Thông tin 10/10 là ngày cuối cùng nhà Đại tướng mở cửa đón nhân dân tới viếng khiến nhiều người quyết tâm có mặt trong đoàn xếp hàng từ sáng sớm. Trời càng về chiều, nỗi khắc khoải, bồn chồn càng hiển hiện rõ nét trên nhiều khuôn mặt.
Gần 17h, trên vỉa hè đường Hoàng Diệu, đoàn người xếp hàng một từng bước theo nhau tiến tới cửa nhà số 30. Lực lượng an ninh, dân phòng và thanh niên tình nguyện tập trung đông hơn mọi ngày. Các bạn thanh niên tình nguyện nắm chặt tay nhau tạo lối đi cho đoàn vào viếng.
|
Các bạn trẻ giương cao di ảnh của Đại tướng trong đêm tưởng niệm cuối cùng. Ảnh:Nguyên Anh.
|
Từ đầu đường Điện Biên Phủ, đoàn người xếp hàng với mật độ dày đặc hơn, có những đoạn chen chân đứng trên vỉa hè chật cứng. Hình ảnh này lặp lại và nối dài dọc đường Điện Biên Phủ, vòng qua cửa Lăng Bác và tới tận cuối đường Hoàng Văn Thụ, gần tạo một vòng khép kín dài tới cả cây số quanh điểm bắt đầu tại số nhà 30 Hoàng Diệu.
Trong số này, rất nhiều người đã tới xếp hàng từ sáng sớm. Một đại gia đình gần 10 người các thế hệ dắt díu nhau từ Bắc Ninh lên xếp hàng ở Hoàng Văn Thụ lúc 10h sáng, nhưng đến 15h30 họ mới nhích tới khu vực đối diện Lăng Bác, cách đó vài trăm mét. Khu vực quảng trường Ba Đình chiều nay nắng hanh hao, tiếng ồn và bụi từ công trường xây dựng gần đó cũng không ngăn nổi quyết tâm và hy vọng của những người trong đoàn.
Đứng cuối đoàn viếng tại khu vực quảng trường Ba Đình là nhóm 7 bạn người dân tộc Nùng của trường Sư phạm Cao Bằng. 21h ngày 9/10 họ bắt ôtô, vượt hơn 300 km xuống Hà Nội với hy vọng được thắp nén nhang cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 5h sáng họ đã có mặt ở thủ đô nhưng vì bị say xe và lạc đường nên đến 12h30 mới tới nơi. Xếp hàng ròng rã suốt mấy tiếng ngoài trời nắng nhưng các bạn người Nùng vẫn thuộc top cuối cùng. Khi nghe người phía trên bàn tán rằng, rất có thể những người sau không kịp vào viếng Bác, họ buồn và lo lắng.
Họ được nghe bố mẹ kể rất nhiều về Đại tướng và những công lao của ông với mảnh đất Cao Bằng. Vì thế, khi biết tin Đại tướng mất, cả nhóm được cử xuống Hà Nội, mang chút quà của người vùng cao xuống thắp nhang, cúng lễ.
|
Theo lực lượng cấp cứu 115, cả ngày hôm nay khoảng 50 trường hợp kiệt sức phải nhờ bác sĩ hỗ trợ. Trong đó 2 trường hợp được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Xanh Pôn.. Ảnh: Quý Đoàn.
|
"Nếu không được vào, em buồn lắm vì mình đã gắng sức đi suốt 300 km đến đây. Tuy nhiên, trong trường hợp không được, thì em cũng chỉ biết chấp nhận mà thôi. Dù sao chúng em cũng sẽ xếp hàng đến tận cùng và hy vọng sẽ có một điều may mắn xảy ra", Nguyễn Hoàng Trâm 19 tuổi, một thành viên trong đoàn cho biết.
Gia đình họ đều làm nương rẫy, nhiều người muốn xuống Hà Nội viếng Đại tướng nhưng không có điều kiện nên dồn tiền gửi gắm cho 7 anh chị em. Trưởng đoàn Lý Văn Đàn, 25 tuổi, cho biết gia đình đã bán một con lợn cho Đàn làm lộ phí.
"Nếu tối nay không vào viếng thì chúng tôi cũng phải quay về, vì số tiền mang theo không nhiều, chỉ còn đủ để quay về thôi", Đàn buồn rầu nói.
Cũng có mặt trong những người cuối cùng tới viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bác Trần Tử Chí (66 tuổi) cho biết, mình vừa xuống máy bay và chạy xe thẳng tới đây. Bác Chí định cư ở bên Pháp và vào thứ 7, khi nghe được tin cụ Giáp mất, bác đã ngay lập tức tìm cách trở về Việt Nam. Tuy nhiên, mãi bác mới thu xếp được vé để về nước đúng vào ngày cuối cùng này.
Theo thông báo ban đầu thì đến 18h là hết giờ vào viếng Đại tướng, bác Chí cũng xác định chắc chắn mình không còn cơ hội. Tuy nhiên bác vẫn xếp hàng cùng dòng người nuôi hy vọng. Mồ hôi ướt đầm áo, bác mỉm cười bảo mình không hề mệt khi phải đứng dưới nắng nóng. Bác cũng không buồn nếu mình chẳng có cơ hội vào thắp nhang cho Đại tướng. Bởi lẽ, “dù thế nào tôi cũng đã gắng làm hết sức mình. Quan trọng là tấm lòng của tôi dành cho Đại tướng”, bác Chí nói.
|
Những giỏ hoa cuối cùng được người dân chuyển vào để tưởng niệm Đại tướng. Ảnh: Quý Đoàn.
|
Từ sáng nay, đường Hoàng Diệu chỉ cho phép các phương tiện giao thông đi theo hướng Điện Biên Phủ tới Quán Thánh, dành toàn bộ phần đường chiều ngược lại phục vụ cho đoàn tới viếng. Khu vực dải phân cách tới cuối chiều là nơi tập trung hàng trăm người, họ không có điều kiện xếp hàng vào viếng, đành đứng ở đây hướng ánh mắt vào bên trong khu nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng sinh sống.
Ông Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng, tối qua đã thay mặt gia đình gửi thông báo cáo lỗi với bà con phải dừng thời gian đón tiếp sớm hơn dự định, để đảm bảo cho việc tổ chức lễ Quốc tang được chu đáo, trọn vẹn. Thời gian viếng theo kế hoạch trước đây là đến hết ngày 11/10, nhưng rút xuống đến 18h ngày 10/10.
Tuy nhiên vài phút trước giờ đóng cửa theo dự định, đoàn người xếp hàng vẫn kéo dài tới cửa Lăng Bác. Từ 18h, các tăng ni phật tử chùa Vân Hồ sau khi tổ chức lễ cầu siêu cho Đại tướng đã mang cơm chay tới phát cho những người đi viếng. Nhà dân xung quanh phường Điện Biên cũng cung cấp bánh mì, nước uống phục vụ người vào viếng xuyên đêm.
21h30, cánh cửa gia đình nhà Đại tướng khép lại. Dòng người, kéo từ nhà 30 Điện Biên Phủ qua khúc cua ngã tư Hoàng Diệu dài chừng 300 m, ùa cả lại trước cửa nhà Đại tướng. Những vòng hoa, di ảnh của Đại tướng được những người lính của ông xin nhận lại. Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm người, trong đó có không ít người cao tuổi, vẫn đứng bên ngoài vái vọng. Những vòng tròn nến được các bạn trẻ thắp lên tỏa sáng.
|
Những hàng hoa tưởng niệm kéo dài như bất tận trong khuôn viên nhà Đại tướng. Ảnh:Nguyên Anh.
|
Trong khuôn viên, dưới ánh sáng vàng của những ngọn đèn ấm áp, những bông hoa nối nhau xếp thành những vòng dài bất tận.
Bên Lăng Bác, lễ hạ cờ đã kết thúc. 12h trưa mai, tại đây, sẽ diễn ra lễ treo cờ rủ - bắt đầu cho 2 ngày chính thức cả dân tộc để tang Đại tướng.
Theo Vnexpress