ ở TPHCM. Vì vậy, dù sinh ra tại Hà Nội, cháu bé cũng không thể khai sinh được tại đây, không được nhập vào hộ khẩu của bố mà bắt buộc bố mẹ phải vào TPHCM khai sinh theo mẹ xong rồi mới… tính tiếp.
“Chi phí cho người dân để làm những thủ tục đó, từ việc đi lại, tàu xe, "bôi trơn"… không hề rẻ so với mức thu nhập trung bình” – ông Khanh nêu rõ.
Dự án luật Hộ tịch theo đó được xem như một bước tiến lớn cho lĩnh vực quản lý, đảm bảo thực thi quyền công dân. Việc xây dựng số định danh cá nhân là để khắc phục những hạn chế, bất cập đã thể hiện. Ông Khanh giải thích, hệ thống số định danh tạo thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đây là phương thức quản lý dân cư, xã hội tiên tiến đã được nhiều nước phát triển áp dụng. Thực tiễn hiện nay, nhiều nước như Đức, Áo, Thụy Điển, Hàn Quốc… đã thành công trong việc “số hóa” cá nhân, mỗi người có một số định danh cố định dùng chung cả giấy tờ tùy thân, giấy phép lái xe, bảo hiểm…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên phân tích, việc làm luật Hộ tịch là sự thay đổi về tư duy, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ để nhân dân thực hiện được các quyền của mình như thể hiện trong Hiến pháp mới. Việc xác định mỗi công dân có một số định danh cũng phải giải quyết những vấn đề liên quan rất phức tạp, mang tính chất nhân quyền cao như thách thức giữa việc khai thác thông tin và yêu cầu bảo vệ quyền bí mật riêng tư, quyền nhân thân của mỗi người.
Với tư cách cơ quan tham vấn trong chương trình đối thoại chính sách, bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam, nêu quan điểm: “Thách thức chính là bảo đảm sự thống nhất trong luật về các nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt, đặc biệt là các nguyên tắc liên quan đến hôn nhân, các mối quan hệ trên thực tế, quyền trẻ em, quyền của người lao động di cư và các nhóm khác như người đồng tính nữ, đồng tính nam, chuyển giới và lưỡng tính”.
Bà Chamberlain mong muốn cơ quan chức năng thực hiện những phiên tư vấn lấy ý kiến người dân liên quan đến dự thảo luật lần này và xây dựng luật bảo đảm được quyền lợi cho những người yếu thế trong xã hội, bảo vệ được quyền và lợi ích của người dân.
“Lách” để khai sinh cho cặp sinh đôi ra đời từ tinh trùng của bố đã mất
Tham dự hội thảo, một người chuyển giới nêu vấn đề, cuộc sống của những người như chị hiện tại rất khó khăn khi giấy tờ một đằng mà hình hài bên ngoài một nẻo. Từ tên tuổi, giới tính thể hiện trên giấy tờ đều ngược dẫn đến việc đi lại, làm việc, giao dịch mua bán, chuyển nhượng, thừa kế tài sản, đăng ký tạm trú tạm vắng đều… tắc. Chị đặt câu hỏi, luật Hộ tịch ra đời có giúp giải quyết được vấn đề không dễ nói này cho những người chuyển giới?
Cục trưởng Nguyễn Công Khanh thừa nhận, đây là một câu hỏi khó, trăn trở với Bộ Tư pháp từ nhiều chục năm qua. Việc chuyển giới, theo quan điểm của ông Khanh, là quyền của cá nhân mỗi người. Cái cần phải gỡ vướng là quyền này cần được quy định, ghi nhận trong các luật nội dung như Bộ luật dân sự, luật bình đẳng giới… Nhưng thực tế, luật hiện hành chưa công nhận vấn đề chuyển giới mà chỉ dừng ở việc xác định lại giới tính. Trong khi đó, luật Hộ tịch chỉ là một luật thủ tục, không thể “vượt quyền”.
2 bé trai sinh ra từ tinh trùng của người cha đã mất được khai sinh với họ của cha.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (ủy viên thường trực UB Các vấn đề xã hội) băn khoăn cho rằng, việc này rõ ràng chưa sát tinh thần của Hiến pháp. Hiến pháp đề cao các quyền của con người, chỉ có 4 trường hợp quyền con người bị hạn chế khi thật cần thiết nhưng việc không hạn chế soi vào tình huống này thì cũng khó thực hiện.
Dẫn thêm câu chuyện thực tế đang đặt ra yêu cầu giải quyết là sự việc một nữ tiến sĩ thụ tinh, sinh thành công cặp sinh đôi từ tinh trùng của người chồng đã mất gây xôn xao dư luận thời gian qua, bà Thúy đặt vấn đề, giải quyết thủ tục đăng ký hộ tịch cho 2 cháu bé thế nào? Trước đó, có thông tin từ Bộ Tư pháp cho rằng, không thể khai sinh theo họ cha cho 2 cháu bé.
Ông Khanh cho biết, sự việc này, Bộ Tư pháp xác định trường hợp rất đặc biệt, luật chưa quy định nhưng sau đó đã có kết quả xác định ADN rất chắc chắn thể hiện mối quan hệ huyết thống trực tiếp của cặp song sinh với người bố đã mất. Vì vậy, Bộ đã hướng dẫn giải quyết cho 2 em bé sinh đôi được khai sinh với tên họ của bố. Tuy nhiên, theo ông Khanh, đó cũng chỉ là một cách “xoay”, vận dụng pháp luật chứ về bản chất, pháp luật hiện tại chưa quy định vấn đề, luật Hộ tịch cũng… bó tay.
Liên quan đến quyền của người chuyển giới và liên giới, bà Shoko Ishikawa – Trưởng đại diện cơ quan của Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN woman) - cho rằng, luật Hộ tịch cần bỏ đi những điều khoản có thể hạn chế việc người chuyển giới tiếp cận với việc đăng ký lại giới tính, thay đổi giới và/hoặc tên về mặt pháp lý. Đặc biệt, luật cần thừa nhận quyền tự xác định giới tính của các cá nhân phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; cân nhắc đưa ra lựa chọn thứ 3 về giới tính đối với người liên giới hoặc những người chưa xác định được là nam hay nữ.
Theo Dân trí