“Một con đò sang ngang/ ôi lòng thầy mênh mang/ cho em biết yêu cánh cò trong câu ca dao/ cho em biết yêu bông trắng, ăn cơm vàng của cô Tấm ngoan…”- Mỗi chúng ta đều lớn lên từ những giai điệu thân thương chất chứa bài học làm Người từ đó…
Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày để mỗi chúng ta nhớ về thầy cô của mình. Cuộc sống bộn bề với những lo toan mưu sinh đôi khi cuốn chúng ta đi, đôi khi khiến chúng ta đánh rơi mất niềm thương nhớ, biết ơn với những người đã dìu dắt ta nên người. Dù tất thảy chúng ta, ai cũng lớn lên bằng tình thương yêu, bằng những “chuyến đò” chèo lái không mệt mỏi của các thầy cô giáo. Nhưng có khi, gặp nhau vội vã giữa đời thường, câu cửa miệng thường là, “lâu lắm không gặp thầy”, “lâu lắm không gặp cô”…
Ngày nhà giáo Việt Nam, là ngày để mỗi chúng ta, dù có thể chỉ trong ký ức, dù có thể chỉ bằng tấm lòng, nhớ về những người thầy, người cô- đã dìu dắt ta lớn lên.
Có những giai điệu gắn bó với chúng ta từ những ngày đầu tiên đi học. Lớn lên cùng ta. Chất chứa đầy những kỷ niệm của thời đi học, chất chứa đầy những nỗi nhớ thầy cô như thế.
Bài hát Đi học
Có lẽ, ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng ca khúc này từ thơ ấu. “Hôm qua em đến trường/ Mẹ dắt tay từng bước/ Hôm nay mẹ lên nương/ Một mình em tới lớp…”- Bài hát là câu chuyện thân thương của em bé những ngày đầu đi học. “Cô giáo em tre trẻ/ Dạy em hát rất hay/ Hương rừng thơm đồi vắng/ Nước suối trong thầm thì”…
Bài hát được nhạc sỹ Bùi Đình Thảo sáng tác dựa trên những vần thơ của nhà thơ Hoàng Minh Chính. Được biết, nhà thơ Hoàng Minh Chính sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ. Ông sáng tác bài thơ này để tặng cho mối tình đầu của mình là một cô giáo. Sau khi nhà thơ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, mối tình đầu của ông vẫn tiếp tục sự nghiệp trồng người của mình. Cô giáo ấy sau này tham gia giảng dạy ở trường PTTH Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), đã hát bài “Đi học” cho học sinh của mình nghe với nhiều xúc động…
Bài hát có ca từ thân thương, gần gũi và giản dị. Ngay khi được phổ nhạc, bài hát được đông đảo khán giả thuộc nhiều thế hệ yêu thích.
Bài hát Bụi phấn
Ca khúc Bụi phấn được nhạc sỹ Vũ Hoàng phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của tác giả Lê Văn Lộc. Có nguồn thông tin cho rằng, ca khúc Bụi phấn ra đời từ năm 1982. Trải qua hơn ba thập niên nhưng ca khúc thiếu nhi quen thuộc này vẫn làm lay động hàng triệu trái tim các thầy cô giáo và học trò.
Hình ảnh người thầy hiện lên qua ca khúc thật đẹp và cảm động, với niềm lao động say mê khi giảng bài: “Khi Thầy viết bảng/ Bụi phấn rơi rơi/ Có hạt bụi nào/ Rơi trên bục giảng/Có hạt bụi nào/ Vương trên tóc Thầy…”
Nhạc sỹ Vũ Hoàng cũng như nhà thơ Lê Văn Lộc đã nói hộ tấm lòng của biết bao lớp học trò đối với công lao vất vả của thầy cô giáo đối với họ:“Em yêu phút giây này/ Thầy em, tóc như bạc thêm/Bạc thêm vì bụi phấn/Đã cho em bài học hay. Mai sau lớn, nên người/ Làm sao có thể nào quên ? Ngày xưa Thầy dạy dỗ/ Khi em tuổi còn thơ.”
Với giai điệu mượt mà, tha thiết, ca từ trong sáng và thành kính; hai tác giả đã tôn vinh nghề dạy học nói chung và bày tỏ lòng biết ơn đối với các thầy cô nói riêng. Từng thế hệ học trò bắt đầu cắp sách tới trường, lớn lên và trưởng thành, ai cũng thuộc ca khúc này và thường hát tặng thầy cô vào những dịp kỷ niệm như 20/11…
Bài hát Khi tóc thầy bạc
Khi tóc thầy bạc là sáng tác của NSƯT Trung Đức- “cha đẻ” của chương trình Những bông hoa nhỏ nổi tiếng một thời. Ca khúc về đề tài thầy cô này cũng lọt top “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20”.
Theo lời NSƯT Trung Đức, ông sáng tác ca khúc này vào những năm cùng gia đình tản cư vào vùng Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Người thầy đáng kính của ông là thầy Nguyễn Đăng Ninh, người có tầm định hướng và hiểu biết uyên thâm. Thầy cũng là người đã khuyến khích tác giả rất nhiều, nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho ông phát huy khả năng…
Khi bạn bè là nhạc sỹ đề nghị muốn NSƯT Trung Đức viết về một hình ảnh người thầy, để tôn vinh Người giáo viên nhân dân, thì ông đã nhớ tới hình ảnh người thầy năm xưa và đã viết ca khúc Khi tóc thầy bạc: “Khi tóc thầy bạc, tóc em vẫn còn xanh/ Khi tóc thầy bạc trắng, chúng em đã khôn lớn rồi...
Lời ca khúc giản dị mà chan chứa tình cảm, đi vào lòng người bao năm tháng vẫn rưng rưng niềm xúc động: “Một con đò sang ngang, ôi lòng thầy mênh mang/ Cho em biết yêu cánh cò trong câu ca dao/ Cho em biết yêu bông trắng, ăn cơm vàng của cô Tấm ngoan/ Và cho em yêu ai hai sương một nắng để làm nên lúa vàng/ Bài học làm người em vẫn nhớ ghi: Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”.
Theo Dân trí