Sự việc chị Trần Thị Đến (SN 1979, ngụ thôn Trà Lang, xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) bị chính cháu ruột của mình (Trần Văn Trí, SN 1999, gọi chị Đến là thím dâu) giết chết khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Chị Loan (chị gái của chị Đến) không cầm được nước mắt trước cái chết của em gái. Ảnh TG
Khi nghe tin con trai mình (Trần Văn Trường, SN 2005) bị anh họ đánh đập, Chị Đến lên tiếng trách mắng và dùng roi đánh vào chân đứa cháu. Thấy vậy, Trí đem lòng oán giận. Để rồi trong lúc chị Đến không để ý, hắn đã dùng cây kéo đâm vào người khiến chị tử vong.
Điều đáng nói hơn, Trí không chỉ lấy đi mạng sống của chị Đến mà còn cướp luôn tính mạng của sinh linh chưa đầy 6 tháng tuổi trong bụng người thím dâu. Giờ đây, hai đứa con thơ dại của chị đã vĩnh viễn mất đi sự yêu thương của người mẹ hiền…
Đau lòng cái chết tức tưởi
Theo lời kể của chị Hoàng Thị Thu (nhân chứng vụ việc) thì khoảng 17h ngày 17/4, Trí cùng một thanh niên khác chặn đánh cháu Trường trên đường đi học về. Mặc dù là anh em nội tộc nhưng Trí không mảy may xúc động trước sự khóc lóc van xin của em. Hắn ra tay đánh mạnh khiến mặt mũi Trường sưng vù. Về đến nhà thấy con mình mặt mày thâm tím, máu mũi chảy ướt áo, chị Đến sốt ruột tìm hiểu nguyên nhân. Khi “nghe thủng” câu chuyện giữa hai anh em, chị Đến liền tìm tới nhà Trí hỏi chuyện. Lúc này, trong nhà có Trí và anh trai. Gặp mặt thím dâu, Trí không hề biết tôn trọng hay hối lỗi mà còn tỏ thái độ ngang ngạnh, thách thức. Khi chị Đến lên tiếng trách mắng, hắn cãi lại rất hỗn láo. Quá bực tức, chị Đến ra vườn lấy một cây sắn đánh vào người Trí. “Khi chị ấy mới quật được một cái thì nó chạy vào nhà, còn thằng anh của nó lao vào ôm lấy chị Đến giữ lại. Một lát sau, Trí từ trong nhà cầm cây kéo xộc ra. Trong khi tôi chưa kịp tri hô gì, hắn đã đâm thẳng vào người chị Đến khiến chị ấy gục xuống. Ngay sau đó, chúng tôi liền gọi xe cấp cứu nhưng vì vết thương trúng vào phổi, lại quá sâu nên chị Đến đã mất sau 30 phút”, chị Thu bàng hoàng kể lại.
Được biết, trước thời điểm xảy ra vụ việc thì chị Đến vừa mới đi làm về và chuẩn bị nấu cơm chiều cho cả gia đình. Chị đã có hai người con, một trai đang học lớp 3 và một bé gái mới học mẫu giáo. Chị đang mang thai đứa con thứ 3 được hơn 5 tháng thì xảy ra sự việc đau lòng. Anh Trần Văn Tâm, anh trai chồng chị Đến, cho hay: “Thời điểm đó, tôi đi làm vẫn chưa về. Nghe người thân gọi điện báo là con trai tôi đã giết chết thím dâu của nó, tôi thực sự choáng váng, vội chạy ngay về nhà xem tình hình thế nào. Không ngờ lúc về đến nơi, thím ấy đã chết, còn thằng Trí thì vẫn ngồi trong nhà, mặc kệ mọi người đang hoảng hốt. Khi tôi hỏi, nó thản nhiên trả lời như không có chuyện gì xảy ra. Tôi cũng không ngờ, thằng con này của tôi lại mất hết tính người như vậy”.
Khi tìm đến căn nhà nhỏ của nạn nhân, điều khiến chúng tôi cảm thấy đau lòng nhất, chính là sự ngây thơ của hai đứa con chị Đến. Các cháu dường như chưa thể cảm nhận được nỗi quá lớn này. Ngồi nhìn đứa cháu mới 4 tuổi hồn nhiên nô đùa, chị Trần Thị Loan (chị ruột của chị Đến) không cầm được nước mắt. “Tại sao em lại ra đi nhanh như vậy. Số em đã khổ rồi nay lại chết oan uổng quá. Chúng tôi biết nói sao khi các cháu hỏi về mẹ của mình”, chị Loan nức nở.
Gia cảnh của chị Đến không mấy khá giả. Hai vợ chồng không có công ăn việc làm ổn định nên gửi con ở nhà nội rồi nay đây mai đó làm thuê làm mướn. Thời gian gần đây, do cái thai trong bụng chị Đến đã lớn nên chồng chị khuyên ở nhà đừng đi làm xa, tránh ảnh hưởng sức khỏe. Thế nhưng vì vốn tính siêng năng, không chịu ở yên một chỗ, kinh tế lại khó khăn nên chị đến xin đi làm phụ hồ ở gần nhà để phụ giúp thêm cho chồng. Ngày hai buổi đi đi về về, công việc vất vả nhưng việc cơm nước trong gia đình, chị đều chu toàn. Thấy chị hiền hậu lại chăm làm nên mọi người đều quý mến. “Chị ấy ra đi ai nấy trong vùng đều thương tiếc. Một người hiền lành, nết na như chị ấy mà sao số phận lại nghiệt ngã đến vậy”, chị Thu tâm sự.
Cháu Trần Văn Trường còn quá nhỏ để cảm nhận được nỗi đau khi người mẹ ra đi. Ảnh TG
Gia đình tổ chức tang lễ cho chị Đến. Ảnh TG
Chân dung đứa cháu vô nhân tính
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì Trí là con thứ 3 trong một gia đình có 4 anh, chị em. Trong vùng hắn nổi tiếng là một đứa trẻ ngỗ ngược, không hề sợ hãi hay kiêng dè một ai. Hễ có người khác nhắc nhở, hắn không ngần ngại cãi lại xấc láo hoặc nuôi ý định trả thù. Bố mẹ Trí thường xuyên xảy ra xích mích lại hay vắng nhà, nên chỉ có mấy anh em Trí sống chung với nhau. Không được sự chăm sóc, dạy bảo của cha mẹ, hắn càng ngày càng tỏ ra lỳ lợm. Cách đây một năm, Trí bỏ học và thường xuyên đi theo những đứa trẻ hư hỏng trong vùng tổ chức gây gổ, đánh đập nhau. Kể cả những đứa em họ còn nhỏ tuổi, hắn cũng không buông tha. Mặc dù bị người lớn nhắc nhở, thậm chí bị anh Tâm đánh cho nhiều lần “thừa sống thiếu chết” nhưng Trí vẫn chứng nào tật ấy, không hề thay đổi hoặc tỏ ra sợ hãi. Theo một người dân ở gần nhà Trí cho biết, Trí còn nhiều lần ăn cắp vặt của hàng xóm láng giềng. Hễ ai trong thôn nhìn thấy hắn cũng đều có ý đề phòng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Ngọc Tửu (Trưởng thôn Trà Lang) cho biết: “Ở tại địa phương, Trí là một trong những thành phần bất hảo. Tôi là một người bà con xa của gia đình Trí nhưng cũng không thể chấp nhận được những hành động mà nó gây ra. Mỗi khi nhìn thấy nó, tôi đều phải chú ý bởi nếu không trộm cắp thì nó lại đánh người. Chính quyền địa phương cũng nhiều lần lên tiếng cảnh báo với gia đình anh Tâm phải biết quan tâm giáo dục con, kẻo sẽ có chuyện không hay xảy ra. Vậy nhưng, vợ chồng anh ấy tối ngày đi làm vắng nhà nên con cái được tự do, thích làm gì thì làm, thế nên mới dẫn đến hậu quả như hôm nay. Điều này, những người trong thôn đã dự liệu từ trước nhưng không ngờ kết cục lại nghiêm trọng đến vậy”.
Trách nhiệm người làm cha, làm mẹ
Hành vi thiếu nhân tính của đứa cháu đối với thím dâu là không thể chấp nhận được. Nhưng đằng sau đó là sự thiếu trách nhiệm của các bậc làm cha làm mẹ, không nghiêm khắc theo dõi và định hướng cho con cái của mình, khiến cho con họ ngày càng lún sâu vào tội lỗi, hình thành tính nết hung bạo, ngang ngạnh, lầm lỳ. Và cuối cùng, hậu quả của chúng gây ra không thể cứu vãn được. Đau lòng hơn, khi những người thân máu mủ lại phải hứng chịu cảnh gia quyến tương tàn. Sự việc đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về sự suy đồi đạo đức của một bộ phận giới trẻ hiện nay, cũng như nhắc nhở các bậc làm cha, làm mẹ phải có trách nhiệm hơn nữa đối với con cái của mình.
|
Theo Gia đình và Xã hội