Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối điều chỉnh giảm giá bán xăng tối thiểu 300 đồng/lít và tiếp tục được sử dụng Quỹ Bình ổn giá 300 đồng/lít. Thời gian thực hiện từ 20h ngày 22/8.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, tính bình quân 30 ngày (từ ngày 23/7/2013 đến ngày 21/8/2013), mặc dù giá xăng trên thị trường thế giới có giảm song mức chênh lệch giữa giá cơ sở tính theo đúng quy định và giá bán hiện hành của mặt hàng xăng chỉ đủ để khôi phục lại lợi nhuận định mức theo quy định và ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá.
Nhưng để góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, Liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối điều chỉnh giảm giá bán xăng tối thiểu 300 đồng/lít và tiếp tục được sử dụng Quỹ Bình ổn giá 300 đồng/lít.
Theo đó, kể từ 20h hôm nay, giá xăng bán lẻ A92 (vùng 1) sẽ giảm 300 đồng/lít, từ mức 24.570 đồng xuống còn 24.270 đồng/lít; xăng A95 từ 25.070 đồng xuống còn 24.770 đồng/lít.
Cùng với giá xăng, liên Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp điều chỉnh giảm tối thiểu 257 đồng/kg đối với dầu ma zút.
Sau khi giảm 300 đồng/lít, xăng A92 có giá 24.270 đồng/lít.
Còn với mặt hàng dầu diezel, Bộ Tài chính cho hay: Nếu tính toán đầy đủ các yếu tố cấu thành giá cơ sở theo đúng quy định hiện hành thì phải tăng giá bán mặt hàng dầu diezel trong nước tối đa 627 đồng/lít. Tuy nhiên, để giữ ổn định giá dầu diezel, chia sẻ hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp, liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trong nước không điều chỉnh tăng giá bán dầu diezel, giữ ổn định giá bán.
Đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải tạm cắt giảm lợi nhuận định mức theo quy định 200 đồng/lít (từ 300 đồng/lít xuống còn 100 đồng/lít), cho phép các doanh nghiệp tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diezel thêm 100 đồng/lít (từ 300 đồng/lít lên 400 đồng/lít).
Tương tự mặt hàng dầu diezel, nếu tính toán đầy đủ các yếu tố cấu thành giá cơ sở theo đúng quy định hiện hành thì phải tăng giá bán mặt hàng dầu hoả trong nước tối đa 1.051 đồng/lít. Tuy nhiên để giữ ổn định giá dầu hoả, chia sẻ hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp, liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trong nước không điều chỉnh tăng giá bán dầu hoả, giữ ổn định giá bán. Liên Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tạm cắt giảm lợi nhuận định mức theo quy định 200 đồng/lít (từ 300 đồng lít xuống còn 100 đồng/lít), cho phép các doanh nghiệp tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng dầu hoả thêm 500 đồng/lít (từ 300 đồng/lít lên 800 đồng/lít).
Việc điều chỉnh lợi nhuận định mức và mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng, dầu diezel, dầu hỏa thực hiện từ 20h hôm nay.
Thông tin từ Bộ Tài chính cũng cho hay, diễn biến giá xăng dầu thành phẩm thế giới kể từ sau lần điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 17/7/2013) có những biến động trái chiều. Trong đó: xăng, dầu ma zút giảm (xăng RON 92 giảm 2,50%; dầu ma zút 3,5S giảm 1,26%). Còn riêng dầu diezel và dầu hỏa biến động tăng (dầu diezel 0,05S tăng 1,56%; dầu hỏa tăng 3,66%).
Theo đó, mức giá các chủng loại xăng dầu tính bình quân 30 ngày từ ngày 23/7/2013 đến ngày 21/8/2013 như sau: giá xăng RON 92: 114,53 USD/thùng; dầu diezel 0,05S: 123,49 USD/thùng; dầu hỏa: 123,27 USD/thùng, dầu ma zút 180 3,5S: 604,53 USD/tấn.
Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm vừa được một số doanh nghiệp công bố cho thấy, kinh doanh xăng dầu được “thụ hưởng” lợi nhuận lớn từ việc giá xăng dầu tăng cao. Thông tin doanh nghiệp xăng dầu kinh doanh có lãi nhưng “bỏ qua” thời điểm có thể hạ giá bán nhận được nhiều phản ứng của người tiêu dùng.
Do kinh doanh đang có lãi nên thời gian gần đây, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đẩy mức chiết khấu lên rất cao cho các đại lý. Thông tin từ một số đại lý phân phối cho biết, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã nâng mức chiết khấu, hoa hồng lên 400 đồng - 500 đồng/lít; thậm chí có nơi còn trích đến 800 đồng - 900 đồng/lít.
Theo giới chuyên gia, kinh doanh xăng dầu có lãi là tốt, nhưng không được “lãi khủng”. TS.Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Doanh nghiệp xăng dầu dù trực thuộc Nhà nước, kinh doanh mặt hàng do Nhà nước điều chỉnh về giá thì vẫn cần có lãi. Nhưng họ không được phép lãi khủng, bởi nếu giờ mà công bố số lãi khủng sẽ lộ ra việc trước đây làm ăn gian dối hoặc là kinh doanh độc quyền mới có lãi lớn đến như vậy”.
Theo Dân trí