“Linh cảm đã khiến tôi nghĩ mình có mối liên hệ thiêng liêng nào đó đối với Randy. Tôi đã dò hỏi mọi người về thân phận của Randy. Khi biết Randy là con lai tôi bàng hoàng”…
Sau khi bài viết “Ca sĩ Randy và cuộc kiếm tìm người mẹ Việt”, PV nhận được nhiều cuộc điện thoại của độc giả cho biết, họ đã nhận diện được “mẹ” của ca sĩ này. Khi chúng tôi hỏi về nhân thân của những bà mẹ này thì họ trả lời không trùng khớp với những thông tin "nhạy cảm" mà chúng tôi biết. Bất ngờ, một bà lão 72 tuổi đang cư ngụ ở Trảng Bom, Đồng Nai đích thân gọi điện thoại cho chúng tôi. Bà cho rằng, có thể ca sĩ Randy chính là đứa con mà bà đã rũ bỏ cách nay hơn 40 năm. Chúng tôi đến tận nơi ở của bà để tìm hiểu thực hư.
Nhớ một thời loạn lạc...
Bà sống một mình trong căn phòng trọ khoảng 12m2. Tài sản có giá trị duy nhất trong căn phòng là chiếc tivi cũ kỹ và có lẽ cả những dĩ vãng đau lòng...
Nét phong sương vẫn còn phảng phất đâu đó trên mái tóc bạc trắng, trong ánh mắt đượm buồn và trong giọng Huế nho nhã của bà lão đã bước sang tuổi xưa nay hiếm. Cách trò chuyện của bà khiến chúng tôi liên tưởng mình đang tiếp xúc với một trí thức hồi hưu chứ không phải một người chất chứa trong lòng ký ức thời trẻ lang bạt kỳ hồ. Bà cho biết, đây là lần đầu tiên trong đời bà chia sẻ những góc khuất đời tư mà bà giữ bí mật suốt 40 năm qua...
Bà tên D.T.H., sinh năm 1940 tại Huế trong một gia đình trọng nho hơn mạng, trọng lễ hơn tài. Bà có rất đông anh chị em. Cha bà làm việc cho chính quyền chế độ trước và được điều về Sài Gòn công tác vào khoảng năm 1963. Cha bà đã mang theo cái gia đình đông đúc ấy vào theo. Cô con gái xứ Huế lọt thỏm giữa chốn phồn hoa đô hội đã nhanh chóng sa ngã vào những cám dỗ cuộc đời. Giận đứa con gái không vâng lời, cha mẹ đã thẳng tay đuổi bà ra khỏi mái ấm. Thay vì lạy cha mẹ tạ lỗi, cô con gái 25 tuổi cương quyết ra đi để tìm cuộc sống riêng cho mình bằng hai bàn tay trắng, không một đồng lận lưng.
Nghe lời giới thiệu của bạn bè, cô gái xứ Huế vô gia cư xin vào làm bồi phòng ở cư xá Trương Minh Giảng. Đó là một chung cư dành cho quân nhân, nhân viên của phi trường Tân Sơn Nhất. Những ngày làm ở đây, bà quen với một quân nhân Mỹ gốc Phi có cái tên thường gọi là Kha Lưa. Chàng trai Mỹ xa gia đình luôn mang nỗi sợ chiến tranh và cô gái tứ cố vô thân nhanh chóng đồng cảm rồi yêu nhau lúc nào chẳng hay. Khi cô gái có bầu được 3 tháng, chưa kịp báo tin thì anh ta mãn hạn quân dịch trở về nước rồi bặt tin luôn.
Mang nỗi mặc cảm "chửa dại", bà bỏ việc đi giặt đồ thuê kiếm tiền sinh con. Đứa bé trai ra đời với nước da đen nhẻm và mái tóc quăn tít. Dù biết sẽ chịu lời đàm tiếu của xã hội đang lên án cuộc xâm lược của quân đội Mỹ, bà vẫn giữ lấy giọt máu với hy vọng có ngày người cha trở lại tìm con. Sau này bà mới biết đó là điều hoang tưởng.
Không tiền, không nhà cửa và không thân nhân, cuộc đời bà rơi xuống tận đáy xã hội. Bà ôm đứa con không cha đi làm "ôsin" cho các quán bar. Cuối năm 1970, tại một quán bar ở Phú Thọ, bà phát hiện mình lại có thai hơn 3 tháng với một người Mỹ khác. Lần này, bà chưa kịp biết tên tác giả bào thai thì ông ta biệt tích.
Đầu năm 1971, lẩn trốn thị phi, bà ôm con rời Sài Gòn về Đà Nẵng sống nhờ một người chị họ để chuẩn bị cho đứa bé ra đời. Vợ chồng người chị nghèo khổ với 6 đứa con nheo nhóc chấp nhận cưu mang thêm 2 mẹ con bà. Tuy họ không nói ra nhưng bà hiểu mình chỉ được phép tá túc ở đó trong thời gian vượt cạn. Bà có liên lạc với cha mẹ nhưng chỉ nhận được lời tuyên bố: Từ con. Lý do đơn giản vì bà đã làm xấu hổ gia phong lễ giáo của gia đình. Đứa cháu ngoại lai đầu tiên ra đời trong bối cảnh cả miền Nam đang sục sôi phong trào biểu tình lên án Chính phủ Mỹ xâm lược đã khiến cha mẹ bà rời bỏ Sài Gòn, bỏ xứ để tránh tai tiếng do bà tạo ra. Bây giờ có thêm đứa con lai, kể như bà đã tự đẩy mình xa vĩnh viễn cha mẹ.
Chân dung mẹ của Randy vẽ từ nhà ngoại cảm (bìa trái) và chân dung năm 1970 của bà H.
Rứt ruột gửi con
Lần sinh này do thai khó, bà phải chịu mổ. Thời đó chi phí cho một ca sinh mổ rất đắt, số tiền dành dụm của bà cạn sạch. Lượng sức mình không thể nuôi nổi 2 đứa con trong tình cảnh vô gia cư, nghe theo lời khuyên của người chị họ, khi đứa bé thứ hai mới 7 ngày tuổi, bà dứt ruột đem giao cho Viện mồ côi Thánh Tâm ở Đà Nẵng. Khi giao con cho các sơ, bà mong đứa bé sẽ được chăm sóc tốt hơn là sống trong cảnh lang bạt kỳ hồ cùng bà.
Nhớ lại điều này, bà rơi nước mắt: "Không người mẹ nào muốn rứt núm ruột của mình. Không có nỗi đau nào hơn khi rời xa nó. Nhưng cặp nách một đứa bé sơ sinh, trong khi túi đã cạn tiền, không chỗ tá túc thì cả 3 mẹ con cùng chết đói. Tôi phải đi làm việc ngay để có cái ăn".
Dù chưa hồi sức sau ca sinh, bà dắt đứa con lớn trở về Sài Gòn ngay. Lần này, bà thuê một căn phòng trọ ở chợ Sài Gòn sống an phận bằng nghề may thuê quần áo cho các shop ở chợ. Dù thương nhớ đứa con ở Viện mồ côi nhưng bà không đủ tiền để đi thăm. Cuộc sống giữa Sài Gòn khiến bà luôn thiếu hụt. Bà lại cắn răng đem đứa con đầu nhờ một linh mục nuôi ăn học.
Năm 1975, Sài Gòn được giải phóng, chính quyền cách mạng trợ cấp cho bà một năm lương thực, một ngôi nhà và một lô đất tại vùng kinh tế mới ở Bù Đăng, Sông Bé (nay là Bình Phước). Cuộc đời bà rẽ sang trang khác, tươi đẹp hơn. Lần đầu tiên trong đời thoát cảnh vô gia cư, bà xin nhận lại đứa con từ người linh mục. Phận mẹ góa nuôi con côi ở vùng đất mới khổ cực trăm đường, bà vẫn nuôi đứa con trưởng thành. Người con này lấy vợ, sinh cho bà 1 cháu trai và 1 cháu gái.
Năm 2000, vì không có tiền để làm thủ tục xuất cảnh theo diện con lai, bà làm thủ tục giao đứa con trai đầu cho một gia đình khá giả làm con nuôi. Người con này hiện đang sống ở Mỹ, thường xuyên gửi tiền về cho bà chi tiêu. Các cháu của bà cũng thỉnh thoảng về Việt Nam thăm bà. Hiện nay người con này đang làm thủ tục bảo lãnh bà sang Mỹ để chăm sóc. Chính vì vậy mà bà thuê căn phòng trọ này để ở tạm trong thời gian chờ xuất cảnh sang Mỹ.
Khi chúng tôi hỏi nếu bây giờ gặp lại đứa con mà bà gửi vào Viện mồ côi Thánh Tâm, bà sẽ nói điều gì. Bà bật khóc: "Tôi không mong nó tha thứ. Tôi chỉ mong gặp nó một lần để nói cho nó hiểu tôi đã khổ tâm như thế nào khi gửi nó vào viện mồ côi". Những giọt nước mắt ăn năn lăn dài theo những vết nhăn trên gương mặt đau khổ, chúng tôi càng thấy rõ hơn nỗi đau của bà.
Bà run rẩy lục tìm những chiếc đĩa CD, VCD nhạc của ca sĩ Randy, rưng rưng khóc: "Lần đầu tiên nghe Randy hát bài “Nó”, tôi đã bật khóc. Hình ảnh đứa bé mồ côi trong bài hát cứ ám ảnh, cào xé tâm can tôi hoài. Linh cảm đã khiến tôi nghĩ mình có mối liên hệ thiêng liêng nào đó đối với Randy. Tôi đã dò hỏi mọi người về thân phận của Randy. Khi biết Randy là con lai tôi bàng hoàng. Lúc đó, tôi chưa biết Randy xuất thân ở Viện mồ côi Thánh Tâm nhưng tôi cứ mang máng nhận ra nó mang thân phận giống đứa con thất lạc của mình. Tôi nhờ người lùng mua tất cả những đĩa ca nhạc của Randy về nghe và khóc thầm một mình. Mỗi khi Randy ra một album mới, tôi đều tìm mua cho bằng được. Nghe Randy hát bài “Mẹ”, tôi suy sụp tinh thần.
Khi đọc được bài báo “Ca sĩ Randy và cuộc kiếm tìm người mẹ Việt” trên Chuyên đề ANTG tôi bàng hoàng. Có một vài sự trùng hợp với đứa con mà tôi gửi vào Viện mồ côi Thánh Tâm và cũng có những chi tiết không đúng. Nhưng dù không đúng là nó, tôi vẫn hy vọng một ngày rất gần tôi sẽ được gặp mặt Randy".
Ảnh bìa CD nhạc của Randy và đứa con trai của bà
Nỗi ân hận một thời lầm lỡ
Bà đặt những bìa đĩa CD có ảnh của ca sĩ Randy bên cạnh những bức ảnh của đứa con trai đầu trên bàn như để nguôi ngoai nỗi ray rứt. Trong khay nhựa, bà cất giữ rất nhiều đĩa CD của Randy, kể cả những đĩa in sang lậu.
Bồi hồi suy tưởng về quá khứ, bà cho biết, sau khi gửi đứa con mới 7 ngày tuổi vào Viện mồ côi Thánh Tâm khoảng vài năm bà có trở lại thăm nhưng đứa bé không còn ở đó nữa. Các sơ cho biết, một số đứa trẻ ở Viện, trong đó có con của bà được những người hảo tâm nhận làm con nuôi. Bà không đủ tiền để truy tìm tông tích đứa bé đành ngậm ngùi trở về Sài Gòn.
Thất lạc đứa con, lòng đau như cắt nhưng bà được an ủi phần nào khi nghĩ rằng, con bà được sống sung sướng, hạnh phúc trong một gia đình khá giả. Dù vậy, thỉnh thoảng bà vẫn khóc thầm vì xót xa lo ngại con bà sống trong cảnh lang thang cơ nhỡ. Mỗi lần cơn ác mộng đó ập về, bà lại tự dằn vặt mình. Mỗi khi ra đường trông thấy một thanh niên nào đó có màu da sẫm là bà đến nhìn thật kỹ rồi hỏi thăm nhân thân để tìm chút hy vọng mong manh. Nhiều lần đối diện với bóng đêm, bà tự vẽ chân dung đứa con trai thất lạc trong trí tưởng tượng. Mỗi ngày bà đều khẩn cầu ơn trên ban hạnh phúc cho đứa con lạc mẹ, không cha của bà.
Có một chi tiết không trùng khớp với nhân thân của Randy là khi giao con cho Viện Thánh Tâm, bà đã nói cho sơ biết đã đặt tên cho con là Tâm (Trong khi Randy có tên ở Viện Thánh Tâm là Tuấn). Chi tiết khác biệt này khiến chúng tôi e ngại bà thất vọng khi gặp Randy. Bà bấu víu vào một hy vọng mong manh là, Viện mồ côi đã đặt lại tên cho Randy khi làm khai sinh.
Bà rơi nước mắt bày tỏ: "Tôi không có ý thấy sang bắt quàng làm họ. Tôi đã lớn tuổi rồi. Cho dù không phải con tôi, tôi cũng muốn gặp để nói cho Randy biết rằng, nếu nỗi tủi thân của một đứa con lai mồ côi là 1 thì nỗi tủi nhục, đau đớn của bà mẹ có con lai như tôi phải là 10. Tôi sẽ nói rằng, hãy thông cảm và tha thứ cho những bà mẹ giống tôi. Những người phụ nữ có quá khứ tuổi trẻ không đẹp thường che giấu bằng cách không kể với mọi người. Còn những bà mẹ như tôi, đứa con tố cáo tất cả. Nghịch cảnh ở chỗ, tình yêu đứa con - chỗ dựa tinh thần, lại cũng chính là nỗi tủi nhục quá khứ cho dù mọi người xung quanh không lên tiếng".
Hóa ra con người không chỉ học cách tha thứ mà còn phải học cách nhận được sự tha thứ. Khi tha thứ, lòng người sẽ thanh thản vì trút được gánh nặng trong tâm khảm. Khi được tha thứ, người nhận sẽ gánh thêm mặc cảm buồn nặng nề.
Chúng tôi gọi điện thoại cho Randy thì anh đang bận túi bụi để chuẩn bị cho một chương trình ca nhạc ở Hà Nội. Anh hứa khi về Sài Gòn sẽ liên lạc ngay để kiểm tra thông tin.
Chia tay bà, lòng chúng tôi trĩu nặng. Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng gần nửa thế kỷ vẫn còn dư âm nỗi đau số phận của những nạn nhân
Theo Dân trí / An ninh Thế giới