Chính phủ cho biết, trong 5 tháng đầu năm đã có khoảng 21.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2011.
Theo báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội sáng nay (15/6), trong những tháng đây, nền kinh tế đã tiếp tục có chuyển biến tích cực so với những tháng trước.
Theo đó, tăng trưởng GDP quý II ước đạt 4,5% cao hơn so với mức 4% đã đạt được ở quý I, tính chung tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt 4,31%.
Cụ thể, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 36%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,4%, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 20,3%. Lạm phát đã được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm ước khoảng 3% - đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 3 năm vừa qua.
Ước 6 tháng, xuất khẩu tăng 20,8% so cùng kỳ, nhập siêu chỉ bằng 2,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so cùng kỳ. Cán cân thanh toán các bước được cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng.
Phó Thủ tướng: Việc bơm một lượng tiền lớn ra nền kinh tế, phối hợp với các giải pháp khác đã có đề phòng sự trở lại của lạm phát.
Ở lĩnh vực tài chính – ngân hàng, vừa rồi theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, trần lãi suất huy động đã giảm xuống còn 9%, lãi suất cho vay tối đa là 13%. Phó Thủ tướng cho biết, nếu như tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức âm trong những tháng đầu năm thì đến tháng 5 đã bắt đầu tăng trưởng dương, hướng vào những lĩnh vực ưu tiên theo Nghị quyết 13.
Tại Hội trường sáng nay, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm sẽ vào khoảng 12-13% - như vậy đã có điều chỉnh giảm so với mục tiêu đầu năm đặt ra là 17%. Kể cả đặt ra mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn, thì trong 6 tháng cuối năm, tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân mỗi tháng cũng phải phấn đấu khoảng 2% /tháng.
Như vậy, theo kế hoạch vốn mà nhà nước đưa vào nền kinh tế từ nay đến cuối năm bình quân mỗi tháng khoảng 21.000 tỷ đồng – Phó Thủ tướng cho hay. Tuy nhiên, theo ông, động thái này phối hợp chặt chẽ cùng với các giải pháp khác sẽ đề phòng, không để lạm phát quay trở lại.
Đại diện cho Chính phủ, ông cho rằng, điều này sẽ góp phần hỗ trợ tăng dư nợ tín dụng của ngân hàng thương mại, góp phần tăng sức mua của nền kinh tế, giải quyết hàng tồn kho của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, kích thích phát triển kinh tế.
Trước Quốc hội, Chính phủ cho biết quyết tâm thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã đề ra, đồng thời củng cố phát triển sản xuất kinh doanh, mục tiêu đạt tăng trưởng GDP cả năm 6%, lạm phát 7-8% và đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Quốc hội ban hành đầu năm.
Đến nay, với những khó khăn chung, trong 5 tháng đầu năm đã có khoảng 21.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, xu hướng này đã giảm và có cải thiện. Riêng trong tháng 5, số ngừng hoạt động và giải thể giảm khoảng 10% so bình quân 4 tháng, trong khi đó số đăng ký hoạt động mới tăng cao hơn so số xin ngừng hoạt động và giải thể. Hàng tồn kho cũng đã có xu hướng giảm dần, từ 34,9% của tháng 3 xuống còn 32,1% trong tháng 4 và 29,4% trong tháng 5.
Bộ giải pháp phối hợp mà Chính phủ ban hành, ngoài thuế, hạ lãi suất, xử lý nợ xấu còn có giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường và giải quyết hàng tồn kho, kích thích tổng cầu của nền kinh tế.
Cùng với đó, theo Phó Thủ tướng, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động đổi mới lại cơ cấu đầu tư, tổ chức lại sản xuất, đổi mới quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới năng lực cạnh tranh.
Thời gian tới, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng cho hay, giải pháp điều hành vẫn tăng cường kiểm soát tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng và thực hiện các biện pháp đồng bộ để hạ mặt bằng lãi suất phù hợp với nhịp giảm của lạm phát và diễn biến thị trường.
Đồng thời, sẽ đẩy nhanh hơn tiến độ cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu trong các ngân hàng và nợ xấu của các doanh nghiệp, ngăn chặn tiêu cực trong hoạt động tín dụng, giải quyết nhanh thủ tục cho doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn.
Theo Dân trí .