Tin tức khác

Giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ "Sáng mãi tên Anh"

9 năm trước | 670

Chương trình do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam phối hợp với Báo Quân đội nhân dân, Truyền hình Quốc hội (Đài Tiếng nói Việt Nam) và Công ty Cổ phần quốc tế IMC Việt Nam tổ chức tối 26/7 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội) và được THTT trên kênh TH Quốc Hội. 
Giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ
Chương trình do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam phối hợp với Báo Quân đội nhân dân, Truyền hình Quốc hội (Đài Tiếng nói Việt Nam) và Công ty Cổ phần quốc tế IMC Việt Nam tổ chức tối 26/7 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội) và được THTT trên kênh TH Quốc Hội.

Tới dự chương trình có Thượng tướng Phương Minh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ và các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội. 

Ca sĩ Tấn Minh thể hiện ca khúc "Đồng đội ơi"

Trong chương trình, những ca khúc tôn vinh các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, cùng những tâm sự, sẻ chia cảm động của các cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; niềm hạnh phúc trào dâng của thân nhân gia đình liệt sĩ khi đón nhận hài cốt người thân trở về và cả những nỗi niềm, day dứt khôn nguôi của những người mẹ, người vợ chưa tìm thấy phần mộ của người thân sau chiến tranh... được thể hiện rất xúc động.

Theo tiếng gọi của non sông, lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam lên đường nhập ngũ, trong đó nhiều người đã để lại một phần máu xương nơi chiến trường, bao người đã ngã xuống, mãi mãi không trở về. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện cả nước còn gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt và hơn 300.000 mộ liệt sĩ đã quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ nhưng thiếu thông tin, chưa xác định được danh tính. Từng 10 năm ở chiến trường Khu 5 ác liệt, cựu chiến binh (CCB) Phan Thị Oanh, nguyên y tá Bệnh xá Sư đoàn 2, Quân khu 5 đã chứng kiến bao tấm gương chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh của đồng chí, đồng đội, mà cho đến hôm nay, dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, bà vẫn không thể nào quên được. Bà chia sẻ: “Đó là tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí Lê Trí Trực, quê ở Thường Tín, Hà Tây (cũ), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 409, Quân khu 5. Ngày 18-1-1970, anh chỉ huy một tổ đi nắm tình hình địch ở Thăng Bình, Quảng Nam; khi sắp hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị rút quân thì tổ bị địch phát hiện. Tình thế nguy cấp, nếu ở lại chống cự tất cả sẽ hy sinh, không suy nghĩ nhiều, Lê Trí Trực lệnh cho các chiến sĩ rút về căn cứ, còn riêng anh ở lại đánh chặn địch và đã anh dũng hy sinh. Thi hài của anh được nhân dân trong vùng an táng, tuy nhiên đến nay, sau bao năm tìm kiếm, chúng tôi vẫn chưa tìm được phần mộ của anh”.
Tại buổi giao lưu, Đại tá Nguyễn Văn Huy, Đội trưởng Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Quân khu 2-đơn vị được giao nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên địa bàn 6 tỉnh phía Bắc của nước bạn Lào, cho biết: “Do chiến tranh đã lùi xa, địa hình thay đổi nhiều; các nhân chứng phần lớn già yếu, trí nhớ giảm sút; hồ sơ lưu trữ còn ít, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ . Ví như khi đơn vị tìm kiếm 16 phần mộ liệt sĩ của Sư đoàn 316 ở huyện Luông Nậm Thà, tỉnh Luông Nậm Thà, Lào, mặc dù còn sơ đồ lưu trữ vị trí an táng, nhưng đã 3 mùa khô, cán bộ, chiến sĩ của đội tìm đến địa danh trên, hỏi nhân dân địa phương, tổ chức tìm kiếm, nhưng vẫn chưa có kết quả”.
MC giao lưu với các khách mời trong chương trình

Với những khó khăn trên và do tính chất khốc liệt của chiến tranh, nên bao năm qua, nhiều người mẹ, người vợ, người con… vẫn mòn mỏi đợi tin con, tin chồng, tin cha. Câu chuyện của bà Bùi Thị Xèm, 75 tuổi, quê ở xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (vợ của liệt sĩ Ngô Văn Khước, sinh năm 1942, tái ngũ tháng 8-1965; hy sinh ngày 12-4-1969 tại Trà Cao, tỉnh Tây Ninh) với hơn 11 năm lặn lội khắp các nghĩa trang đi tìm phần mộ của chồng vẫn chưa có kết quả, khiến mọi người dự buổi giao lưu đều xúc động nghẹn ngào.

Để tri ân các anh hùng, liệt sĩ, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đã quan tâm, đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập HCLS, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tìm kiếm phần mộ các anh và xác định danh tính liệt sĩ; hỗ trợ thân nhân liệt sĩ vươn lên trong cuộc sống...

Đại tá Nguyễn Văn Huy cho biết: “Quá trình tìm kiếm mộ liệt sĩ trên nước bạn Lào, anh em trong đội chủ yếu đi bộ vượt rừng sâu, với bao đêm ngủ rừng, ăn cơm nắm, nhưng mỗi khi tìm được HCLS, anh em đều thấy ấm lòng vì đã góp phần làm vơi đi nỗi đau chiến tranh. Từ năm 1994 đến nay, đội đã tìm kiếm, quy tập được 1.565 HCLS, trong đó hơn 90 hài cốt xác định rõ danh tính, quê quán”.

Cùng chung sức với các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là các CCB, như bà Phan Thị Oanh. Hơn 6 năm qua, bà đã cùng các CCB Sư đoàn 2, Quân khu 5 và gia đình các liệt sĩ trở lại chiến trường xưa tìm kiếm, đưa hơn 30 HCLS trở về quê nhà và cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Ban tổ chức trao kết quả giám định ADN cho 10 gia đình liệt sĩ

Nhờ những cố gắng của các cấp, các ngành, các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, sự giúp sức của các CCB và sự chung tay của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, cùng các cơ quan chức năng trong việc giám định ADN, nhiều gia đình liệt sĩ đã tìm được hài cốt người thân của mình, trong đó có gia đình chị Hà Thị Vinh, con gái đồng chí Hà Minh Lựu, quê xã Thái Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chia sẻ với chúng tôi, chị Vinh không giấu được niềm vui và cho biết: “Theo hồ sơ, bố tôi hy sinh ngày 5-4-1969, được an táng tại Km16, Na Tông - Lằng Khằng, Lào. Tuy nhiên, bao năm tìm kiếm gia đình tôi mới biết phần mộ của bố cùng 38 đồng chí hy sinh ở địa điểm trên đã được các đơn vị quân đội quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Ba Dốc, Quảng Bình, thuộc diện chưa xác định được danh tính. Sau khi có thông tin trên, được sự giúp đỡ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, đầu tháng 5-2015, gia đình tôi đã xác định chính xác hài cốt của bố sau 46 năm mòi mỏi, đợi chờ”.

Theo Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam: “Dù mới được thành lập và đi vào hoạt động được 5 năm, nhưng hội đã trở thành nơi gửi gắm niềm tin, tình cảm của nhiều thân nhân gia đình liệt sĩ. Hội đã làm được nhiều việc thiết thực, như giúp các gia đình liệt sĩ thu thập thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc, chưa xác định được danh tính; trao kết quả giám định ADN cho các gia đình liệt sĩ; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phối hợp với các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm xây dựng nhà tình nghĩa tặng gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn... Tại buổi giao lưu này, hội tổ chức trao kết quả giám định ADN đợt 25 cho 10 gia đình liệt sĩ; trao 10 nhà tình nghĩa (trị giá 60 triệu đồng/nhà), tặng 100 sổ tiết kiệm (trị giá 5 triệu đồng/sổ) và trao 100 suất quà (trị giá 2 triệu đồng/suất) tặng các gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng…”.

Buổi giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ “Sáng mãi tên Anh” diễn ra cảm động, đậm chất nhân văn, đã khép lại với ca khúc “Bài ca không quên”, thêm một lần nữa nhắc nhở chúng ta mãi biết ơn, tri ân sự hy sinh anh dũng của bao anh hùng, liệt sĩ đã không tiếc máu xương, hiến trọn tuổi thanh xuân để đất nước được thống nhất, độc lập, hòa bình.
 
Tại chương trình, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tiếp tục kêu gọi quân-dân cả nước nhắn tin “Tri ân liệt sĩ” thông qua cú pháp TALS, gửi 1405. 

Theo QĐND.VN

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Danh sách thực phẩm tồi tệ làm phí công tập Gym của bạn (12/5)

Hà Nội: Chiếc điện thoại "tố" nơi ẩn nấp của kẻ sát nhân (12/5)

Cách phát hiện sớm ung thư dạ dày (11/5)

Tại sao khi uống rượu không nên ăn thịt (10/5)

2 người tâm thần đâm nhau chết ở bệnh viện (10/5)

Nam thanh niên giết bạn, giấu xác trong rừng cao su (10/5)

Xác định nguyên nhân ban đầu trẻ 2 tháng tử vong sau khi tiêm vaccine (10/5)

Trẻ 11 tuổi tử vong vì bị bệnh dại do mèo cào (10/5)

Uống gì vào buổi sáng để tốt cho sức khỏe? (6/5)