Công an tỉnh Bình Phước (BP) vừa hoàn tất xác minh những sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh BP. Hàng loạt hành vi vi phạm luật pháp liên quan đến ông Trương Quang Dũng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh BP - đã bị phanh phui.
Mờ ám sau những vụ đấu giá tài sản
Năm 2010, Ngân hàng Nhà nước tỉnh BP được phép thanh lý bán đấu giá một số tài sản. Ngày 24.7.2010, hội đồng thanh lý bán đấu giá tài sản của Ngân hàng Nhà nước tỉnh tổ chức bán đấu giá máy phát điện. Kết quả ông Phạm Anh Tuấn - Trưởng phòng Tiền tệ - trúng đấu giá, với số tiền là 65 triệu đồng.
Tiếp tục là vụ tổ chức thanh lý bán đấu giá xe ôtô Mitsubishi Pajero 7 chỗ ngồi. Thay vì phải thực hiện đúng quy định là giao xe cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (TTDVBĐGTS) tỉnh bán đấu giá, ngày 22.11.2010, hội đồng thanh lý của Ngân hàng Nhà nước tỉnh họp và quyết định bán đấu giá trong nội bộ cơ quan chiếc ôtô với giá khởi điểm là 10 triệu đồng. Song, ngày 23.11.2010, Ngân hàng Nhà nước tỉnh lại ra công văn số 04/CV-BPH, gửi TTDVBĐGTS tỉnh “bàn giao” xe cho trung tâm này bán đấu giá.
Để rồi trong ngày, ông Nguyễn Tuấn Cảnh - Giám đốc TTDVBĐGTS tỉnh BP (đã bị bắt trong vụ án sai phạm đấu giá vườn caosu gây quỹ làm đường Lộc Tấn - Bù Đốp) - ra văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước tỉnh, viện cớ ôtô “thời gian sử dụng đã hết, hư hỏng nhiều” và “từ chối không nhận tài sản”(?).
Cũng trong ngày 23.11.2010, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tổ chức bán đấu giá chiếc ôtô trong nội bộ. Kết quả, ông Trịnh Minh Đức - Trưởng phòng Hành chính - nhân sự, kiêm thành viên hội đồng thanh lý - đã trúng với giá trên 223 triệu đồng.
Rút tiền nhà nước chia nhau
Để có tiền chia cho mọi người, ông Trương Quang Dũng đã phê duyệt bằng văn bản, chỉ đạo hội đồng thanh lý thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm như: Hủy kết quả bỏ phiếu đấu giá tài sản ban đầu, lập lại phiếu đấu giá có giá trị thấp hơn để rút hàng trăm triệu đồng từ bán đấu giá tài sản nhà nước.
Trong đó, thanh lý xe ôtô với giá bán trên 223 triệu đồng đã bị rút bớt 185 triệu đồng, còn lại hơn 38 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước. Thanh lý bán máy phát điện là 65 triệu đồng đã bị rút bớt 61,7 triệu đồng, còn lại 3,2 triệu đồng nộp vào ngân sách. Số tiền trên 246,7 triệu đồng được ông Dũng chỉ đạo chia đều cho 37 người trong cơ quan...
Tháng 12.2010, ông Dũng còn để cho cán bộ cấp dưới lập hồ sơ dự toán, hợp đồng khống “thi công công trình hạng mục chăm sóc, bón phân vườn cây cơ quan”, nhưng thực tế không hề có “công trình” này. Sau đó, ông Dũng phê duyệt trên những giấy tờ khống này, tạo điều kiện rút 31,1 triệu đồng chi cho tiếp khách cơ quan...
Điều đáng nói, ông Dũng đã lợi dụng chức vụ để ký tên, đóng dấu và ghi số lên “bản tường trình cá nhân” của ông Dũng thành “công văn số 830/BPH1, ngày 21.12.2012” cho thêm giá trị pháp lý. Ông Dũng cũng tận dụng công văn này thóa mạ cá nhân người khác một cách vô căn cứ... Trong khi đó, kết luận của cơ quan chức năng khẳng định ông Dũng “lấy danh nghĩa Ngân hàng Nhà nước tỉnh BP và sử dụng con dấu của cơ quan để ban hành văn bản là không đúng thể thức và giá trị pháp lý của văn bản”.
Theo Công an tỉnh BP, việc rút tiền nhà nước lấy hàng trăm triệu đồng để chia nhau, cũng như lập hồ sơ, hợp đồng khống rút tiền nhà nước tiếp khách là “hành vi vi phạm pháp luật”. Ông Dũng và những cán bộ trong hội đồng thanh lý, cán bộ lập dự toán, hợp đồng khống đã có những hành vi “trái với quy định của pháp luật”.
Theo Công an tỉnh BP, thời gian qua, nhiều cán bộ, nhân viên Ngân hàng Nhà nước tỉnh BP đã tố cáo ông Dũng “cấp phép mở phòng giao dịch cho các NH thương mại trái quy định, đòi phải chung chi tiền”. Việc cấp phép này, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước trung ương đã xác minh và kết luận là “có sai phạm”. Ngày 12.12.2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có kết luận và xử lý đối với GĐ, nhân viên Ngân hàng Nhà nước có sai phạm trong việc cấp phép mở phòng giao dịch cho các NH thương mại trên địa bàn tỉnh BP.
|
Theo Lao động