Quả me có vị chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải nắng, giúp tiêu hoá.
Me là cây thân gỗ, cao đến 20m, lá kép lông chim chẵn, gồm 10-12 cặp lá chét có gốc không cân xứng, chóp lõm. Chùm hoa ở ngọn các nhánh nhỏ, có 8-12 hoa. Hoa có 2 lá bắc vàng, dính nhau thành chóp và rụng sớm; 4 lá đài trắng; 3 cánh hoa vàng có gân đỏ. Quả dài, mọc thõng xuống, hơi dẹt, thẳng, thường chứa 3-5 hạt màu nâu sẫm, trơn. Nạc hay thịt của quả (cơm quả) chua, khi chín có vị ngọt.
Cây được trồng nhiều nơi trên nước ta để làm cây bóng mát và lấy quả ăn, chế mứt, làm nước giải khát hoặc nấu canh chua. Bộ phận dùng làm thuốc là quả, lá, hạt và gỗ cây, vỏ cây.
Theo Đông y, quả me có vị chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải nắng, giúp tiêu hoá, lợi trung tiện và nhuận tràng. Vỏ cây me có vị chát, làm săn da, dùng làm thuốc cầm máu, trị ỉa chảy, lỵ và nấu nước ngậm, súc miệng chữa viêm lợi răng. Lá me có tác dụng giải độc, trị bệnh ngoài da, thường tắm cho trẻ em đề phòng bệnh ngoài da vào mùa hè. Cách dùng: Cơm quả thường dùng tươi hay làm mứt. Dùng pha nước đường uống, ngày 2-6g. Vỏ phơi khô, tán bột rắc hoặc sắc uống. Gỗ cây dùng sắc. Lá nấu nước tắm.
Phụ nữ mang thai nôn nghén, chán ăn: Quả me xanh 30g, đường trắng 10g. Me cạo vỏ cho vào nồi nấu với 300ml nước, đun còn 200ml, chắt nước bỏ bã. Cho đường quấy đều, chia uống 3 lần trong ngày. Uống trong vài ba ngày liên tiếp. Ăn mứt me hoặc ngày ngậm 5-7 lần ô mai me.
Táo bón ở phụ nữ mang thai và người già: Gỗ me 100g, sắc uống hàng ngày thay nước trà.
Tẩy giun: Hạt me 4-8g, quả giun 6-12g sao vàng tán bột uống, uống liền trong ba ngày vào lúc sáng sớm.
Phòng và chữa viêm lợi, viêm nha chu: Vỏ cây me 100g, sắc lấy nước dùng để súc miệng ngày 2 lần sáng tối.
Thức uống giải nhiệt: Thịt quả me chín 20g pha với 200ml nước sôi để nguội, cho thêm ít đường, khuấy đều, uống hàng ngày.
Rôm sảy, mẩn ngứa ở trẻ: Dùng một nắm là me, rửa sạch nấu nước tắm hàng ngày.
Theo SKĐS .