Sau gần 15 năm biết và làm việc cùng, người viết bài này chắc chắn tin rằng khi nói như vậy, Giám định viên Ngô Hường Dũng – Phó Viện trưởng phụ trách chuyên môn Viện Pháp y Quốc gia không hề có chút “lên gân” hay “làm hàng” nào.
Bởi ông đã có 33 năm gắn bó thủy chung với nghề giám định pháp y phục vụ công lý, dù rằng cái nghề đó nghe thấy nhiều người đã rùng mình lảng xa và ngay chính bản thân ông cũng đã nhiều lần khốn khổ lao đao vì nó.
Người “có duyên” với những vụ án li kì
Không sai khi nói rằng Giám định viên (GĐV) Ngô Hường Dũng là một người có cơ duyên với nghề giám định pháp y (GĐPY), bởi ngay từ khi còn là sinh viên của Trường Đại học Y, ông đã là một trong số 11 sinh viên được nhà trường phân công học chuyên ngành Giải phẫu bệnh – Pháp y (cũng cần phải nói thêm rằng, 11 sinh viên ngày đó nay chỉ còn mỗi ông Dũng theo nghề).
Ra trường, ông đã gắn bó với nghề GĐPY từ năm 1982 đến nay và cơ duyên ấy tiếp tục theo ông để ông trở thành người “có duyên” với nhiều vụ án li kì. Có một vụ án dù xảy ra đã ngót nghét ba chục năm nhưng GĐV Ngô Hường Dũng vẫn không thể nào quên.
Đó là vụ án chồng giết vợ xảy ra ở Nam Sách – Hải Dương vào khoảng năm 1986-1987. Vụ án này li kì ở chỗ, tuy con gái mình bị giết nhưng cả họ nhà vợ đã nhất trí bảo vệ cho... thủ phạm giết con gái mình. Những người đàn bà trong họ nhà vợ đã đồng loạt lấy thân mình nằm úp sấp phủ kín ngôi mộ nạn nhân để ngăn việc khai quật tìm chứng cứ.
Đôi vợ chồng nạn nhân – thủ phạm đó vốn là một đôi vợ chồng hạnh phúc. Chồng là bộ đội công tác trên Hà Nội, tuần về một lần, vợ là nông dân chăm chỉ chất phác, ngoài việc đồng áng còn tích cực tham gia công tác xã hội ở Hội phụ nữ địa phương. Thế rồi người chồng có nhân tình ở chỗ làm và sau một thời gian đi lại họ quyết định sẽ cưới nhau, nhưng muốn vậy thì phải loại bỏ được người vợ hiện tại – cái “barie” lớn nhất ngăn trở cuộc hôn nhân vụng trộm này.
Người chồng nung nấu nghĩ cách, sau khi cân đi, tính lại anh ta thấy rằng chỉ có cách tốt nhất là giết vợ thì mới có thể toàn tâm, toàn ý đến được với nhân tình. Vừa hay lúc đó anh ta nhận được tin vợ ốm ở nhà. Anh ta vội vã về quê thăm vợ không quên cầm theo mấy vỉ thuốc ngủ. 15 viên thuốc ngủ Gardinan nghiền nhỏ đã được trộn vào bát cháo mà người chồng tận tay xúc từng thìa bón cho vợ.
Sau khi lo xong tang ma cho vợ, người chồng lên thành phố và ở lỳ trên đó với nhân tình không về nhà với lý do quá đau buồn, không muốn nhìn thấy những khung cảnh kỷ niệm. Thế nhưng, anh ta không hề biết rằng, những người phụ nữ sinh hoạt cùng người xấu số trong Hội Phụ nữ đã thấy nghi ngờ về cái chết của bạn mình. Họ làm đơn tố cáo và công an vào cuộc.
Thấy tội lỗi của mình có nguy cơ bị bại lộ, người chồng giở một chiêu bài khác. Anh tới gặp gia đình vợ và thú nhận do vô tình thiếu hiểu biết nên đã hại chết vợ khi cho vợ uống hơi nhiều thuốc ngủ vì thấy vợ kêu đau đầu. Anh ta nói với người nhà vợ rằng dù sao đây cũng là tội ngộ sát và phải đi tù, sẽ không ai nuôi con. Trúng kế, cả họ ngoại hứa sẽ bảo vệ anh con rể trước pháp luật.
“Trong ngày khai quật ngôi mộ người vợ, cả đoàn công tác chúng tôi không thể nào tiến hành công việc bởi tất cả những người đàn bà trong họ nhà vợ cùng đồng loạt nằm phủ kín lên ngôi mộ kêu khóc rinh trời. Giải thích thế nào cũng không được, đoàn công tác đành phải rút. Nhưng nếu kéo dài thời gian hơn nữa thì xác người vợ dưới mộ sẽ phân hủy, khó tìm ra chứng cứ nên chúng tôi quyết tâm kiểu gì cũng phải đối phó bằng được.
Lần sau xuống hiện trường, đoàn công tác đã huy động rất nhiều người đi cùng và cứ hai người xốc một người phụ nữ kéo ra xa để tiến hành khai quật mộ. Kết quả xét nghiệm não người vợ cho thấy, thành phần thuốc ngủ vượt liều lượng cho phép rất nhiều. Biết không thể chối cãi được nữa, người chồng đành cúi đầu nhận tội” – ông Ngô Hường Dũng kể.
Vụ án này cho đến giờ vẫn ám ảnh những người tham gia, để mỗi khi có dịp ngồi hàn huyên, họ lại nhắc lại và khẳng định với nhau rằng: “Tìm ra sự thật, phụng sự công lý là động lực quan trọng nhất để những GĐV pháp y vượt qua khó khăn, thử thách của nghề nghiệp”.
Về phần mình, trong 33 năm làm nghề, ông Ngô Hường Dũng đã tham gia giám định hàng nghìn vụ án với chất lượng giám định đạt kết quả cao. Ông nhiều lần nhận được Bằng khen của Bộ Y tế, Bộ Tư pháp vì những thành tích trong công việc của mình. Đặc biệt, là một bác sĩ nhưng ông đã sớm có thêm bằng Cử nhân Luật.
Lý do đi học luật của ông cũng thật đơn giản, vì “pháp y là y học của pháp luật, nên nếu người giám định hiểu luật thì sẽ giúp ích được rất nhiều”. Cũng nhờ sự yêu thích luật học này mà ông là người đầu tiên của Viện Pháp y Quốc gia có tên trong danh sách báo cáo viên pháp luật của Bộ Y tế.
Những giọt nước mắt đổ xuống vì nghề
GĐV pháp y cũng bình thường như rất nhiều người khác trong xã hội với những thang bậc xúc cảm yêu thương, trân trọng, đau buồn… Có khác chăng, vì theo đuổi một thứ nghề bị người đời ghê sợ, nên trong cuộc đời của không ít GĐV, những giọt nước mắt đã đổ xuống vì nghề. Cuộc đời GĐV Ngô Hường Dũng cũng không nằm ngoài “quy luật” ấy.
“Tôi và vợ tôi cùng nghề y. Ngày lấy nhau, nhìn gia cảnh nhà cô ấy khá giả hơn nhà mình, tôi đã chạnh lòng lo lắng cho cô ấy không chịu được khổ. Nhưng rồi tôi tin vào tình yêu và năng lực làm việc của mình. Nhưng, phải những ai trong nghề mới biết, công việc GĐPY luôn nghèo và những năm 80-90 của thế kỷ trước lại càng thê thảm hơn. GĐV pháp y đi công tác xa nhà mà quên mang theo tem gạo là coi như nhịn luôn.
Đến địa phương nào được người ta biết ơn biếu cho cân đường vàng sắp chảy nước, hộp sữa đặc quá hạn đã phồng lên mang về làm quà cho con là quý lắm. Điều kiện sống như thế khiến thằng đàn ông trong tôi luôn đè nặng nỗi mặc cảm, còn vợ tôi thì dằn vặt, khổ sở. Thế là chúng tôi xa nhau. Ngày ra tòa, tôi nhận nuôi đứa con trai thứ hai vừa bốn tuổi để vợ đỡ khổ. Sau đó là một thời gian dài hai bố con tôi quấn quýt nuôi nhau.
Một năm có 365 đêm thì chỉ trừ những đêm đi công tác xa nhà, còn không, lúc nào ngực áo tôi cũng ướt sũng nước do con trai thích ngủ trên ngực bố tè dầm. Nhưng cuộc đời vẫn còn ưu ái lắm với tôi khi gửi đến cho tôi người vợ thứ hai. Cô ấy đã là người mẹ đúng nghĩa của con tôi và người vợ biết thông cảm với nghề nghiệp của chồng…” – ông Dũng tâm sự.
Trong cuộc đời làm nghề của mình, ông Ngô Hường Dũng không bao giờ quên tri ân những người thầy đã dìu dắt và truyền động lực để ông vững chí bền gan theo nghề đến tận hôm nay. Năm 1984, khi là lính mới tò te vừa ra trường được hai năm, ông Dũng được phân công đi giám định một vụ án mạng ở Lương Sơn – Hòa Bình cùng với người thầy là PGS-TS Trần Văn Liễu, nguyên Viện trưởng Viện Y học tư pháp Trung ương (tiền thân của Viện Pháp y Quốc gia ngày nay).
Trời hôm đó nắng khủng khiếp, xung quanh lại toàn đồi trọc nên cái nóng càng dữ dội hơn. Giám định xong, trời đã gần trưa, vừa đói vừa khát, ông Dũng uống một hơi cạn cốc nước chè tươi và ngay sau đó đã bị say chè, người cứ xỉu đi, chân tay mềm nhũn không sao đứng lên nổi. Lúc đó, PGS-TS Trần Văn Liễu cũng đã rất mệt, vóc người lại nhỏ bé nhưng vẫn quyết tâm dìu học trò về vì khung cảnh xung quanh không một bóng cây, bóng người. Hai thầy trò một cao, một thấp, một to, một nhỏ đã dìu nhau đi bộ suốt chặng đường hơn một cây số đường đồi.
“Về đến nơi, nhìn mặt thầy đỏ bừng, thở dốc, cả chiếc áo đẫm mồ hôi mà trong lòng tôi trào lên sự biết ơn vô hạn. Đến nay tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ và làm việc cùng thầy. Tuổi già, thầy chắc đã quên cái trưa nắng Hòa Bình đó nhưng với tôi, đó là kỷ niệm để đời không bao giờ quên” – ông Dũng bồi hồi nhớ lại.
… Nghề GĐPY được nhiều người biết, nhưng số người thông cảm lại không nhiều. Người viết bài này, trong các chuyến công tác cùng các GĐV đã chứng kiến không ít lần cảnh tại các hiện trường xảy ra vụ án, chính quyền không dám bắt tay các GĐV, thậm chí mời ăn họ cũng cho GĐV ngồi một mâm riêng. Nhưng ông Ngô Hường Dũng cũng như những đồng nghiệp của mình không bao giờ lấy đó làm buồn, bởi họ luôn hiểu cái đích lớn nhất mà mình phục vụ. Đó là sự thật, là công lý!
Theo Pháp Luật Việt Nam