Theo y học cổ truyền, những thực phẩm màu đen rất có lợi cho sức khoẻ, nhất là vào mùa Đông.
ThS. Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Đông y - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, màu đen là một trong năm loại màu cơ bản của Ngũ hành. Màu đen thuộc hành Thuỷ, đi vào thận tạng, ứng vớimùa đông. Thận là gốc rễ của nhân thể, chứa chân âm và chân dương, chỉ thích hợp với tích trữ mà không phát tiết. Thực phẩm màu đen vào thận, có tác dụng bồi bổ thận âm và thận dương.
Thực phẩm màu đen rất phong phú, như gạo tẻ đen, gạo nếp đen, đậu đen, vừng đen, ngô đen, cao lương đen, mộc nhĩ đen, gà đen... Các chế phẩm làm từ các nguyên liệu này cũng hết sức đa dạng đa dạng như trân châu đen (chế từ đậu đen), cháo ngô đen, rượu cao lương đen, miến gạo đen, nước giải khát gạo đen, cơm bát bảo gạo đen...
Gạo đen: Là một trong những lương thực quý, có chứa tới 17 axit amin và rất nhiều các khoáng chất như Fe, Ca, P, vitamin B1, B2, B6… Màu của gạo càng đậm, công hiệu của lớp sắc tố chống lão hoá càng mạnh. Ngoài ra, ăn gạo đen thường xuyên còn có tác dụng hỗ trợ giấc ngủ, trị bệnh chóng mặt, hoa mắt, thiếu máu, tóc bạc, đau mỏi eo… Gạo đen cũng có tác dụng trong việc bổ máu, giảm đau, chữa vết thương. Sản phụ ăn gạo đen cũng giúp cơ thể chóng hồi phục.
Đậu đen: Vị ngọt, tính bình, tác dụng nhuận tràng bổ huyết. Ăn nhiều đậu đen sẽ phòng được nhiều bệnh vào mùa Đông. Theo nhiều nghiên cứu, đậu đen rất giàu albumin thực vật, dịch nhày, axit amin không no, vitamin A, B1, B2, E, PP và rất nhiều canxi. Loại đậu này có tác dụng làm giảm cholesterol, làm mềm huyết quản, phòng chống đái tháo đường, loãng xương, béo phì, làm đẹp da và kéo dài tuổi thọ. Mùa đông có thể nấu chè đậu đen bằng cách cho đậu đen vào nồi áp suất , nấu khoảng 40 phút cho đậu thật mềm, hoặc làm bữa ăn phụ cho gia đình rất ấm áp lại bổ dưỡng.
Vừng đen: Từ xa xưa, vừng đen đã được tôn vinh là một loại thực phẩm cao cấp, có tác dụng cường thân và chống lão hóa. Theo y học cổ truyền, loại hạt này có tác dụng làm đẹp da và giúp tóc lâu bạc, bổ não, bổ can thận, nhiều sữa, chống bạc tóc và kéo dài tuổi thọ.
Mộc nhĩ đen có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, chống ngưng tập tiểu cầu, phòng chống tình trạng máu đông dẫn đến tắc động mạch, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, xơ cứng động mạch. Ngoài ra còn có tác dụng nhuận phế, làm sạch ruột và dạ dày, bổ âm ích vị, cải thiện vi tuần hoàn, giải độc, phòng chống ung thư và viêm hạch lympho.
Gà xương đen: Là giống gia cầm quý, có công dụng bổ can thận, ích khí huyết, dưỡng âm thoái nhiệt, thường dùng để chữa các chứng bệnh hư nhược, tiêu khát (đái tháo đường), đi tả lâu ngày do tì hư, lỵ lâu ngày, chán ăn, khí hư, di tinh, hoạt tinh, nóng âm ỉ trong xương, ra mồ hôi trộm, kinh nguyệt không đều... Dinh dưỡng học hiện đại cho rằng, gà xương đen có chứa 17 loại axit amin, giúp cơ thể tăng sức chịu đựng nóng, lạnh, chống mệt mỏi, nâng cao khả năng miễn dịch và làm chậm quá trình lão hoá.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, thịt gà đen phòng chống mệt mỏi, tăng cường khả năng chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu dưỡng khí, cải thiện công năng miễn dịch, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống võng mạc nội mô cũng như khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể.
Theo SKĐS