Ngay sau khi Bộ GTVT kết luận về hàng loạt sai phạm từ việc cấp phép các bãi trông xe lòng đường, dưới gầm cầu, Hà Nội đã có văn bản phản bác, cho rằng "kết luận thất thoát 20 tỷ đồng một năm là chưa có cơ sở".
Thứ trưởng GTVT Lê Mạnh Hùng vừa ban hành kết luận thanh tra lòng đường, vỉa hè tại Hà Nội. Theo đó, một loạt sai phạm của Sở GTVT Hà Nội được "phơi" ra, như cấp phép trông giữ xe trên các phố cấm trông xe, phố không đủ rộng dưới 10,5 m (đường 2 làn xe) và 7,5 m (đường một làn xe).
Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội cấp phép cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội các điểm trông giữ xe dưới lòng đường trên phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lê Phụng Hiểu, Lê Lai... Sở Giao thông cũng cho phép công ty này trông giữ xe dưới lòng đường phố Đào Tấn (diện tích 174 m2), cách nút giao 10 m và trông giữ ôtô tại lòng đường Đội Cung, Cao Đạt khi đường rộng không đủ 10,5 m.
|
Phố Bùi Thị Xuân nhỏ hẹp nhưng lại được cấp phép trông giữ ôtô khiến giao thông ùn tắc. |
Công ty CP Đồng Xuân được cấp phép trông giữ ôtô dưới lòng đường trên phố Ngõ Gạch (rộng 5,8 m), Hàng Bút (rộng5,8 m), Gia Ngư (rộng 5,7 m). Công ty CP Mặt trời mọc, Công ty TNHH Anh Duy, Đệ Nhất, Công ty Khai thác điểm đỗ được trông giữ ôtô trên phố Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tuệ Tĩnh khi lòng đường không đủ 10,5 m...
Đặc biệt, Sở GTVT cấp phép trông xe dưới các gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở, Đại lộ Thăng Long, Mai Dịch, Chương Dương, Văn Cao...
Ngay lập tức, ngày 24/4, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã "phản pháo". Ông Hùng khẳng định, việc cấp phép trông xe lòng đường đã thực hiện đúng thông tư 39 của Bộ GTVT và sau khi liên ngành Công an thành phố - Sở GTVT khảo sát hiện trạng, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến này.
Tương tự, việc cấp phép trông xe dưới gầm cầu cũng được thực hiện theo quyết định của UBND TP Hà Nội, sau khi có đề nghị của chính quyền địa phương để giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của nhân dân. Ngoài ra, các bãi đỗ xe này đã tồn tại từ trước khi Bộ GTVT ban hành thông tư quy định.
Tại bãi xe trên phố Đinh Tiên Hoàng, thanh tra Bộ GTVT cho là vi phạm quy định danh mục 262 tuyến phố cấm trông giữ trên vỉa hè, dưới lòng đường, nhưng lãnh đạo Sở GTVT khẳng định không cấp phép trông giữ lòng đường mà chỉ cấp phép trông giữ tại bến xe điện bờ hồ cũ theo quy hoạch của UBND Hà Nội phê duyệt.
Thanh tra Bộ GTVT cũng chỉ ra các điểm trông giữ xe dưới lòng đường Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật (đối diện bệnh viện 108) phạm danh mục các tuyến đường cấm trông giữ phương tiện. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, các phố này đã thiết kế vịnh để đỗ xe, không phải là lòng đường, vỉa hè, nên việc đỗ xe không ảnh hưởng đến giao thông, để giải quyết cho nhu cầu nhân dân và bệnh viện phù hợp với quyết định của thành phố.
|
Hàng loạt nhà hàng quán bia trên phố Trần Khánh Dư lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. . |
Về phí trông giữ xe, Bộ GTVT kết luận, thiếu công bằng về nghĩa vụ nộp phí giữa các đơn vị, điển hình là Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội và các doanh nghiệp xã hội hóa. Công ty Khai thác điểm đỗ được nộp phí sử dụng vỉa hè lòng đường tính bằng 2% doanh thu hàng năm, còn các doanh nghiệp khác nộp 10.000 - 45.000 đồng/m2/tháng, tuỳ theo tuyến phố. Do vậy, gây thất thu cho ngân sách ít nhất 20 tỷ đồng mỗi năm từ Công ty Khai thác điểm đỗ xe.
Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, chỉ cấp phép thu phí và lệ phí theo quyết định của UBND thành phố. Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội là doanh nghiệp công ích thực hiện nhiệm vụ của thành phố, nên việc Bộ GTVT kết luận thất thoát 20 tỷ đồng một năm là chưa có cơ sở.
Ngoài ra, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội còn cho hay, khi tiến hành thanh tra, đoàn Thanh tra Bộ GTVT mới làm việc một lần với sở và chưa thu thập đầy đủ các hồ sơ, số liệu cần thiết liên quan đến việc ra kết luận thanh tra. Trong khi đó, Thanh tra Bộ lại cho rằng, đoàn kiểm tra đã yêu cầu Sở GTVT Hà Nội bổ sung báo cáo và yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra song không được cung cấp và giải trình lý do theo quy định tại Điều 58 Luật Thanh tra.
Theo Vnexpress.