Cả 2 bệnh nhân mất hơn 2 năm khám và chẩn đoán ở bệnh viện tuyến dưới nhưng đều không khám ra bệnh, thậm chí còn chẩn đoán nhầm bệnh. Tuy nhiên, bệnh viện Nhi Trung ương đã phát hiện và điều trị thành công bằng kỹ thuật mới.
Ngày 24/7, 2 bệnh nhi là em Ngô Văn Duy, 14 tuổi và Lê Văn Giáp (8 tuổi) cùng ở Hải Phòng đã được Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị thành công căn bệnh rối loạn nhịp tim nhanh bằng kỹ thuật đốt triệt với sóng radio cao tần. Đây là phương pháp can thiệp nhịp tim bằng cách đưa điện cực vào trong vùng tim, tìm chỗ có bệnh để đốt triệt.
Bệnh nhi Lê Văn Giáp (8 tuổi) và Ngô Văn Duy (14 tuổi) bị rối loạn nhịp tim nhanh được Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị thành công bằng kỹ thuật đốt triệt với sóng radio cao tần
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, kỹ thuật đốt triệt với sóng radio cao tần để triều trị bệnh rối loạn nhịp tim nhanh đã được một số bệnh viện ở Việt Nam áp dụng nhưng chỉ dành cho các bệnh nhân người lớn. Còn áp dụng cho bệnh nhi từ sơ sinh đến dưới 18 tuổi thì Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam áp dụng. 2 ca bệnh nhi ở Hải Phòng cũng chính là 2 ca đầu tiên ở Việt Nam được điều trị thành công.
Trao đổi với PV Dân trí, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi khám tại bệnh viện nhi ở Hải Phòng thì bác sĩ chẩn đoán nhầm là Duy bị bệnh động kinh, do đó việc điều trị không có kết quả. Còn bệnh nhi Giáp bị ngất đến 6 lần trong 2 năm qua mặc dù bệnh viện tuyến dưới dù chẩn đoán đúng và cho uống thuốc chống loạn nhịp.
Sau khi 2 bệnh nhi nói trên được áp dụng kỹ thuật điều trị mới, sức khỏe của các em đã hoàn toàn bình thường và chính thức được xuất viện vào ngày hôm nay (26/7).
Một bệnh nhi bị rối loạn nhịp tim đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm, kỹ thuật đốt triệt với sóng radio cao tần điều trị bệnh rối loạn nhịp tim nhanh là một kỹ thuật khó trên nhiều phương diện như khó chẩn đoán ra bệnh, khó can thiệp và xác định được chỗ có bệnh để đốt. Bởi nếu như đốt nhầm sẽ gây hậu quả phức tạp (gây các biến chứng như chảy máu, tắc mạch, tràn khí màn phổi, tràn máu màng tim, ngoài ra 1 số trường hợp còn gây thủng cơ tim, hỏng van tim). Tuy nhiên, Bệnh viện Nhi Trung ương hiện tại đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật này nhờ vào việc đào tạo cán bộ cũng như trang bị các máy móc hiện đại.
“Hệ thống chụp máy và hệ thống điện sinh lý của bệnh viện có trị giá gần 2 triệu USD. Bệnh viện cũng đã thành lập được Trung tâm Tim mạch can thiệp và Điện sinh lý với đội ngũ y bác sĩ có tay nghề cao. Thành công trong áp dụng kỹ thuật mới này sẽ giúp cứu sống được nhiều bệnh nhân hơn, do các bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim nhanh ngày càng có xu hướng tăng lên, nhất là đối với những bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật tim. Hiện tại, còn 80 bệnh nhân của Bệnh viện Nhi Trung ương đang chờ đợi được điều trị bằng kỹ thuật mới này”, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm khẳng định.
Một điểm đáng chú ý nữa là, đối với kỹ thuật điều trị bằng cách đốt triệt với sóng radio cao tần, chi phí ở nước ngoài cho mỗi ca có giá từ 10.000 đến 30.000 USD, thì bệnh viện Nhi Trung ương chỉ có từ 2.500 - 3.500 USD (tương đương từ 50 - 70 triệu đồng), nhưng tỷ lệ thành công lên đến 95-98%. Đây thực sự là phương pháp điều trị “vừa rẻ vừa hiệu quả” dành cho những bệnh nhân ở Việt Nam mắc phải căn bệnh vốn được xem khó chữa từ trước đến nay.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, kỹ thuật đốt triệt với sóng radio cao tần cũng là tín hiệu mừng cho việc cứu sống những trẻ em trong thời kỳ còn trong bụng mẹ mắc phải bệnh rối loạn nhịp tim nhanh trong thời gian tới. Bởi thời kỳ bào thai nếu không được chẩn đoán ra bệnh rối loạn nhịp tim nhanh này sẽ khiến thai bị chết lưu, phù thai…
Bằng cách theo dõi tim thai, những trẻ được phát hiện bị rối loạn nhịp tim thì cần được mổ đẻ sớm, hoặc cho bà mẹ uống thuốc để sau đó áp dụng kỹ thuật điều trị mới này sẽ tránh nguy cơ tử vong của trẻ khi còn trong bụng mẹ.
Tính đến nay, Việt Nam chưa có 1 ca nào được phát hiện bị rối loạn nhịp tim nhanh khi còn trong bụng mẹ qua báo cáo, do ít có bệnh viện phụ sản cũng như các bác sĩ khoa sản được trang bị kiến thức về kỹ thuật mới này.
|
Dân trí