Tin tức khác

Khi pháp y “nặng lòng” với diễn biến tâm lý xã hội

9 năm trước | 1218

 Vào một đêm hè tháng 6 năm 2008, chuông điện thoại của trực ban Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai reo vang. Đại úy công an Trần Xuân Hằng nhận được tin trình báo của chị V.T.T (sinh năm 1974, trú tại phường Duyên Hải) tố cáo bị một người đàn ông có tên là N.V.H cưỡng hiếp tại nhà riêng.
Khi pháp y “nặng lòng” với diễn biến tâm lý xã hội
 Minh oan cho “thủ phạm” nhờ kinh nghiệm nghề nghiệp
Để làm rõ vụ việc, Cơ quan CSĐT đã trưng cầu giám định pháp y tình dục đối với chị V.T.T. Sau 2 tiếng kể từ khi trình báo, chị V.T.T đã được giám định theo trình tự quy định khám dấu vết tổn thương trên cơ thể và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tìm tinh trùng và các bệnh có lây truyền qua đường tình dục. Kết quả xét nghiệm có tinh trùng trong âm đạo. Vụ việc tưởng như đã rõ mười mươi bởi những bằng chứng rõ ràng từ nạn nhân cũng như tên tuổi thủ phạm. 
Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm lâu năm của mình, Giám định viên pháp y, bác sĩ Đỗ Thành Thái cảm thấy nghi ngờ có điều gì đó uẩn khúc trong lời tố cáo này. Bởi theo nhận xét của ông Thái, thủ phạm – ông N.V.H là một người đàn ông có vẻ ngoài rất cục mịch, hiền lành. Kết quả khám nghiệm dấu vết trên cơ thể ông N.V.H cũng cho thấy không hề có dấu vết thường thấy của các vụ hiếp dâm khi nạn nhân chống cự để lại. Phải chăng đây không phải là một vụ hiếp dâm, hoặc ông N.V.H không phải là thủ phạm thật sự? Trao đổi nghi ngờ của mình với Điều tra viên - Đại úy Trần Xuân Hằng, Giám định viên Đỗ Thành Thái đề nghị nên làm xét nghiệm ADN giữa mẫu tinh trùng thu được từ người chị V.T.T  và mẫu tóc, móng tay của ông N.V.H. 
Kết quả đã chứng minh nghi ngờ của Giám định viên pháp y là đúng. ADN của tinh trùng trong dịch âm đạo của chị V.T.T không trùng khớp với ADN của ông N.V.H. Trên cơ sở đó, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Lào Cai tiếp tục đấu tranh, vận động chị V.T.T nói ra sự thật. Biết không thể đổ oan và làm mất danh dự, nhân phẩm của người khác, trước cơ quan điều tra, chị V.T.T đã thú nhận là bản thân có quan hệ với người đàn ông khác, sau đó vu khống cho ông N.V.H cưỡng hiếp chị. Khỏi phải nói cũng biết ông N.V.H vui mừng thế nào khi được minh oan. Chị V.T.T đã kiểm điểm trước tổ dân phố về việc vu khống làm mất danh dự của người khác và phải xin lỗi ông N.V.H về việc làm sai trái của mình. 
“Đây là vụ việc mà tôi nhớ mãi – Giám định viên, bác sĩ Đỗ Thành Thái, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Lào Cai cho biết – “ Bởi nó chứng tỏ một điều rằng, vai trò của giám định pháp y là rất cần thiết và quan trọng để phục vụ tốt cho cơ quan CSĐT về công tác phòng chống tội phạm và tránh bắt oan sai” .
Khi pháp y “nặng lòng” với diễn biến tâm lý xã hội
Giám định viên Đỗ Thành Thái đang giám định thương tích.
 
Vượt đèo, vượt núi đi giám định 
Đã từng nhiều năm theo dõi và viết bài về công tác giám định pháp y, người viết bài này đã rất ngạc nhiên khi đọc báo cáo kết quả công tác của Trung tâm Pháp y tỉnh Lào Cai qua từng năm. Theo đó, các ca giám định không chỉ được thống kê qua các con số mà còn được chia tách tỉ mỉ theo từng loại vụ việc. Đơn cử, theo báo cáo năm 2014, tổng số ca giám định là 361, phân loại theo giới nam chiếm 259 ca, tỷ lệ 74%, nữ chiếm 91 ca, tỷ lệ 26%. Báo cáo cũng so sánh các ca giám định tử thi có nguyên nhân từ mâu thuẫn gia đình trong năm 2014 so với năm 2013 đã tăng; tương tự nguyên nhân tình ái cũng làm số ca giám định tử thi tăng. Số ca giám định hiếp dâm năm 2014 theo báo cáo cũng đã tăng thêm 15 vụ so với năm 2013…
Lý giải về cách làm báo cáo tỉ mỉ này, ông Đỗ Thành Thái cho biết, không những phục vụ cho công tác thống kê, quản lý hoạt động giám định mà qua đó để các cơ quan, ban ngành liên quan thấy diễn biến của tâm lý xã hội ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. “Thời gian gần đây, xu hướng các vụ án về gia đình, tình ái, hiếp dâm có chiều hướng tăng, không những cho thấy tội phạm đang có xu hướng trẻ hóa mà còn cảnh báo về lối sống suy thoái đạo đức, ảnh hưởng của văn hóa mạng quá nhiều” – ông Thái lo lắng. 
Được biết, cũng như nhiều Trung tâm Pháp y khác trên cả nước, Trung tâm Pháp y tỉnh Lào Cai cũng thường xuyên phải đối diện với tình trạng thiếu người. Trong tổng số 16 giám định viên pháp y trên toàn tỉnh thì có đến 15 người là kiêm nhiệm, chỉ có duy nhất 1 giám định viên chuyên trách. Nếu so sánh số ca giám định 361 ca trong một năm (trong đó giám định tử thi đã chiếm quá nửa, 221 ca) với số lượng 15 giám định viên kiêm nhiệm và 1 giám định viên chuyên trách, cùng địa hình đồi núi hiểm trở, xa xôi của tỉnh Lào Cai đã thấy gánh nặng thế nào đang đặt trên vai các giám định viên nơi đây. “Một ngày đi mấy trăm cây số đường đèo núi để giám định là chuyện đã trở nên bình thường với anh em chúng tôi nơi đây” – Giám đốc Trung tâm Pháp y Đỗ Thành Thái cho biết. 
Điều mà ông Đỗ Thành Thái không nhắc đến đó là cán bộ của ông bên cạnh việc phải chịu thiếu thốn về mặt thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ công việc, họ còn phải chịu áp lực tâm lý của gia đình, sự mặc cảm của xã hội đối với nghề, thậm chí cả sự chống đối của đối tượng giám định khi họ muốn “tăng thương, giả bệnh” để đạt được mục đích cá nhân… “Lắm lúc nhìn các nghề khác có đông người, ngó lại Trung tâm của mình mà thấy thèm. Nhưng nói chuyện thu hút nhân lực có trình độ thì buồn lắm, bởi đặc thù nghề nghiệp đã đành mà lương bổng cũng thua xa. Bản thân cán bộ ở Trung tâm cũng có người không yên tâm công tác bởi khao khát được đi học nâng cao trình độ, tay nghề của họ không được đáp ứng do không có kinh phí…” – ông Thái bày tỏ./.

Theo Pháp Luật VN

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Danh sách thực phẩm tồi tệ làm phí công tập Gym của bạn (12/5)

Hà Nội: Chiếc điện thoại "tố" nơi ẩn nấp của kẻ sát nhân (12/5)

Cách phát hiện sớm ung thư dạ dày (11/5)

Tại sao khi uống rượu không nên ăn thịt (10/5)

2 người tâm thần đâm nhau chết ở bệnh viện (10/5)

Nam thanh niên giết bạn, giấu xác trong rừng cao su (10/5)

Xác định nguyên nhân ban đầu trẻ 2 tháng tử vong sau khi tiêm vaccine (10/5)

Trẻ 11 tuổi tử vong vì bị bệnh dại do mèo cào (10/5)

Uống gì vào buổi sáng để tốt cho sức khỏe? (6/5)