Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và phóng viên thường trú TTXVN tại các địa phương, từ ngày 3/9 đến nay, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa to, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng về người và tài sản.
Theo thống kê sơ bộ, mưa lũ đã làm 35 người chết, mất tích và bị thương tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Thái Nguyên; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng.
Tại Lào Cai, do mưa lớn kéo dài từ 17h đến 20h30’ ngày 4/9, thôn Can Hồ A, xã Bản Khoang, huyện Sa Pa đã xảy ra lũ quét đã làm 4 người chết, 10 người mất tích, 11 người bị thương và cuốn trôi 3 ô tô.
Khắc phục hậu quả trận lũ quét kinh hoàng ở Lào Cai (Ảnh: Ngọc Bằng)
Trước đó, từ ngày 3/9 đến ngày 4/9, trên một số tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ của Lào Cai đã xảy ra sạt lở lớn gây ách tắc giao thông, Tại quốc lộ 4D (huyện Mường Khương) sạt ta luy âm tại 2 vị trí, dài 50m, diện tích 45 m 2 ; quốc lộ 279 (xã Bảo Hà – Bảo Yên) bị lún sụt nền mặt đường tại vị trí K81+200, dài 100m, chiều sâu lún đứt đường 1m, hiện phát triển thêm, lún sâu hơn và sạt ta luy dương gây tắc đường; tỉnh lộ 157 bị sạt lở ta luy dương và tắc rãnh dọc tại 18 vị trí, khối lượng sạt lở 1.00m 3.
Đêm 3/9 đến ngày 4/9, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có mưa, có nơi mưa to đến rất to và giông đã làm sập 2 nhà liền kề nhau tại thôn Bản Trưởng, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh. Hậu quả đã làm 1 người chết và 2 người bị thương. Huyện Bắc Mê cũng bị thiệt hại 2,5 ha lúa mùa, 0,5 ha hoa màu bị cuốn trôi hoàn toàn; 7 đoạn đường giao thông liên xã bị sạt lở 1.200 m3 đất đá gây ách tắc giao thông; 6 con trâu bị sét đánh chết.
Sáng 4/9 trên địa bàn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có mưa rất to, nước lũ dồn về xã Bản Lang gây lũ quét đã làm 3 người chết gồm 1 giáo viên ở bản Xín Chải, xã Pa Vây Sử chết do sạt lở đất, 2 người dân xã Bản Lang bị lũ cuốn trôi và 1 người bị thương; 2 nhà bị sập, 1 nhà hư hỏng, 1 lán trại bị cuốn trôi; 8 công trình thủy lợi nhỏ bị vùi lấp đầu mối, gãy, nứt kênh; 100 ha lúa tại huyện Mường Tè bị ngập; 7ha ruộng lúa bị dập nát, vùi lấp; lũ cuốn trôi 138 con gia cầm; 19,5 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, cuốn trôi; sạt lở nhiều điểm trên tuyến đường giao thông các xã thuộc huyện Phong Thổ và Mường Tè.
Đêm 4 và ngày 5/9, tại 9 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Thái Nguyên có mưa lớn kéo dài gây ra 2 vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại hai huyện Đại Từ và Phú Lương làm 3 người chết. Vụ sạt lở đất thứ nhất xảy ra khoảng 8 giờ ngày 5/9 tại khu vực xóm Tân Thái, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương làm ông Nguyễn Văn Chương (sinh năm 1963) tử vong. Gia đình nạn nhân cho biết, một khối lượng đất lớn từ trên đồi chè đã bị sạt xuống một phần đất của gia đình ông Chương, lúc đó ông Chương đang ở gần khu vực đó. Người dân trong xóm đã tập trung đào bới và tìm kiếm. Khoảng 30 phút sau, thi thể nạn nhân được tìm thấy.
Vụ sạt lở đất thứ hai xảy ra vào khoảng 9 giờ 30 phút cùng ngày tại khu vực xóm Khuôn Thông, xã Phú Cường, huyện Đại Từ làm sập xưởng cơ khí của anh Trịnh Xuân Định. Hai người đang làm việc trong xưởng đã bị vùi lấp là anh Đinh Văn Quý (sinh năm 1985) và anh Đoàn Thanh Long (sinh năm 1982) đều là người dân địa phương. Chính quyền xã Phú Cường và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai của huyện Đại Từ đã huy động lực lượng đến hiện trường tìm kiếm, cứu hộ. Đến 11 giờ cùng ngày, thi thể của hai nạn nhân đã được tìm thấy. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nhà xưởng nằm ngay dưới chân quả đồi có ta luy cao trên 10m, khi mưa kéo dài đã gây sạt lở, vùi lấp nhà xưởng.
Tại huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn vào hồi 14h30 phút ngày 3/9, xảy ra sạt lở đất làm sập 1 nhà, 1 nhà xưởng và 4 gian nhà trọ bị sập đổ hoàn toàn. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại, khắc phục đời sống và ổn định sản xuất.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong ngày và đêm nay (5/9) ở Bắc bộ và các tỉnh Bắc Trung bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có giông. Trong cơn giông cần đề phòng có tố lốc và gió giật mạnh, vùng núi cần đề phòng có lũ quét và sạt lở đất. Đợt mưa này có khả năng kéo dài trong 1 – 2 ngày tới.
Do vậy, các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cần triển khai các biện pháp đối phó với mưa lớn, lũ quét. Tỉnh Bắc Giang cần tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều và triển khai các biện pháp đối phó với mưa, lũ.
Theo TTXVN