Tin tức khác

Nghề đi đến tận cùng … cái chết

9 năm trước | 1236

 Không phải ai cũng có can đảm chứng kiến một buổi khám nghiệm tử thi từ đầu đến cuối. Sự can đảm của bác sĩ pháp y không chỉ dừng lại ở đó. Lòng can đảm còn thể hiện ở chỗ họ dám bảo vệ sự thật, dám đi đến tận cùng nguyên nhân của cái chết để nói thay người đã khuất rằng vì sao bị sát hại?
Nghề đi đến tận cùng … cái chết
 Công việc không dành cho người nhát gan
Trời nắng đổ lửa, từ Nha Trang vào thị xã Cam Ranh khoảng 60km, đoạn đường này không xa lạ gì với tôi nhưng hôm nay, ngồi trên xe của Trung tâm Pháp y tỉnh Khánh Hoà, phần vì nắng nóng, phần vì mùi hoá chất thoang thoảng, lại thêm tâm lý đi… mổ xác nên tôi có cảm giác xa vạn dặm. Bác sĩ, Giám định viên pháp y Phạm Xuân Thông – Giám đốc Trung tâm Pháp y cho biết nạn nhân của buổi khám nghiệm là nam, chết không rõ nguyên nhân, hiện trường ở trên núi cao, xác vẫn nguyên vẹn, có lẽ chết đã được 2 - 3 ngày.
Một giờ trưa, do hiện trường ở trên núi Hàm Rồng, thuộc địa phận phường Cam Lộc, thị xã Cam Ranh nên ô tô không thể lên được. Cả đoàn quyết định đi bộ. Từ nơi dừng xe đến nơi nạn nhân nằm gần 3km, đường lên vừa hẹp, lại toàn đá lởm chởm, cộng thêm cái nắng như thiêu đốt nên ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi. Đến nơi, qua báo cáo sơ bộ của công an sở tại, được biết nạn nhân là người địa phương, không có người thân thích, bị tâm thần, hàng ngày xuống thôn xóm xin gạo, muối, mắm của bà con rồi lên núi tự nấu cơm ăn. Sáng hôm ấy, có người lên thăm rẫy phát hiện anh ta đã chết. Vừa đến hiện trường, mọi người lập tức bắt tay vào công việc. Nạn nhân nằm cách chỗ đoàn nghỉ chân mấy chục mét, nơi có cây cối che phủ um tùm nên phải đến gần mới nhìn thấy xác. Nhìn tư thế nằm của người chết, tôi cảm nhận anh ta ra đi không thanh thản, đôi mắt mở to và hai bàn tay cố bấu vào đất như muốn níu kéo cuộc đời.
Sau khi tiến hành các thủ tục cần thiết, cuộc khám nghiệm pháp y bắt đầu. Đoàn pháp y có 3 người, bác sĩ Thông là người mổ chính, một người ghi chép và một người phụ mổ. Sau gần 3 tiếng đồng hồ “vật lộn” với … tử thi, cuộc khám nghiệm kết thúc. Nguyên nhân của cái chết đã được xác định, khiến mọi người cảm thấy nhẹ nhàng hơn: nạn nhân chết vì bệnh lý. Mọi suy luận, bàn tán, nghi ngờ của những người hiếu kỳ đã được giải quyết. Chính quyền địa phương và bà con thôn xóm góp tiền làm lễ mai táng cho nạn nhân.
Nghề pháp y là một nghề đặc biệt. Vì vậy, chỉ những con người đặc biệt có thần kinh thép mới làm nổi công việc này. Giám định viên Phạm Xuân Thông kể lại một kỷ niệm nhớ đời, cách đây 23 năm, sau khi nhận được tin báo máy bay rơi ở thung lũng Ô Kha huyện Khánh Sơn  đoàn công tác gồm các ban ngành của tỉnh lên đường. Ròng rã băng đèo, lội suối, vượt rừng cả ngày trời, đoàn mới đến được hiện trường. Lúc ấy, cảnh tượng ở hiện trường thật khủng khiếp: máy bay đứt làm mấy khúc, đầu một nơi, thân một nơi, người chết nằm la liệt. Từ khi máy bay rơi đến khi đoàn vào đến hiện trường đúng tuần lễ nên các xác chết bắt đầu phân huỷ trương sình, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nhìn cảnh ấy, ai cũng sợ  nhưng các bác sĩ pháp y quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ. Anh Thông tâm sự: “Hơn 3 ngày ăn ngủ với tử thi, đó là khoảng thời gian tôi không bao giờ quên được. Do ở trong rừng sâu, xa khu dân cư nên mọi thứ đều thiếu thốn. Lắm lúc mệt quá, mắt hoa lên, tay chân run lẩy bẩy, nhưng để có sức làm việc, anh em phải bắt buộc phải ăn uống ngay tại chỗ, bất chấp hình ảnh và mùi tử thi ở xung quanh”.
Pháp y là một công việc đòi hỏi vừa phải có kiến thức y học vừa phải có kiến thức pháp luật, dùng kiến thức y học phục vụ cho luật pháp. Tất cả các vụ việc có chết người, dù lớn hay nhỏ, vai trò của pháp y đều vô cùng cần thiết. Đơn cử như vụ việc dưới đây, tuy không to tát, chấn động dư luận nhưng thể hiện rõ vài trò của pháp y. Có hai vợ chồng người dân tộc thiểu số ở Cam Phước Đông (Cam Ranh), sau khi người vợ cho con bú, chồng bế ru con. Tự nhiên đứa trẻ “oe” lên một tiếng rồi tắt thở. Gia đình bên vợ cho rằng người chồng giết đứa bé. Người chồng thanh minh nhưng không ai nghe. Chỉ khi pháp y vào cuộc, mọi việc mới được làm sáng tỏ. Kết quả khám nghiệm cho biết đứa bé chết do bị sặc sữa. “Khi đã vào công việc, thực sự lúc đó tôi nghĩ đối diện với mình là một sinh linh. Tuy họ đã chết nhưng tôi vẫn trò chuyện được với họ, nghe được tâm sự của họ thông qua những biểu hiện trên cơ thể, từ đó hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của nạn nhân là cho mọi người biết vì sao họ chết. Vì vậy, tôi phải nói thật. Họ “nói” với tôi điều gì, tôi phải nói lại như thế!” - Giám định viên Phạm Xuân Thông tâm sự. 
 
 
Bác sỹ pháp y đang khám nghiệm thi thể một nạn nhân trong vụ trọng án
 
Nỗi niềm của người đặc biệt làm nghề đặc biệt
Sau những giờ làm việc căng thẳng với tử thi, sau những dặm đường trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt biển tìm đến xác chết, nói giùm nỗi niềm của người đã khuất, những giám định viên pháp y lại trở về với cuộc sống thường nhật của mình. Họ cũng có gia đình, có tổ ấm riêng. Họ hạnh phúc với những gì mình đang có. PGS. TS Trần Văn Liễu nguyên Viện trưởng Viện Y học tư pháp trung ương, nay là Chủ tịch Hội Pháp y học Việt Nam bộc bạch: “Nếu không có sự cảm thông, chia sẻ của hậu phương, chúng tôi không thể toàn tâm, toàn ý tập trung vào nhiệm vụ. Gia đình đối với chúng tôi là chỗ dựa tinh thần quan trọng. Sự thông cảm, chia sẻ của bạn đời ấy là động lực để chúng tôi tiếp tục công tác”.
Còn Giám định viên Phạm Xuân Thông thì kể: “Hôm khám nghiệm ở Ô Kha về, vừa bước chân vào nhà, mọi người bịt mũi chạy tán loạn vì mùi của tử thi bám sâu trong quần áo, da thịt. Ba ngày sống với xác rồi sau đó tôi phải thêm 7 ngày ở một mình để…tắm đi tắm lại bằng đủ loại dầu thơm. Với một ông chồng như vậy, nếu người vợ không hiểu, không thông cảm thì khó có thể hình dung chuyện gì sẽ xảy ra”.
Can đảm là thế, dũng cảm là thế, nhưng có mấy ai hiểu được trong lòng những người nói tiếng nói của người chết luôn canh cánh nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền … Cùng là bác sĩ nhưng trong khi bác sĩ khác ở các cơ sở điều trị có thể mở phòng mạch tư để khám thêm ngoài giờ thì bác sĩ pháp y chỉ trông chờ vào đồng lương Nhà nước. Nghề pháp y là một trong những nghề hết sức độc hại nhưng chế độ chính sách giành cho họ tuy đã cải thiện rất nhiều trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý. Nhưng họ đã vượt qua tất cả chỉ vì “nhìn cảnh nạn nhân chết bờ,chết bụi hay bị sát hại dã man, tôi rất bức xúc và phẫn nộ. Vì vậy, tôi tự hứa với chính mình bằng mọi cách phải tìm cho ra nguyên nhân của cái chết để vạch trần tội ác của kẻ sát nhân, để người xấu số được phần nào thanh thản” – như lời tâm sự rất thật của Giám định viên Phạm Xuân Thông.
 
 
Chia sẻ kinh nghiệm giám định pháp y khu vực phía Nam
 


Sáng qua-10/8, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giám định pháp y do Viện Pháp y Quốc gia chủ trì đã diễn ra tại TP.Buon Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Tới dự buổi hội thảo có lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk cùng đông đảo cán bộ, giám định viên các Trung tâm Pháp y các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào). Về phía Viện Pháp y Quốc gia có Bác sĩ, Giám định viên Phạm Xuân Toàn - Viện trưởng; lãnh đạo Viện Pháp y quân đội và Công an cũng có mặt. 

Trong chương trình làm việc cả ngày 10/8, dưới sự chủ trì của Viện trưởng Phạm Xuân Toàn, hội thảo đã dành nhiều thời gian chia sẻ kinh nghiệm pháp y trong thời gian qua. Nhiều kiến nghị, đề xuất của các địa phương như Bình Dương, Khánh Hoà, Đà Nẵng, An Giang...về sắc phục riêng cho cán bộ, giám định viên hay những vướng mắc đang tồn tại đối với Thông tư 20 đã được giải đáp và trao đổi… Trên tinh thần thẳng thắn, khách quan, hội thảo đã diễn ra sôi nổi, nhiều đóng góp được đánh giá cao, tích cực để góp phần hoàn thiện công tác pháp y trong thời gian tới. Viện trưởng Phạm Xuân Toàn nhấn mạnh: "Hội thảo là dịp hiếm có để các đơn vị chia sẻ, giao lưu với nhau để công tác giám định pháp y tại các địa phương đạt hiệu quả ngày càng cao". 

Theo Pháp Luật Việt Nam

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Danh sách thực phẩm tồi tệ làm phí công tập Gym của bạn (12/5)

Hà Nội: Chiếc điện thoại "tố" nơi ẩn nấp của kẻ sát nhân (12/5)

Cách phát hiện sớm ung thư dạ dày (11/5)

Tại sao khi uống rượu không nên ăn thịt (10/5)

2 người tâm thần đâm nhau chết ở bệnh viện (10/5)

Nam thanh niên giết bạn, giấu xác trong rừng cao su (10/5)

Xác định nguyên nhân ban đầu trẻ 2 tháng tử vong sau khi tiêm vaccine (10/5)

Trẻ 11 tuổi tử vong vì bị bệnh dại do mèo cào (10/5)

Uống gì vào buổi sáng để tốt cho sức khỏe? (6/5)