Dù khó khăn, phức tạp bao nhiêu, Việt Nam cũng phải dốc hết sức lực, trí tuệ để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Đây là biện pháp đấu tranh đòi công lý trong hòa bình.
Từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 trên vùng biển chủ quyền Việt Nam đến nay, những gì diễn ra có thể tóm tắt như sau:
- Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan.
- Toàn thế giới lên tiếng ủng hộ Việt Nam, phản đối hành vi gây hấn của Trung Quốc.
- Nhân dân Việt Nam đoàn kết, thể hiện lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm.
- Chính phủ Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nhưng trên tinh thần hòa bình, hợp tác, hữu nghị, tôn trọng pháp luật quốc tế.
- Trung Quốc không có thiện chí rút lui mà ngày càng tỏ ra hung hãn, leo thang.
Trước tình hình như vậy, Việt Nam vẫn kiên nhẫn thuyết phục. Những hoạt động quyết liệt của kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam phát đi một thông điệp đến toàn thế giới rằng: Vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam. Đây không phải là thông điệp bằng một văn bản hay lời nói, mà bằng hành động chấp pháp.
Về phía Trung Quốc, họ tiếp tục tăng cường thêm tàu, máy bay ra khu vực hạ đặt giàn khoan để uy hiếp lực lượng chấp pháp của Việt Nam. Tàu của kiểm ngư, cảnh sát biển của Việt Nam ít và nhỏ hơn tàu của Trung Quốc nhiều lần, nhưng không lùi bước, đeo bám thực hiện công tác tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu về nước. Cộng đồng thế giới đã quan sát và thấy rõ Việt Nam kiên quyết đấu tranh, nhưng kiên trì thể hiện tinh thần hòa bình.
Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh, cho nên mang nỗi khát khao hòa bình hơn ai hết. Cộng đồng quốc tế còn nhớ rõ, ngày 27.9.2013 tại diễn đàn Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu với chủ đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo”. Thủ tướng kêu gọi gọi hòa bình bởi vì toàn nhân loại cần cuộc sống hạnh phúc, không phải chỉ riêng một ai, Thủ tướng nói: “Sinh mạng con người dù màu da nào cũng quý như nhau. Mạng sống của một con người bị cướp đi thì đối với một gia đình - dù ở ngay khuManhattan này hay ở nơi hẻo lánh nào đó trên trái đất - cũng đều là mất mát thương đau”. Cho nên, “Dù còn cơ hội nhỏ nhoi nhất về hòa bình chúng ta cũng tận dụng”.
Và ngay bây giờ, với chiếc giàn khoan xâm lược từ Trung Quốc, Việt Namvẫn tìm mọi cơ hội dù nhỏ nhất để tìm giữ gìn hòa bình.
Hòa bình cho nhân dân Việt Nam, cho nhân dân Trung Quốc, hòa bình cho cả khu vực, an toàn cho hàng hải quốc tế. Không thể tưởng tượng được những đoàn tàu chở hàng hóa, chở nhiên liệu đi qua biển Đông, gặp tên rơi đạn lạc, trở thành những chiếc hòm hỏa táng trên biển. Trong các đoàn tàu đó, có rất nhiều tàu của Trung Quốc.
Vì sự ổn định, an toàn trong khu vực, Việt Nam chọn lựa con đường đối thoại. Ngoài hoạt động ngoại giao, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đề xuất kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Tại cuộc tiếp xúc cử tri TPHCM ngày 16.5, có nhiều cử tri đặt vấn đề kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, chúng ta không loại trừ khả năng dùng biện pháp pháp lý, tuy nhiên phải xem xét lúc nào là cần thiết. Chủ tịch nước khẳng định: “Nếu tôi và anh cứ cãi nhau hoài mà không có kết quả thì đành phải dẫn nhau ra tòa”,
Cách giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế là sự thể hiện tinh thần hòa bình cao nhất, đồng thời cho thấy Việt Nam tôn trọng pháp luật quốc tế. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng để chứng minh chủ quyền của mình trên biển Đông. Việt Nam được thế giới ủng hộ, Việt Nam có chính nghĩa, Việt Nam sẽ chiến thắng.
Dù khó khăn, phức tạp bao nhiêu, Việt Nam cũng phải dốc hết sức lực, trí tuệ để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Đây là biện pháp đấu tranh đòi công lý trong hòa bình.
Theo Dân trí