Cây bạch quả (do vỏ quả có màu trắng nõn) hay còn gọi là ngân hạnh, tên khoa học Ginkgo biloba L. Ginkgoaceae.
Cây bạch quả (do vỏ quả có màu trắng nõn) hay còn gọi là ngân hạnh, tên khoa học Ginkgo biloba L. Ginkgoaceae. Cây ngân hạnh từ lúc trồng đến khi cho quả phải mất 20 - 40 năm nên được người ta gọi là “cây cụ già”, “cây ông cháu” vì đời ông trồng cây, đời cháu ăn quả. Ngân hạnh giàu chất dinh dưỡng, có thể mang xào, làm mứt và các chế phẩm khác. Quả, hạt nhân, lá cây đều là những vị thuốc quý.
Bạch quả (ngân hạnh) rất giàu dinh dưỡng.
Trong “Bản thảo cương mục”, Lý Thời Trân triều đại nhà Minh từng viết: “Ngân hạnh ăn chín ấm phổi ích khí, trị ho hen, bớt đi tiểu nhiều, chữa bạch đới, ăn sống hạ đờm, tiêu độc sát trung...”. Trong Đông y, ngân hạnh thường được dùng điều trị hen phế quản, viêm phế quản mạn tính, lao phổi, đái dắt, di tinh, bạch đới...
Một số bài thuốc dùng ngân hạnh:
Đái són: ngân hạnh sao, mỗi tuổi 1 hạt, nhiều nhất không quá 7 hạt, bỏ vỏ cứng, giã nát. Mỗi sáng sớm hàng ngày uống với nước sữa đậu nành pha đường. Uống liên tục sẽ có tác dụng.
Đại tiện ra máu: ngân hạnh 15g đập vỡ, địa du 15g, cây dành dành 6g, sắc uống vào hai buổi sáng - chiều hàng ngày.
Bạch đới quá nhiều: nhân ngân hạnh sao 10 hạt, hạt bí đao 30g, sắc uống ngày 2 lần (sáng, chiều).
Ho hen nhiều đờm: ngân hạnh 9g đập vỡ, ma hoàng 6g, cam thảo 3g, khoản đông hoa 9g, sắc uống.
Di tinh: ngân hạnh 9g đập vỡ, phúc bồn tử 6g, khiếm thực 15g, tổ bọ ngựa 6g, sắc uống.
Váng đầu chóng mặt: ngân hạnh 3 hạt, cùi nhãn 8 quả, thiên ma 3g, ăn vào lúc đói buổi sáng.
Đầu mặt lở ngứa: ngân hạnh sống 10 hạt, giã nát bôi.
Theo SKĐS