Tin tức khác

Gia tăng bệnh lý mạch vành: Thực trạng đáng báo động

8 năm trước | 952

 Số bệnh nhân mắc bệnh mạch vành khoảng 2 triệu người tại Việt Nam và ước tính có khoảng 100.000 bệnh nhân chết mỗi năm vì bệnh lý này. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ còn gia tăng trong thập niên tới, buộc giới y khoa phải tìm cách đối phó.
Gia tăng bệnh lý mạch vành: Thực trạng đáng báo động
 Bệnh lý động mạch vành ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Nếu như trước đây hơn 20 năm, khi tôi còn là một bác sĩ trẻ mới bước đi vào con đường tìm hiểu bệnh lý tim mạch, bệnh mạch vành là bệnh lý hiếm gặp với chỉ một vài trường hợp trong cả tháng trời tại Viện Tim mạch Quốc gia thì nay, bệnh lý mạch vành đã trở thành phổ biến trong tất cả các bệnh viện, các phòng khám chuyên khoa Tim mạch.

Có 5 nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh lý động mạch vành là: Hút thuốc lá; Đái tháo đường; Tăng huyết áp; Rối loạn mỡ máu; Bệnh sử gia đình có người bị bệnh mạch vành. Một số yếu tố khác góp phần tăng tiến triển bệnh lý động mạch vành là béo phì, ít vận động và căng thẳng. Dựa trên những yếu tố này khi nhìn vào thực trạng xã hội Việt Nam ta thấy thực sự trong tình trạng báo động.

Những hoạt chất trong thuốc lá làm phá hủy mạch máu.

Hút thuốc lá

Dù đã nhiều năm tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, nhưng số lượng người hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn không có xu hướng giảm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là một nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới. Một báo cáo cho thấy có 47,4% nam giới và 1,4% nữ giới có hút thuốc lá. Khi tiếp xúc với nhiều bệnh nhân trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới có giảm nhưng đáng buồn thay, tỷ lệ này ở nữ giới lại tăng lên. Hơn nữa, hiện nay, ý thức của người hút thuốc lá ở Việt Nam cũng như các chế tài xử phạt không cao, có rất nhiều người hút thuốc ở nơi công cộng tạo ra một số lượng lớn người dân bị hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá đặc biệt nguy hại cho sức khoẻ. Những hoạt chất trong thuốc lá làm phá hủy mạch máu. Bệnh nhân bệnh mạch vành tiếp tục hút thuốc lá sẽ có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim lại và hay bị nhồi máu cơ tim nguy hiểm tính mạng. Hút thuốc lá làm tăng các bệnh lý như tai biến mạch não, bệnh lý mạch ngoại vi. Hơn nữa, hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ các bệnh lý phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư.

Đái tháo đường

Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, số bệnh nhân mắc đái tháo đường đã tăng 211% với gần 5 triệu người mắc. Theo Tổ chức Y tế Thế giới và Liên đoàn Đái tháo đường, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ gia tăng đái tháo đường nhanh nhất. Chúng ta sẽ phải chịu nhiều tác động lớn của căn bệnh này. Chế độ ăn, ít hoạt động, tình trạng béo phì dẫn tới hội chứng chuyển hóa tăng kháng insulin. Đái tháo đường làm gia tăng quá trình xơ vữa động mạch. Bệnh nhân bệnh mạch vành trên đái tháo đường cũng nặng nề hơn so với người không có bệnh mạch vành. Kể cả khi chúng ta khống chế rất tốt mức độ đường máu, diễn biến tự nhiên của đái tháo đường là tổn thương bệnh lý mạch máu và động mạch vành là một trong những mạch chính bị tổn thương.

Tăng huyết áp

Tăng huyết áp có thể làm phá hủy mạch máu của bạn, làm gia tăng tình trạng xơ vữa động mạch dẫn đến nhồi máu cơ tim và tai biến mạch não. Tỷ lệ tăng huyết áp đã tăng đáng kể qua hơn 3 thập kỷ qua. Đầu những năm 80, tỷ lệ tăng huyết áp ở nước ta là 1,9%; năm 1992, tỷ lệ này tăng lên 11,79%; năm 2002 là 16,3% và năm 2012, tỷ lệ này đã tăng lên trên 20%. Tỷ lệ này gần tương đương với các nước phát triển khác như tại Hoa Kỳ là 24%, Đài Loan là 28% và Hà Lan là 37%. Tuy nhiên, thực trạng về hiểu biết của người dân và tình hình kiểm soát tăng huyết áp tại nước ta rất đáng quan ngại. Nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp, hoặc biết bệnh mà không điều trị thuốc gì, thậm chí biết bệnh nhưng điều trị không thường xuyên và không đúng cách. Các nghiên cứu ở nước ta cho thấy chỉ có khoảng 2% người tăng huyết áp được điều trị tốt. Đó là những con số đáng báo động, là nguyên nhân của các biến chứng xảy ra với tăng huyết áp.

Béo phì và vận động ít

Sự phát triển của kinh tế đã làm thay đổi khẩu phần ăn trong mỗi bữa ăn của người Việt. Điều này làm cho chúng ta ngày càng nhiều người thừa cân và béo phì hơn. Sự chăm con quá mức của các gia đình cũng góp phần gia tăng nhiều đứa trẻ béo phì. Trẻ em hiện nay ăn nhiều đồ ăn nhanh hơn, điều này cũng làm gia tăng tỷ lệ béo phì. Nếu trước đây, nhồi máu cơ tim thường thấy ở những người trung niên thì nay, chúng tôi đã gặp khá nhiều bệnh nhân trẻ tuổi bị nhồi máu cơ tim do tình trạng béo phì. Vì sao? Bởi vì thế hệ này sử dụng đồ ăn nhanh nhiều hơn, ít vận động do những đam mê với các trò chơi trên máy tính cá nhân, máy tính bảng hay điện thoại cũng như đắm chìm trước các màn hình tivi.

Không nghi ngờ gì nữa, thập niên kế tiếp chúng ta sẽ phải chứng kiến tỷ lệ bệnh mạch vành gia tăng và những người trẻ tuổi hơn từ 30 - 45 tuổi nhập viện vì nhồi máu cơ tim. Cuộc sống hiện nay cũng mang lại nhiều áp lực hơn. Người trẻ hiện nay cũng ngủ ít hơn. Nếu chúng ta không có một chiến lược hiệu quả thay đổi lối sống của thế hệ trẻ và rồi hệ thống y tế của chúng ta sẽ tiếp tục bị quá tải bởi các bệnh lý mạn tính và bệnh lý động mạch vành. Điều này sẽ làm gia tăng ngân sách y tế trong thập niên tới. Sự can thiệp y tế hiện nay có thể chỉ giảm bớt trong tương lai chứ không thể ngăn chặn được bởi điều này là quá muộn do diễn biến tự nhiên của bệnh lý. Chúng ta chỉ có thể giải quyết được đại dịch này nếu có sự kết hợp chặt chẽ với giáo dục và tuyên truyền. Chỉ có vậy, chúng ta mới có hy vọng giảm được đại dịch này trong thập kỷ kế tiếp nữa.


Theo SKĐS
 

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Danh sách thực phẩm tồi tệ làm phí công tập Gym của bạn (12/5)

Hà Nội: Chiếc điện thoại "tố" nơi ẩn nấp của kẻ sát nhân (12/5)

Cách phát hiện sớm ung thư dạ dày (11/5)

Tại sao khi uống rượu không nên ăn thịt (10/5)

2 người tâm thần đâm nhau chết ở bệnh viện (10/5)

Nam thanh niên giết bạn, giấu xác trong rừng cao su (10/5)

Xác định nguyên nhân ban đầu trẻ 2 tháng tử vong sau khi tiêm vaccine (10/5)

Trẻ 11 tuổi tử vong vì bị bệnh dại do mèo cào (10/5)

Uống gì vào buổi sáng để tốt cho sức khỏe? (6/5)