Các nhà khoa học tại Trường đại học Bristol (Anh) nhận thấy những trẻ thường xuyên chơi đùa ngoài trời khi 8 và 9 tuổi thì giảm được 1/2 nguy cơ mắc bệnh cận thị, theo Telegraph.
Nghiên cứu tiến hành tại Trường đại học Bristol (Anh), theo dõi 14.000 trẻ. Cha mẹ của chúng được yêu cầu cho biết trẻ có bao nhiêu thời gian chơi đùa ngoài trời mỗi ngày.
Sau đó, các nhà khoa học phân loại trẻ theo thời gian trẻ ở ngoài trời, bao gồm: mức độ cao khi chúng ở ngoài trời ít nhất 3 giờ/ngày trong mùa hè, hoặc nhiều hơn 1 giờ trong mùa đông; nếu không, trẻ sẽ được chia vào nhóm có ít thời gian ở ngoài trời.
Các nhà khoa học nhận thấy trẻ chơi đùa ngoài trời ở mức độ “cao” thì giảm được 1/2 nguy cơ bị cận thị khi lớn lên so với những trẻ khác.
Các chuyên gia về mắt vẫn chưa hiểu tại sao chơi đùa ngoài trời lại có thể bảo vệ trẻ chống lại chứng cận thị.
Tiến sĩ Jeremy Guggenheim, chuyên gia về thị lực tại Trường đại học Cardiff (Anh), thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, nguyên nhân có thể là do sự tiếp xúc hằng ngày với ánh sáng rực rỡ cần thiết cho sự phát triển và duy trì tầm nhìn tốt.
Nhiều nghiên cứu cho thấy tiếp xúc với ánh sáng rực rỡ kích thích nồng độ dopamine (chất dẫn truyền thần kinh) trong võng mạc.
Công trình nghiên cứu được xuất bản trên chuyên san Investigative Opthalmology and Visual.
Theo Thanhnien