Tin tức khác

Cảnh báo tình trạng lãng phí nhân lực giám định viên

6 năm trước | 2326

Hiện có những địa phương mặc dù Trung tâm Pháp y có đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất để giám định như Trung tâm Pháp y Kiên Giang, Quảng Nam, Sóc Trăng, Bạc Liêu... nhưng lại lâm vào tình trạng ngồi chơi, ít việc, vì cơ quan điều tra chủ yếu trưng cầu lực lượng giám định pháp y công an mà bỏ qua pháp y y tế. Thậm chí có 6 đơn vị thời gian qua không hề giám định tử thi là Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tĩnh. Trà Vinh, Bình Phước, Tuyên Quang mặc dù trong hoạt động giám định pháp y thì giám định pháp y tử thi luôn chiếm số lượng công việc rất lớn. 

Cảnh báo tình trạng lãng phí nhân lực giám định viên

Có những địa phương dù Trung tâm Pháp y có đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất để giám định nhưng lại lâm vào tình trạng ngồi chơi, ít việc. (Hình minh họa)

Đây là chủ đề bức xúc của nhiều giám định viên khi họ gặp nhau trao đổi công việc tại Hội nghị sơ kết hoạt động pháp y, pháp y tâm thần 6 tháng đầu năm 2018 khu vực phía Bắc diễn ra trong 2 ngày (24-25/8). 

Giám định viên khổ vì tòa hoãn

Theo TS Nguyễn Đức Nhự - Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia, số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm các đơn vị pháp y ngành Y tế trong cả nước cho thấy đã giám định 26.697 vụ việc bao gồm các loại hình giám định như: giám định tử thi, giám định thương tích, giám định tình dục, giám định ADN, giám định hóa pháp, mô bệnh học... 376 trường hợp từ các vụ án đã được giám định pháp y tâm thần, trong đó giám định sức khỏe tâm thần là 306 trường hợp. Những bản kết luận giám định pháp y đã góp phần làm rõ diễn biến vụ việc, xác định hành vi, đối tượng phạm tội, giúp cho quá trình điều tra, tố tụng minh bạch, thượng tôn pháp luật. 

Cũng theo TS. Nguyễn Đức Nhự, trong thời gian qua, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan và việc xuất hiện thông tin không hay về vai trò của giám định pháp y và pháp y tâm thần trong các vụ việc đã làm tăng thêm những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải giữa các tổ chức giám định và cơ quan tố tụng. 

“Chúng tôi gặp nhiều vướng mắc với cơ quan trưng cầu giám định xung quanh các vấn đề như về quyết định trưng cầu giám định, về trưng cầu giám định lại và giám định bổ sung, về cung cấp hồ sơ giám định...

Đối với tòa án, bên cạnh những vấn đề như triệu tập giám định viên ra tòa quá nhiều lần mà phiên tòa lại thường trì hoãn gây ảnh hưởng đến công tác và chi phí của giám định viên; giấy triệu tập không ghi tên nạn nhân (người được giám định) mà chỉ ghi vụ việc liên quan đến bị can nên gây khó khăn cho giám định viên tìm hồ sơ để chuẩn bị phiên tòa... thì điều khiến chúng tôi rất buồn là khi tranh tụng tại tòa, nếu bản kết luận giám định gây bất lợi cho thân chủ, nhiều luật sư đã có những lời lẽ xúc phạm, quy chụp cho giám định viên. Trong khi đó, với vai trò của mình, chủ tọa phiên tòa lại không hề có ý kiến gì về những phát ngôn bừa bãi của luật sư ở chốn công đường tôn nghiêm như vậy”, TS. Nhự bày tỏ. 

Và theo ông Nhự, những vướng mắc, khó khăn đang gặp phải giữa các tổ chức giám định pháp y và cơ quan tố tụng cần được tháo gỡ và trao đổi chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.

Vì sao giám định viên giỏi vẫn ít việc?

Một vướng mắc nữa cũng khiến nhiều giám định viên có mặt tại hội nghị trăn trở, đó là hiện nay có những địa phương mặc dù Trung tâm Pháp y có đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất để giám định như Trung tâm Pháp y Kiên Giang, Quảng Nam, Sóc Trăng, Bạc Liêu... nhưng lại lâm vào tình trạng ngồi chơi, ít việc, vì cơ quan điều tra chủ yếu trưng cầu lực lượng giám định pháp y công an mà bỏ qua pháp y y tế.

Thậm chí có 6 đơn vị thời gian qua không hề giám định tử thi là Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tĩnh. Trà Vinh, Bình Phước, Tuyên Quang, mặc dù trong hoạt động giám định pháp y thì giám định pháp y tử thi luôn chiếm số lượng công việc rất lớn. 

“Phải chăng đây là hệ quả của việc thiếu quy chế phối hợp giữa Trung tâm Pháp y và Phòng Kỹ thuật hình sự trong việc tiếp nhận và thực hiện pháp y tử thi nên một số trung tâm dù có nhân lực và cơ sở vật chất tốt vẫn không được trưng cầu, gây lãng phí nhân lực, vật lực và khó khăn cho hoạt động trau dồi kiến thức của giám định viên?”, TS. Nhự đặt câu hỏi. 

Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia bày tỏ mong muốn, tới đây Chính phủ sớm ban hành quy chế phối hợp giữa Trung tâm Pháp y và Phòng Kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh về giám định pháp y tử thi để hóa giải vướng mắc. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho giám định viên, thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giám định, pháp luật về giám định tư pháp.

Tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh  các cơ quan pháp y phải có sự phối hợp nhịp nhàng với cơ quan tố tụng địa phương để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Thứ trưởng cho rằng, kết luận giám định pháp y là căn cứ quan trọng trong hoạt động tố tụng nên đòi hỏi sự chính xác và cẩn thận, tránh để lạm dụng kết luận pháp y trong việc xử lý các vụ án hình sự. 

 

Theo Báo Pháp luật Việt Nam


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Danh sách thực phẩm tồi tệ làm phí công tập Gym của bạn (12/5)

Hà Nội: Chiếc điện thoại "tố" nơi ẩn nấp của kẻ sát nhân (12/5)

Cách phát hiện sớm ung thư dạ dày (11/5)

Tại sao khi uống rượu không nên ăn thịt (10/5)

2 người tâm thần đâm nhau chết ở bệnh viện (10/5)

Nam thanh niên giết bạn, giấu xác trong rừng cao su (10/5)

Xác định nguyên nhân ban đầu trẻ 2 tháng tử vong sau khi tiêm vaccine (10/5)

Trẻ 11 tuổi tử vong vì bị bệnh dại do mèo cào (10/5)

Uống gì vào buổi sáng để tốt cho sức khỏe? (6/5)