Tin tức khác

Khó bố trí đủ nguồn tiền tăng lương trong 1 - 2 năm tới

10 năm trước | 839

Kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng cao trong 1-2 năm tới nên khó bố trí đủ nguồn cho cải cách tiền lương, Chính phủ chưa trình Trung ương xem xét Đề án tiền lương. Tiền lương sẽ được điều chỉnh theo tình hình kinh tế - xã hội… 
Khó bố trí đủ nguồn tiền tăng lương trong 1 - 2 năm tới
Báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình thông tin nội dung mới nhất liên quan đến chính sách tinh giản biên chế.
Cụ thể, sau phiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 (tháng 11/2013), Bộ Nội vụ đã khảo sát, nắm tình hình thực tế ở một số địa phương. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định ngành đã bảo đảm thực hiện nguyên tắc giữ ổn định và không tăng biên chế từ nay đến năm 2016. Trường hợp thực sự cần thiết do thành lập tổ chức mới, việc tăng biên chế sẽ được xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Hiện tại, Bộ Nội vụ cũng đang chủ trì, tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 9/2014.
Lộ trình tăng lương thời gian qua đã bị ảnh hưởng bởi điều kiện kinh tế khó khăn.
Lộ trình tăng lương thời gian qua đã bị ảnh hưởng bởi điều kiện kinh tế khó khăn.
Về những đề nghị bổ sung biên chế công chức, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh, Bộ Nội vụ luôn căn cứ vào các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước như các kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, đưa ra chỉ đạo “thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, từ nay đến năm 2016 cơ bản không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị (trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc được giao thêm nhiệm vụ)”, “trường hợp có yêu cầu tăng thêm biên chế phải có đề án được các cơ quan chức năng thẩm định chặt chẽ”…
Theo ông Bình, Bộ Nội vụ cũng đã phối hợp với các cấp, các ngành tổng kết, đánh giá toàn diện, khách quan, minh bạch chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc đánh giá tập trung vào các khâu quy hoạch, chính sách tuyển dụng, tiêu chuẩn, chức danh cán bộ, công chức gắn với vị trí việc làm.
Bộ Nội vụ cũng tiến hành xác định yêu cầu về tiêu chuẩn, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực chạy việc, chạy chức, chạy quyền trong công tác quy hoạch tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.
Về việc chính sách tiền lương, phụ cấp công vụ, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, Bộ Nội vụ đã tham mưu, trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị việc thực hiện kết luận của Ban Chấp hành Trung ương về “một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”.
Theo đó, Bộ Nội vụ đã xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đến năm 2020, bao gồm các nội dung như mức lương cơ sở; quan hệ tiền lương thấp nhất - trung bình - tối đa; hệ thống thang, bảng, ngạch, bậc lương; các chế độ phụ cấp và cơ chế quản lý tiền lương.
“Tuy nhiên, do việc triển khai thực hiện các giải pháp tạo nguồn và đổi mới cơ chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội mới được gần 1 năm nên chưa có nhiều kết quả” – báo cáo của người đứng đầu Bộ Nội vụ nêu rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình giải thích, kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng cao trong 1-2 năm tới nên khó bố trí đủ nguồn cho cải cách tiền lương.
Vì vậy, theo ông Bình, Chính phủ sẽ trình Trung ương cụ thể về 3 Đề án tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công khi có đủ điều kiện vào thời điểm thích hợp để có thời gian triển khai có kết quả các giải pháp đã được Ban Chấp hành Trung ương thông qua. Trong thời gian Trung ương chưa thông qua Đề án, Chính phủ sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, khả năng thu ngân sách nhà nước để từng bước điều chỉnh tiền lương cho phù hợp.
 
Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ cho biết sẽ thực hiện Đề án, một số giải pháp mang tính đột phá đã được thí điểm hoặc đang triển khai áp dụng nhằm hướng tới mục tiêu là xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả. Cụ thể, các giải pháp đã áp dụng như thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo, quản lý; tuyển dụng công chức bằng hình thức thi trực tuyến; thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; phương pháp xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức.
Về cải cách tài chính công, Bộ Nội vụ đánh giá, nhìn chung cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động hơn trong việc triển khai kế hoạch sử dụng ngân sách, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức và người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

 Theo Dân trí

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Danh sách thực phẩm tồi tệ làm phí công tập Gym của bạn (12/5)

Hà Nội: Chiếc điện thoại "tố" nơi ẩn nấp của kẻ sát nhân (12/5)

Cách phát hiện sớm ung thư dạ dày (11/5)

Tại sao khi uống rượu không nên ăn thịt (10/5)

2 người tâm thần đâm nhau chết ở bệnh viện (10/5)

Nam thanh niên giết bạn, giấu xác trong rừng cao su (10/5)

Xác định nguyên nhân ban đầu trẻ 2 tháng tử vong sau khi tiêm vaccine (10/5)

Trẻ 11 tuổi tử vong vì bị bệnh dại do mèo cào (10/5)

Uống gì vào buổi sáng để tốt cho sức khỏe? (6/5)