Các vũ công chuyển giới diện bikini say sưa nhảy nhót trong đám tang ở TP HCM. Đến cao trào, họ cởi áo ngực để người xem tha hồ sờ soạng.
Trời tối, trong khi nhiều gia đình đã lên giường đi ngủ thì tại một con hẻm ở quận 4, TP HCM tiếng cười nói vẫn rôm rả, tiếng vỗ tay, huýt sáo vang lên không ngớt. Nhìn vào ban đầu cứ tưởng đám cưới nhưng đây lại là cảnh tượng ở một đám tang, trong nhà linh cữu người chết được đặt bên ánh nến leo lét thì ở ngoài khách đến viếng lại say sưa ca hát nhảy múa cùng các vũ công pê đê.
"Và sau đây là mà trình diễn đặc sắc nhất trong đêm hôm nay... chương trình biểu diễn thời trang, đang được truyền hình trực tiếp trên kênh HT pê đê". Sau lời giới thiệu của MC, 4 người mẫu kiêm ca sĩ chuyển đổi giới tính trong trang phục váy ngắn đủ màu từ từ bước ra sân khấu.
Trong tiếng nhạc vũ trường xập xình inh ỏi, những "người mẫu pê đê" thân hình đẫy đà khêu gợi chẳng thua gì kiều nữ ưỡn ẹo trên sàn catwalk, trông khá chuyên nghiệp. Biểu diễn được vài phút họ tháo dần những mảnh vài đính hờ của chiếc váy cũn cỡn cho đến khi trang phục chỉ còn "hai mảnh". Tiếp theo sau đó là màn trình diễn múa lửa đầy kịch tính và khêu gợi của các "kiều nữ".
"Đã quá nữa đi, nữa đi em ơi!", tiếng la ó cổ vũ của người xem trong đêm khuya càng làm cho người mẫu diễn sung hơn. Không khí càng nóng khi có một khán giả ném "lựu đạn" (tiền vo tròn lại) lên sân khấu như một hình thức boa cho người mẫu. Thấy vậy, MC dẫn chương trình ra giá luôn "có anh nào muốn sờ hàng hông nè... 20.000 đồng hàng trên, 100.000 hàng dưới nha!". MC vừa dứt lời thì ở phía dưới vài đấng mày râu ngà ngà say bước lên sân khấu tay móc tiền boa, trong khi tay còn lại không quên sờ ngực người mẫu.
Đã gần nửa đêm, khán giả vẫn ngồi xem đông nghịt chất cứng lối ra vào nhà hiếu. Trong số khán giả có cả trẻ em được cha mẹ dắt theo xem cũng hùa theo nghịch ngợm và cổ vũ cho người mẫu. Mặc dù một số cụ già tỏ ra khó chịu nhưng với nhóm các bạn trẻ và các quý ông tuổi sồn sồn lại khá hào hứng với những màn trình diễn này bởi cho rằng "nó giúp mang lại niềm vui cho mọi người, xua tan bầu khí vốn u ám của đám tang".
Ngồi xem và cổ vũ nhiệt tình từ đầu chương trình, anh Hiếu ở quận 3 kể: "Như vậy đã ăn thua gì, ở chỗ khác khán giả cho nhiều tiền, pê đê còn cởi cả áo ngực luôn". Anh cho biết thỉnh thoảng ở đây là lại có những đám ma có thuê múa pê đê như thế giúp người dân được dịp "rửa mắt".
Một số người dân địa phương cho biết, trào lưu thuê người chuyển đổi giới tính biểu diễn ca nhạc trong đám tang phổ biến ở TP HCM khoảng 5 năm trở lại đây. Thời gian đầu, những "ca sĩ" này thường chỉ đến hát ở những đám tang của người quen bằng những bài ca vọng cổ, cải lương, cổ nhạc. Về sau các nhóm nhạc móc nối với các trại hòm để xin địa chỉ đến nhà hiếu "ngã giá", nếu tang gia đồng ý họ sẽ đến biểu diễn. Mỗi chương trình ca nhạc như thế có giá từ 3 đến 5 triệu đồng tùy vào số lượng người diễn và chất lượng các tiết mục.
Về vấn đề này, Đại đức Thích Phước Trí (chùa Bát Nhã, quận 3, TP HCM) cho biết ngay kế bên chùa cũng có nhiều gia chủ thuê "tạp kỹ pê đê" về biểu diễn mỗi khi có đám tang. Song theo thầy, đây là một hành vi phi văn hóa, phản cảm, "đi ngược lại truyền thống đám tang của người Việt Nam cũng như giáo lý nhà Phật".
Theo đúng những gì được dạy trong giáo lý đạo Phật, mỗi khi có người qua đời, gia đình nhà hiếu mời thầy về tụng kinh siêu độ. Không khí của lễ tang mang một bầu khí trầm buồn, chỉ có tiếng gõ mõ tụng kinh, tiếng khóc thương của người đến viếng. "Khi người chết đã nằm xuống thì người sống cần phải giữ sự trang nghiêm trước linh cữu. Hơn nữa gia đình nhà tang lúc này đang rất đau buồn nên cần sự tĩnh lặng hơn là sự huyên náo ồn ào", thầy Phước Trí nói.
Theo Ngoisao