Áp dụng ngũ hành, các loại rau củ quả với các màu sắc của ngũ hành có tác dụng lớn trong việc gìn giữ vẻ đẹp và tuổi thanh xuân.
Y học cổ truyền dùng Ngũ hành áp dụng vào việc sử dụng thuốc đối với bệnh tật của tạng phủ trên cơ sở liên quan giữa Vị, Sắc... đối với tạng phủ. Đây là nền tảng của việc Quy kinh.
Thí dụ: vị chua, màu xanh vào Can; vị cay, màu trắng vào Phế...
Ngoài ra, trong việc bào chế, có thể vận dụng đặc tính của ngũ hành để thay đổi hoặc tăng cường hiệu quả của thuốc.
Thí dụ: tẩm thuốc với dấm (vị chua) để dẫn thuốc vào Can; tẩm thuốc với muối (vị mặn) để dẫn thuốc vào Thận...
Việc áp dụng màu sắc của Ngũ hành vào dược liệu cũng đang được nhiều nước quan tâm đến.
Thực phẩm có màu xanh (hành Mộc)
Thực phẩm có màu xanh lá cây sẽ tốt cho gan. Nói chung, các loại thực phẩm có chứa chất diệp lục màu xanh lá cây rất giàu các chất vitamin như vitamin A có lợi cho gan, bảo vệ dạ dày và ruột, ngăn ngừa táo bón và ung thư trực tràng. Ngoài ra, việc tiêu thụ các loại thực phẩm màu xanh lá cây có thể duy trì sự cân bằng acid vốn có trong cơ thể.
Thực phẩm màu xanh lá cây giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh ung thư phổi, vú và tử cung. Đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy các loại rau họ cải như: rau cải ngọt, cải canh, súp lơ xanh, súp lơ và cải bắp có thể hỗ trợ cơ thể chống lại các nguy cơ ung thư phổi, vú, tử cung, dạ dày và ruột.
Những loại thực phẩm có màu xanh lá cây rất giàu glucosinolate, một hợp chất bảo vệ cơ thể chống lại sự phát triển của ung thư. Những loại thực phẩm này cũng rất giàu vitamin K cần thiết cho việc ngăn ngừa bệnh đái tháo đường và ung thư tuyến tụy. Bạn nên ăn thực phẩm này ít nhất một lần một ngày để làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Thực phẩm màu xanh chủ yếu là các loại rau, củ, quả… cũng là nguồn cung cấp nhiều sinh tố và khoáng chất quan trọng giúp cơ thể đề kháng với bệnh tật, chậm lão hóa và phòng từ xa một số bệnh như đục thủy tinh thể, loãng xương, cao huyết áp…
Các loại thực phẩm màu xanh lá cây chủ yếu là rau bina, bắp cải, rau diếp, tỏi tây và bông cải xanh…
Rau quả xanh: mỗi ngày ăn 200 - 300g rau quả giúp giảm hơn 30% nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ so với những người ăn ít hoặc không ăn. Nên chọn các loại rau màu xanh đậm, nhiều lá như rau muống, rau diếp, rau dền, cải bó xôi, bông cải xanh, cải xoăn và các loại quả màu xanh thuộc họ cam quýt. Chế độ ăn này còn hạn chế bệnh ung thư, nhất là ung thư ruột kết, thực quản, phổi, trực tràng, thanh quản, buồng trứng và thận. Các chất xơ sẽ giúp kích thích nhu động ruột góp phần làm giảm chứng táo bón.
Rau bina có thể nuôi dưỡng máu, thúc đẩy sự tăng trưởng của tế bào và ngăn ngừa lão hóa hiệu quả. Tỏi tây có thể cải thiện các chức năng của thận và thúc đẩy nhu động dạ dày và đường ruột.
Bông cải xanh cung cấp nhiều sinh tố C giúp cơ thể hấp thu sắt dễ dàng, ngăn ngừa đục thủy tinh thể và triệu chứng cảm lạnh thông thường. Bông cải xanh chứa nhiều acid folic - một sinh tố nhóm B cần thiết cho thai phụ nhằm phòng từ xa sảy thai, dị tật, nhau bong non… Sinh tố này còn giúp gia tăng lượng tinh binh của quý ông. Bông cải xanh còn chứa nhiều kali, rất cần cho những ai bị cao huyết áp. Lượng canxi trong bông cải xanh còn giúp ngừa được chứng loãng xương ở người cao tuổi. Chất chống oxy hóa có mặt trong bông cải xanh còn tham gia trì hoãn quá trình lão hóa. Bông cải xanh có thể tăng cường cai nghiện, nâng cao khả năng miễn dịch và ngăn ngừa các bệnh ung thư vú cho phụ nữ.
Trong rau cải xoong có các sinh tố A, B1, B2, C và nhiều chất khoáng khác. Đặc biệt, lượng iod trong rau cải xoong rất cao 20 - 30mg/100g. Đây là nguồn iod thiên nhiên rất tốt cho cơ thể, nhất là phụ nữ ít ăn hải sản. Lượng sinh tố C trong cải xoong cũng rất cao, giúp tăng cường đề kháng, bảo vệ sức khỏe, giữ được nét thanh xuân. Rau cải xoong còn chứa nasturtiin có khả năng ức chế khối u trong ung thư tuyến tiền liệt. Lá cải xoong còn được coi là nguồn “viagra thiên nhiên” vì có tác dụng làm tăng tình dục cho các phái nam. Theo Đông y, rau cải xoong có công dụng giải nhiệt, lọc máu, khai vị, cung cấp chất khoáng, ngừa đái tháo đường…
Rau cần có vị thơm đặc biệt, có khả năng kích thích và lưu thông các tuyến mồ hôi, giảm huyết áp. Loại rau này chứa nhiều chất xơ, vì thế, nó còn giúp đẩy chất thải tồn trữ trong hệ tiêu hóa ra ngoài. Rau cần thường được xào thịt bò, xào tỏi, ăn tái với riêu cá, riêu cá nấu cải chua…
Đậu Hà Lan: trong đậu Hà Lan có sự cân bằng giữa các khoáng chất và vitamin, bao gồm cả kẽm, sắt.
Trái kiwi: thực phẩm màu xanh lá cây này chứa nhiều các chất dinh dưỡng tốt khác nhau như: vitamin C, vitamin E, kali và chất chống oxy hóa. Vì vậy, nó có tác dụng ngăn chặn thoái hóa điểm vàng và hạn chế những ảnh hưởng xấu đến các tế bào trong cơ thể.
Táo xanh: một trong những loại thực phẩm màu xanh giúp bạn giảm cân rất hữu hiệu. Táo xanh chứa nhiều acid malic giúp phân giải những tế bào mỡ tích tụ trong cơ thể. Ăn táo thường xuyên sẽ giảm được mức cholesterol xấu, giúp các bạn tránh được tình trạng xơ vữa động mạch và ngăn chặn sự hình thành cục máu đông trong cơ thể.
Nho xanh: cũng như táo, ăn nhiều nho xanh sẽ giúp bạn giảm cân rất hiệu quả và an toàn. Bởi trong mỗi quả nho đều có chứa tới 70 - 85% là nước, hàm lượng đường rất ít cùng nhiều thành phần dinh dưỡng khác… Thành phần quả nho bao gồm vỏ, hạt và thịt của nó đều có công dụng đốt cháy chất béo, chống lão hóa cực tốt.
Một trong số các thực phẩm màu xanh tiêu biểu gần đây được giới dinh dĩnh quan tâm là tảo spirulina. Tảo này được dùng để chế biến thực phẩm chức năng dùng để hỗ trợ điều trị bệnh nhân béo phì, đái tháo đường… vì tảo có đủ acid amin chủ yếu cho nhu cầu kiến tạo; sinh tố và khoáng tố để bổ sung nguồn dự trữ; các chất kháng oxy hóa để ngăn chặn tiến trình lão hóa, chứng xơ vữa và dấu hiệu thoái hóa.
Trà xanh: chứa nhiều gốc tự do, vitamin E có tác dụng chống oxy hóa, hạn chế lão hóa. Uống trà xanh giúp kéo dài tuổi thọ, giảm bệnh ung bướu; polyphenol trong trà xanh còn có tác dụng ngừa ung thư vú, chống xơ cứng động mạch, hạ huyết áp, chống viêm khớp, hạ đường huyết.
Thực phẩm có màu đỏ (hành Hỏa)
Thực phẩm màu đỏ, theo Đông y, liên quan đến tạng Tâm và hệ tuần hoàn, rất thích hợp với những bệnh về tim mạch…
Cà chua: nam giới nên ăn mỗi ngày1 quả cà chua, giảm 45% khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt. Trong cà chua có một lượng lycopene rất cao, đây là chất trong thiên nhiên có tác dụng chống oxy hóa tế bào mạnh. Đặc biệt, sau khi được nấu chín trong ít dầu thực vật, lycopene được phóng thích rất nhiều, nhờ đó cà chua có tác dụng ngăn ngừa ung thư liệt tuyến tiền liệt. Ngoài hàm lượng vitamin C phong phú, cà chua còn chứa vitamin A, kali và chất xơ. Mặc dù mùi vị không được thơm ngon nhưng cà chua rất tốt cho sức khỏe vì chúng giàu lycopene, một chất chống oxy hóa có khả năng ngăn ngừa sự lão hóa cho da và rất có ích trong việc phòng chống ung thư, bệnh tim.
Dưa hấu đỏ: nguồn vitamin C và A, chứa rất nhiều beta-carotene và lycopene. Có tác dụng trung hòa các gốc tự do gây tổn thương cho cơ thể, nguy hiểm nhất là các tế bào gây ung thư.
Vang đỏ: được chiết xuất từ các loài nho đỏ, do vậy, mỗi ngày uống 20 - 30ml, hoạt chất resveratrol sẽ có tác dụng phòng chống bệnh xơ cứng động mạch. Tuy nhiên, người bệnh tim mạch, cao huyết áp cần kiêng thức uống có cồn. Với đặc tính khử độc, resveratrol có khả năng bảo vệ tim mạch, chống ung thư, bảo vệ chức năng gan.
Dâu tây đỏ, seri: chứa nhiều vitamin C và các chất có tác dụng chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa ung thư và làm chậm sự lão hóa tế bào.
Ớt đỏ: có tác dụng giúp cải thiện tâm trí, chống trầm cảm, lo âu, mệt mỏi.
Ngoài ra, rau củ có màu đỏ sậm (củ dền, rau dền tía) còn cung cấp nhiều chất sắt giúp gia tăng sự sản sinh hồng cầu, chống thiếu máu, suy nhược cơ thể.
Táo đỏ: một nguồn vô cùng phong phú của chất chống oxy hóa. Những chất chống oxy hóa ngăn chặn sự sản xuất các chất gây hại chính trong cơ thể, từ đó giúp cơ thể phòng được lão hóa và nhiều bệnh khác. Polyphenol là một loại chất chống oxy hóa được tìm thấy trong táo cũng giúp tăng tuổi thọ. Bên cạnh đó, nó cũng làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch khác nhau.
Quả anh đào: nhờ lượng chất chống oxy lá dồi dào như: anthocyanin (có khả năng giảm đau và chống viêm nhiễm), anh đào hỗ trợ phòng chống nhiều căn bệnh, bao gồm đái tháo đường, ung thư, viêm khớp và gút. Đây cũng là nguồn thực phẩm cung cấp nhiều chất xơ, kali và vitamin A.
Lựu: loại trái cây được xem là biểu tượng của sự sinh sản ở những vùng đất quê hương của lựu (khu vực từ Iran đến Himalaya) mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, lựu có thể giúp hạn chế sự hình thành những mảng bám trong các động mạch và làm hạ huyết áp. Nước ép từ lựu có công dụng kiểm soát bệnh ung thư tuyến tiền liệt, đái tháo đường, viêm khớp và những khác thường trong việc cương cứng cơ quan sinh dục nam. Các chuyên gia tin rằng, những lợi ích của lựu bắt nguồn từ những chất polyphenol mạnh mẽ là anthocyanin (có trong những thực phẩm màu xanh, tím và đỏ đậm) và tannin (có nhiều trong trà và rượu).
Củ cải đường: rất giàu dưỡng chất: 1/2 chén củ cải đường nấu chín chỉ chứa 29 calo nhưng lại có tới 2g chất xơ và cung cấp thêm khoảng 19% lượng folate, vitamin B cho nhu cầu mỗi ngày, vốn rất cần thiết để các tế bào mới phát triển khỏe mạnh. Thêm vào đó, betanin không chỉ mang lại màu sắc sặc sỡ cho củ cải đường mà còn có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch.
Ớt: capsaicin, một chất chống oxy hóa có trong ớt, có thể cản trở sự phân hủy của thức ăn, góp phần bảo vệ các mạch máu. Đây cũng là chất tạo ra độ cay nóng cho ớt. Kết quả nghiên cứu cho thấy capsaicin làm tăng tỉ lệ tiêu hóa và kích thích những chất hóa học trong não, giúp chúng ta cảm thấy ít đói hơn.
Theo SKĐS