Vụ án kỳ cục “đòi tiền công làm vợ” ở thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đang gây xôn xao dư luận. Qua hai phiên xét xử, người phụ nữ vẫn trước sau như một đòi chồng trả tiền “công làm vợ” tính từ ngày hai người dìu nhau ra thị trấn đăng ký kết hôn...
Mối tình sét đánh
Đó là vợ chồng bà Dương Thị Đinh Huyền (51 tuổi), ông Nguyễn Tình (69 tuổi). Một ngày đầu xuân năm 2000, ông Tình cưỡi chiếc xe đạp lang thang dạo chơi quanh quẩn rồi ghé vào quán tạp hoá nhà bà Huyền uống cà phê. Thấy ông khách tuổi trung niên vẻ mặt “hiền như cục đất”, bà Huyền đem lòng yêu mến. Ông Tình nhìn cô chủ quán chăm chỉ làm ăn, buôn bán một mình cũng thấy thương nên bắt chuyện đôi câu. Thăm hỏi nhau mới biết cả hai đều chung cảnh ngộ, “chàng” goá vợ, “nàng” “mồ côi” chồng. Từ đó, hai người đồng cảm với nhau.
Hai người con trai nhỏ của bà Huyền thấy ông Tình nghèo nhưng hiền lành, vui tính nên cũng rất quý. “Hai anh em nó thích chơi đùa với ông ấy. Nhìn ba người họ gần gũi, thân thiết như vậy, tôi cảm thấy vui lắm. Thiết nghĩ chồng mình qua đời vì bạo bệnh đã lâu, còn ông Tình cũng vừa mãn tang vợ, cả hai đều không vướng bận nên mới quyết định đi thêm bước nữa”- bà Huyền nhớ lại cái ngày “lưu luyến” ấy.
Cuối thu năm 2000, bà Huyền khăn gói rời căn nhà nhỏ của mình để về chung sống với ông Tình. Về làm dâu, bà Huyền yêu thương, chăm sóc mẹ chồng từng miếng ăn, giấc ngủ. Cụ Chừng (mẹ ông Tình) cũng rất mãn nguyện về cách đối xử và chăm sóc của nàng dâu mới. Trong ngôi nhà nhỏ gần ngã tư đường, bà Huyền kê mấy chiếc bàn ghế nhựa bán cà phê, giải khát, còn ông Tình sớm chiều bắt khách chạy xe ôm nhằm kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Hoàn cảnh gia đình tuy còn khó khăn nhưng nghĩa vợ, tình chồng tựa bát nước đầy.
Năm tháng trôi qua, dần dần những sóng gió cuộc đời khiến tình cảm đôi vợ chồng này bắt đầu xuất hiện dấu hiệu rạn nứt. Bà Huyền tâm sự, có lần hai người suýt nữa đã chia tay nhau vì dự án giải toả mở đường ngang qua ngôi nhà nhỏ cùng với ba ki ốt cạnh đó mà vợ chồng bà Huyền xây dựng để cho thuê.
Bà Huyền buồn tủi kể về chuyện vợ chồng mình.
“Ngày tôi về làm vợ ông Tình, tin lời ngon ngọt của ông ấy, tôi bỏ tiền ra sửa sang nhà cửa, ruộng vườn, nào ngờ ổng lại “cạn tàu ráo máng” trở mặt ngay, thường xuyên kiếm chuyện chửi bới, rồi cùng con ông ấy xua đuổi tôi ra khỏi nhà”, bà Huyền chia sẻ.
Tức chồng, bà Huyền khăn gói trở về nhà cũ. Đến năm 2005, ông Tình lại tìm đến năn nỉ, van xin bà Huyền quay về sống với mình, thề thốt không bao giờ hắt hủi bà nữa. Động lòng, bà lại về với ông Tình, nhưng để cho chắc chắn, bà buộc ông Tình làm giấy đăng ký kết hôn để được “danh chính ngôn thuận”. Hai người chính thức trở thành vợ chồng hợp pháp.
Đến bị “ sét đánh” vì tình
Người phụ nữ này cho biết, bà có người con trai út là anh Lê Minh Hùng và vài người cháu ruột (gọi bằng dì) sống bên Mỹ thường xuyên gửi tiền về. Số tiền này, bà Huyền mang về nhà chồng để xây dựng nhà cửa, ki ốt, ổn định cuộc sống vợ chồng.
“Thời gian làm vợ không có áp lực gì, ông ấy cũng không gây gổ gì với tôi. Sự việc chỉ xảy ra vào năm 2012 khi hai đứa con riêng của tôi không gặp may. Một đứa bên Mỹ không gửi tiền về cho tôi nữa, đứa ở nhà làm ăn giảm sút. Từ đó ông ấy thay đổi thái độ, lại bắt đầu kiếm chuyện, hành hung và đuổi tôi ra khỏi nhà. Con cái ông ấy cũng có nhà hết rồi, tôi cũng không tham lam tranh giành gì, không ngờ ông ấy lại thủ đoạn thế”, bà Huyền bức xúc.
Không chấp nhận với phán quyết của toà huyện, bà Huyền kháng cáo, yêu cầu ông Tình phải tính cho bà khoản tiền làm vợ trong thời gian chung sống với “giá” 100.000 đồng/ngày. Tại phiên xử phúc thẩm cuối tháng 10 vừa qua, bà Huyền vẫn một mực yêu cầu: “Ông Tình cũng bồi thường cho tôi mấy chục triệu nhưng chừng đó chưa đủ. Do ưng ông ấy nên tôi mới lấy. Khi lấy ông ấy, tôi đã giao nhà chồng cũ của tôi (đã mất) cho con trai nên nay tôi không về đó ở được.
Tôi yêu cầu ông Tình phải có nghĩa vụ lo nhà cửa mới cho tôi nhưng ông ấy không chịu. Do đó, tôi đề nghị Toà buộc ông ấy phải trả tiền “công” tôi đã làm vợ mỗi ngày là 100 ngàn đồng. Nếu không ưng ông ấy, giờ này tôi đã có… nhà lầu, xe hơi rồi”.
Mặc dù Hội đồng xét xử phải nhiều lần giải thích cho bà Huyền là pháp luật không có quy định tiền “công” làm vợ, hơn nữa vợ chồng là tình cảm, đạo nghĩa không thể quy ra tiền nhưng bà Huyền vẫn không đồng tình. Cho rằng việc yêu cầu chồng cũ phải trả “công” làm vợ là không hợp lý nên Toà án nhân dân tỉnh Bình Định đã bác kháng cáo của bà Huyền, tuyên y án sơ thẩm.
Theo Pháp Luật Việt Nam