Người ta ví quả gấc như cái túi chứa đầy carotene (tiền vitamin A) mà không một loại rau, củ, quả nào có thể so sánh được. Ở bài này xin chỉ giới hạn về hạt gấc - một vị thuốc. Đông y gọi hạt gấc là “mộc miết tử” - có nghĩa là con ba ba gỗ (mộc là gỗ, miết là con ba ba).
Về thành phần hoá học, nhân hạt gấc tương đối khô nước (6% nước), nhưng lại có nhiều dầu (55,3% chất béo), 16,6% protein, 2,9% gluxid, 1,8% tanin và 11,7% chất không xác định được. Ngoài ra, còn có các men photphataza, invectaza, peroxydaza...
Theo các sách cổ, nhân hạt gấc vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi độc, vào hai kinh can và đại tràng. Hạt gấc có thể dùng uống (ngày 1 nhân nướng chín), nhưng chủ yếu là dùng bôi ngoài không kể liều lượng, có tác dụng chữa mụn nhọt, tiêu thũng, dùng trong những trường hợp ngã, bị thương, sang độc, phụ nữ sưng vú, hậu môn sưng thũng.
Trong nhân dân, nhiều gia đình có thói quen để dành hạt gấc sống, hoặc đã qua đồ xôi, để khi cần đến thì chặt đôi đem mài với ít rượu, hoặc giấm thanh để bôi chỗ sưng tấy do mụn nhọt, sưng quai bị... rất mau khỏi. Bôi nhiều lần trong ngày cứ khô lại bôi. Hoặc giã nhân hạt gấc với một ít rượu đắp lên chỗ vú sưng đắp liên tục, ngày thay thuốc một lần sẽ chóng khỏi. Chữa trĩ, lòi dom, thì dùng hạt gấc giã nát, thêm một ít giấm thanh, gói bằng vải đắp vào hậu môn để suốt đêm. Sau mỗi đêm lại thay thuốc một lần.
Đặc biệt là dùng hạt gấc chữa sang chấn đụng giập trong những trường hợp bị ngã, bị thương, tụ máu... có hiệu quả đáng ngạc nhiên. Theo kinh nghiệm nhân dân dùng hạt gấc đốt vỏ ngoài cháy thành than (nhân bên trong chỉ vàng chưa cháy thành than), cho vào cối giã nhỏ, cứ khoảng 30-40 hạt thì cho 400-500ml rượu trắng vào ngâm để dùng dần.
Dùng rượu hạt gấc bôi vào chỗ sang chấn có tác dụng tốt gần như mật gấu và đã mệnh danh cây gấc là “cây mật gấu”.Vị thuốc này đã được phổ biến cho nhiều người dùng đều thấy có kết quả tốt. Đã có một số đề tài nghiên cứu khoa học chứng minh về tác dụng chống viêm giảm đau của hạt gấc trên thực nghiệm, hoặc bào chế cao chiết từ hạt gấc dùng làm kem bôi ngoài da...
Theo SKĐS.