Nhắc tới hệ thống hầm ngầm dưới lòng di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, nhiều người thường nhắc tới căn hầm D67 là phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Còn một hầm bí mật khác, đó là hầm chỉ huy tác chiến của Bộ Tổng tham mưu.
Mặc dù có quy mô khá nhỏ hẹp nhưng căn hầm này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Cũng giống như D67, nhiệm vụ thiết kế, xây dựng nhà, hầm chỉ huy tác chiến của Bộ Tổng tham mưu (T1) được giao cho Bộ Tư lệnh Công binh.
Hầm có kết cấu nửa nổi nửa chìm bằng bê tông nguyên khối, với ba lớp nóc, trong đó có hai lớp bê tông và ở giữa là lớp cát có thể chịu đựng được bom tấn, tên lửa. Nội thất hầm tương đối hiện đại, đồng bộ với hệ thống tiêu đồ, thông tin liên lạc, còi báo động, loa phóng thanh thông báo về máy bay địch. Khoảng 300 cán bộ, chiến sĩ từ nhiều trung đoàn chuyên môn được huy động đào, xây hầm từ cuối năm 1965 đến giữa năm 1966 thì đưa vào hoạt động. Đây là hình ảnh ghi tại phòng họp, cũng là phòng làm việc lớn nhất của hầm T1.
4 phòng nhỏ này là nơi thực hiện liên lạc trực tiếp từ Bộ Tổng tham mưu tới các chiến trường. Hệ thống cách âm, điện đài tại 4 căn phòng này đều được nhập từ Liên Xô.
Thiết bị đảm bảo an toàn của hầm T1 gồm có cửa nặng phòng chống áp lực, cửa nhẹ kín phòng độc.
Hầm cũng có hệ thống thông hơi lọc độc. Lượng hơi vào qua một hệ thống phòng sóng, sau đó đến phòng lọc bụi độc, để nếu không khí có độc sẽ được lọc rồi đưa hơi sạch vào. Trên nóc hầm có điều hòa nước và một hệ thống bể nước để chạy máy điều hòa không khí.
Hệ thống tiêu đồ bên trong hầm T1
Hai lớp cửa bảo vệ, phòng độc trên đường dẫn xuống hầm T1 hiện được bảo quản khá nguyên vẹn...
Theo Dân Trí