Tin tức khác

Đề Văn đại học luận bàn về 'kẻ cơ hội'

12 năm trước | 2608

"Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn nên lập nên thành tựu" - câu hỏi 3 điểm trong đề thi đại học khối C đã khiến nhiều thí sinh hào hứng nhưng cũng không ít em cho rằng trừu tượng. 
Đề Văn đại học luận bàn về 'kẻ cơ hội'
Kết thúc môn thi Văn, hầu hết các thí sinh đều phấn khởi cho biết đề thi dễ. Hoàng Minh Trọng (quê Hà Nam) vui vẻ khoe "trúng tủ" và làm một mạch ba câu hỏi khi vừa hết 2/3 giờ thi. "Em thấy tự tin với phần bài làm và dự tính có thể được 7 điểm", nam sinh thi khoa Báo in của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết.
 
Trọng chia sẻ, ôn rất kỹ các nội dung trong câu hỏi, đặc biệt là câu về tác phẩm Rừng xà nu. Trong phòng thi, theo Trọng, hầu hết thí sinh đều thoải mái với đề thi nhưng cũng có một vài bạn không làm được và gục đầu xuống bàn ngủ.
 
Thí sinh thi môn Văn vào ĐH Hà Nội. 

Còn thí sinh tên Sơn rất thích câu 2 nghị luận xã hội với đề bài viết về "Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn nên lập nên thành tựu". Theo Sơn, câu hỏi giúp thí sinh thể hiện ý kiến cũng như sự hiểu biết của mình. Nếu như câu 1 và câu 3 có trong chương trình học thì câu 2 buộc thí sinh phải vận dụng sự hiểu biết để trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Cùng chung tâm trạng với Trọng, nữ sinh đến từ Lào Cai Vũ Phương Thủy tâm sự, cô ưng ý nhất phần bài làm câu 1 và câu 3. Thí sinh này đánh giá, câu hỏi về tác phẩm Rừng xà nu hay và dễ làm. Hoàn thành ba câu hỏi trong ba tờ giấy thi, Thủy tự tin chuẩn bị tinh thần cho môn thi Lịch sử chiều nay.
 
Không hoàn thành hết câu hỏi thi nhưng Võ Văn Tân (quê Bắc Ninh) vẫn vui vẻ vì "đề tương đối dễ làm". Bỏ một câu vì ôn không trúng tủ, Tân tâm sự, thi đại học năm nay để "mở rộng tầm mắt".
 
Trong khi đó, tại ĐH Hà Nội, 9h30 phút đã có vài thí sinh rời khỏi phòng thi và còn 10 phút trước khi hết giờ, rất đông thi sinh đã ra về. Vương Quốc Khánh (THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) ra khỏi phòng thi khi mới hết 2/3 thời gian cho biết, đề thi dễ, đặc biệt là chương trình chuẩn. "Em làm khá tốt và khi xong là rời khỏi phòng thi ngay. Đề thi dễ hơn năm ngoái và câu 2 rất hay", Khánh nói.
 
Nguyễn Thị Hồng Trang (THPT Hưng Yên, Hưng Yên) thì thích thú với câu nghị luận xã hội về việc ngưỡng mộ thần tượng. Theo Trang, câu hỏi đã đưa được vấn đề nóng của giới trẻ hiện nay và cô khá "phiêu" khi viết câu này.
 
Thí sinh sau giờ thi.

Khi chỉ còn 15 phút làm bài, điểm thi trường Herman Gmeiner Vinh (Nghệ An) đã có rất nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi. Một số em hào hứng với câu 2: "Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng lại là một thảm họa". Các em cho biết, lâu nay trên báo, đài và Internet nói nhiều đến hiện tượng nhiều bạn trẻ thần tượng các ca sĩ, người mẫu, diễn viên đến mức mê muội, quên ăn quên học.
 
"Ở trường em, nhiều bạn mê diễn viên Hàn Quốc đến mê mệt, ăn mặc, sống, suy nghĩ như trong phim, xa rời thực tế và suốt ngày lo phim ảnh, không chịu học hành. Đề văn khối D năm nay đã tạo cơ hội cho giới trẻ nói lên suy nghĩ của mình về các thần tượng cũng như cảnh báo về hiện tượng mê muội thần tượng đang lan truyền trong tuổi teen hiện nay", một thí sinh thi vào ĐH Ngoại thương nhận định.
 
Trong khi đó, một số thí sinh miền núi, nông thôn lại tỏ ra lúng túng khi nêu ý kiến về "văn hóa thần tượng". "Quê em không có điều kiện tiếp xúc nhiều với Internet, hiện tượng mê muội các thần tượng cũng rất ít nên em khó lấy được các ví dụ sinh động cũng như khó nêu được từ thực tiễn bản thân", thí sinh tên Lan ở huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) tâm sự.
Ở môn Văn khối C, nhiều thí sinh cũng lắc đầu kêu khó ở câu hỏi mở "Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu". Một số thí sinh dự thi tại TPHT Lê Viết Thuật cho rằng, vấn đề đưa ra hơi trừu tượng, các em khó xác định được hướng trọng tâm để trình bày suy nghĩ của mình.
 
"Đề có hai vế là kẻ cơ hội - người chân chính; nôn nóng - kiên nhẫn; thành tích - thành tựu nhưng để hiểu được chủ ý của đề thi không hề đơn giản. Em rất khó lấy được các ví dụ minh họa từ thực tiễn", một thí sinh thi vào ĐH Vinh cho biết.
 
Theo PGS Đinh Xuân Khoa, Trưởng cụm thi Vinh, sáng nay tỷ lệ thí sinh đi thi đạt 78% so với đăng ký. Một thí sinh bị đình chỉ vì mang điện thoại vào phòng thi, một em bị khiển trách vì nhìn bài của bạn và em thí sinh bị suy tim, phải bỏ thi và được đưa đi cấp cứu.
 
Tại TP HCM, thí sinh cũng thích thú với đề thi Văn khối D. Theo Kim Ngân (Bình Thạnh) thi vào ĐH Sư phạm TP HCM, đề Văn vừa sức, kiến thức tập trung ở lớp 12, 11. Câu hỏi về Vợ chồng A Phủ chỉ cần nắm kỹ nội dung tác phẩm là làm được. Còn câu nghị luận xã hội "ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng lại là thảm kịch" Ngân làm khá tốt vì cô có người bạn rất thân rơi vào tình trạng này.
"Bạn em đeo vòng, đi giày giống thần tượng, mặc áo có hình thần tượng và bỏ nhiều tiền để mua những đồ mà thần tượng có. Đây là ví dụ điển hình để em đưa vào bài làm. Hơn nữa, báo chí cũng viết nhiều về vấn đề này nên em chỉ cần liên hệ thực tế là có thể làm được", Ngân nói.
Sáng nay, cả nước có 65 thí sinh bị kỷ luật, trong đó 59 em bị đình chỉ, 3 em không được dự thi do đến muộn... Một cán bộ bị đình chỉ công tác coi thi.
 
Số thí sinh đến thi vào 121 trường tổ chức thi là hơn 600.000 em, đạt 80%.
Phần lựa chọn, theo Ngân, câu hỏi nâng cao dễ hơn câu hỏi cơ bản. Phần cơ bản yêu cầu viết lên suy nghĩ về hai hình ảnh trong tác phẩm Chí Phèo và Vợ nhặt, còn ở chương trình nâng cao yêu cầu phân tích tác phẩm Tràng giang.
 
Trong khi đó, nhiều thí sinh đánh giá, đề Văn khối C tương đối khó. Nếu như ở đề khối D thí sinh rất hào hứng với câu hỏi số 2 về nghị luận xã hội, thì ở khối C các em đều lắc đầu khi đề yêu cầu viết đoạn văn nói lên suy nghĩ về câu: "Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu".
 
Mặc dù là câu hỏi mở, nhưng các thí sinh đều đánh giá câu nói này mang tính trừu tượng, khó lấy ví dụ cụ thể trong thực tế. "Bọn em cũng từng làm nhiều bài về nghị luận xã hội nhưng thường là vấn đề cụ thể, thiết thực với đời sống chứ không nghĩ tới những câu hỏi nghiêng về triết lý như thế này", thí sinh Đào Thị Hồng chia sẻ.
 
Thầy Định Văn Thiện, nguyên Phó chủ nhiệm khoa Văn (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, đề ra sát với chương trình phổ thông, không rơi vào tình trạng chung chung. Khuynh hướng ra đề như vậy giúp cho học sinh phải học kỹ lưỡng, không thể có cảm nhận chung chung.
Đề khối C có câu 3b yêu cầu "Cảm nhận về hai đoạn thơ" là yêu cầu rất chung chung, học sinh sẽ khó làm, không biết là so sánh hay cảm nhận từng đoạn. Hai đoạn thơ thuộc 2 bài thơ mà cảm hứng cụ thể ở từng bài không giống nhau.Tương tư cảm hứng chủ đạo là tình yêu đôi lứa, trong khi đó Đây thôn Vĩ Dạcảm hứng chủ đạo là nỗi nhớ của thi sĩ đối với thôn Vĩ.
 
Bức bưu ảnh của Hoàng Cúc gửi cho Hàn Mặc Tử chỉ là sự gợi tứ trực tiếp trong nguồn cảm hứng đầy nhớ thương về thôn Vĩ và cuộc đời “ngoài kia” của thi sĩ. Còn nếu viết riêng từng đoạn thì không nhất thiết phải gộp thành 1 câu 3b với yêu cầu chung như vậy.
"Câu nghị luận chính trị xã hội của đề khối C rất hay, phù hợp với thực tế không chỉ của ngành giáo dục mà của toàn xã hội hôm nay", thầy Thiện nói.
 
Riêng đề khối D, câu 3a, nội dung yêu cầu rất "vụn". Là câu 5 điểm nhưng học sinh khó phát triển để được thành bài có điểm cao nhất vì để đạt đến một lượng “chữ nghĩa” đủ 5 điểm thì học sinh dễ rơi vào tình trạng lan man ra ngoài vấn đề. "Đề ra kiểu này ở một câu cao điểm nhất là không phù hợp, tôi có cảm giác giống yêu cầu viết đoạn văn trong đề thi vào lớp 10", thầy Thiện nhận xét.
 
Theo thầy giáo dạy Văn, câu nghị luận chính trị xã hội của đề khối D cũng rất hay, cảnh tỉnh những biểu hiện bồng bột, quá trớn đến mức thiếu văn hóa của nhiều bạn trẻ đối với các thần tượng của họ mà chủ yếu lại là các thần tượng vui chơi giải trí, trong khi đó các thần tượng trong học tập, tu dưỡng... đáng được tôn vinh thì họ lại thờ ơ.
 


Theo Vnexpress.

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Danh sách thực phẩm tồi tệ làm phí công tập Gym của bạn (12/5)

Hà Nội: Chiếc điện thoại "tố" nơi ẩn nấp của kẻ sát nhân (12/5)

Cách phát hiện sớm ung thư dạ dày (11/5)

Tại sao khi uống rượu không nên ăn thịt (10/5)

2 người tâm thần đâm nhau chết ở bệnh viện (10/5)

Nam thanh niên giết bạn, giấu xác trong rừng cao su (10/5)

Xác định nguyên nhân ban đầu trẻ 2 tháng tử vong sau khi tiêm vaccine (10/5)

Trẻ 11 tuổi tử vong vì bị bệnh dại do mèo cào (10/5)

Uống gì vào buổi sáng để tốt cho sức khỏe? (6/5)