Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên chiến trường quân khu V có một tiều đoàn với hơn 400 cô gái làm nhiệm vụ gùi gạo, tải đạn, tiếp lửa cho chiến trường. Đó là Tiểu đoàn vận tải nữ 232 (Cục hậu cần Quân khu 5), được người dân gọi với cái tên bình dị và đầy tự hào “Tiểu đoàn bà Thao”.
Tiểu đoàn trưởng của tiểu đoàn đó là bà Phạm Thị Thao (sinh năm 1946, tổ 10, phường Hòa Cường Nam, quân Hải Châu, TP Đà Nẵng), thương binh 3/4, anh hùng lực lượng vũ trang, hiện là chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong TP Đà Nẵng.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, năm lên 14 tuổi, bà Phạm Thị Thao đã tham gia du kích, bí thư đoàn thanh niên tại xã nhà. Năm 1965, bà thoát ly đi thanh niên xung phong vào Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Đà.
Bà Thao nhớ lại những tháng ngày tham gia Tiểu đoàn vận tải nữ 232
Năm 1967, bà được chuyển sang quân đội vào Đội 4, Đoàn Bắc Hải rồi đảm nhận trách chức vụ Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn vận tải nữ 232, Cục hậu cần Quân khu 5.
Tiểu đoàn vận tải nữ 232 là những cô gái tuổi mới mười tám, đôi mươi, không ngại hy sinh, gian khổ, lăn lội giữa bom đạn "vai trăm cân, chân vạn dặm" gùi gạo, cõng đạn, khiêng thương binh về tuyến sau điều trị.
Những năm 1967 đến 1972, nghe đến “Tiểu đoàn bà Thao” là lính Mỹ khiếp vía. Với những phương châm hành động như "đạp 50 cân xuống đất, hất 70 cân sang bên, vì chiến trường mang lên 1 tạ” hay “không tính khối lượng, không tính chỉ tiêu, có sức bao nhiêu cống hiến tất cả”, “không để bộ đội ở chiến trường đói rét, thiếu lương thực, vũ khí súng đạn; không chuyển được hàng ra mặt trận là có lỗi với chiến sỹ”…các nữ thanh niên xung phong của Tiểu đoàn đã có mặt khắp các vùng núi rừng Quảng Đà, Quảng Ngãi, Gia Lai, KonTum, đường 9 Nam Lào…để tiếp lửa cho chiến trường.
Nói về những tháng ngày anh hùng ấy, bà Thao cho biết “đó là những ngày tháng gian khổ, đói cơm lạt muối”.
Bà Thao tại hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012 vừa tổ chức tại Đà Nẵng
Còn nhớ trong một lần bà và đồng chí Lựu gùi gạo qua sông. Khi vừa lội xuống không để qua bên kia bờ thì đồng chí Lựu bị địch bắn vào chân. Đêm hôm đó, bà Thao phải cõng đồng chí Lựu qua sông rồi quay trở lại hai lần để cõng hai bao gạo nữa qua.
Sau ngày giải phóng, bà được phân công đảm nhận chức trách vụ Trưởng ban Nữ công Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, phó giám đốc Nhà nghỉ công đoàn tỉnh Khánh Hòa, rồi làm chủ tịch, bí thư chi bộ, đảng ủy viên Liên đoàn lao động và nghỉ hưu năm 2002.
Những năm về hưu bà luôn ấp ủ việc đi tìm lại hài cốt của các đồng đội đã hy sinh và giúp đỡ những đồng đội còn sống đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng chưa có điều kiện. Đến khi bà giữ chức chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong TP Đà Nẵng thì công việc đó mới thực hiện được. Tuy tuổi cao sức yếu, phương tiện đi lại có nhiều khó khăn, sơ đồ mộ địa chí bị thất lạc, cây rừng đã che phủ dấu vết nhưng bà vẫn quyết tâm đi tìm hài cốt các đồng đội. Tính đến nay, bà cùng Hội cựu Thanh niên xung phong đã tìm được 18 hài cốt của đồng đội.
Nói về việc làm của mình, bà Thao cho biết: “Để thực hiện được công việc này phải có cái tâm và lòng nhiệt tình. Mỗi lần chúng tôi tìm được một hài cốt đồng đội là tôi vui lắm, đêm đó y rằng tui không ngủ được”.
Bà Thao đã tổ chức các đoàn về thăm lại khu căn cứ, chiến trường xưa, nơi các cựu Thanh niên xung phong tham gia chiến đấu, hy sinh và đến các nghĩa trang dâng hương cho các đồng đội đã ngã xuống.
Ngoài ra, bà Thao còn vận đồng các tổ chức giúp đỡ các hội viên trong Hội cựu Thanh niên xung phong như sửa chữa, xây dựng nhà cửa, trợ cấp khó khăn cho các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Nghĩa tình cao đẹp của anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Thị Thao với đồng đội thật đáng trân trọng và sẽ sống mãi cùng năm tháng.
Theo Dân trí .