Tổ quốc gọi tên mình
Tốt nghiệp phổ thông năm 1975, Phạm Xuân Toàn đăng ký dự thi vào Trường Đại học Y Hà Nội và đỗ với số điểm khá cao. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, do công tác điều tra, xét xử phạm vi cả nước đòi hỏi, công tác giám định Y pháp phải đáp ứng, Trường Đại học Y khoa Hà Nội thành lập tổ Y pháp trong bộ môn Giải phẫu bệnh (sau này đổi tên thành Bộ môn Y pháp). Phạm Xuân Toàn là một trong những sinh viên hiếm hoi trong nhà trường được đào tạo chuyên môn này.
Trong suốt 6 năm học dưới ngôi trường Y, Phạm Xuân Toàn luôn thể hiện khả năng học tập xuất sắc, đi đầu trong nghiên cứu khoa học của khoa. Năm 1981, tốt nghiệp đại học với thành tích cao, anh được tuyển chọn phục vụ trong Quân đội - làm bác sĩ quân y tại Đội Điều trị Quân khu I.
Tổ quốc cần, chàng trai - bác sĩ trẻ Phạm Xuân Toàn đã không nề hà, mà còn sẵn sàng xông pha với tất cả sự hãnh diện tự hào. Đây cũng là thời kỳ nhiều trải nghiệm của anh. Đó không chỉ là những ngày tháng anh phải đối đầu với nhiều thách thức trong nghề nghiệp mà đó còn là những ngày để lại trong anh nhiều nỗi đau và những ám ảnh không bao giờ quên.
Những ngày đó, trái tim non trẻ đầy nhiệt huyết của bác sĩ Phạm Xuân Toàn đau như ai cắt trước sự sống còn của đồng đội. Nhưng những nỗi đau và sự giằng xé của thời kỳ này không làm anh nhụt chí mà trái lại, nó lại hun đúc trong anh một sự quyết tâm sắt đá lạ kỳ trong công việc cứu người.
“Ngày ấy, phương tiện, dụng cụ phẫu thuật vô cùng thiếu thốn và thô sơ, nhiều khi các bác sĩ phải dùng nước muối để sát trùng vết thương. Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng không một bác sĩ mặc áo lính nào chùn bước. Tôi vẫn luôn cảm ơn môi trường quân ngũ đầy tính kỷ cương đã rèn cho tôi tính kỷ luật, tôi luyện ý chí và trau dồi ý thức trách nhiệm với công việc”, bác sĩ Toàn tự hào.
Cuối tháng 12/1984 bác sĩ Phạm Xuân Toàn được phân công về làm việc tại Trung tâm Pháp y tỉnh Hà Nam. Thời điểm đó, nghề giám định viên pháp y vẫn còn mới mẻ, ít người biết tới. Sau 21 năm gắn bó với Trung tâm Pháp y tỉnh Hà Nam trên cương vị Giám định viên trưởng, năm 2005, anh được Bộ y tế điều chuyển công tác về Viện Pháp y Quốc gia và hiện đang là Phó Viện trưởng phụ trách. Nỗ lực trong chuyên môn, bác sĩ Toàn liên tục đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, nhiều năm liền được Bộ y tế và Bộ Tư pháp tặng Bằng khen.
Cống hiến hết mình cho sự nghiệp, nhưng khi chúng tôi có nhã ý viết về anh, anh lắc đầu từ chối: “Một cây làm chẳng nên non. Không có ai một mình mà làm nên chuyện. Thành quả là của một tập thể, của những con người cùng chí hướng”. Ba lần đề nghị thì cả ba lần anh đều lắc đầu và nhấn mạnh như vậy. Lần cuối cùng anh miễn cưỡng: đồng chí viết cũng được nhưng phải quán triệt: công sức là của tất cả mọi người, thành quả đạt được là phần thưởng cho cả một tập thể!
Vượt bao “cửa ải” để đi trọn với nghề
Hơn 30 năm gắn bó với nghề pháp y, bác sĩ Phạm Xuân Toàn không nhớ nổi đã thực hiện bao nhiêu vụ khám nghiệm tử thi. Nhưng có nhiều vụ việc vẫn lưu giữ trong anh bởi tính chất, đặc thù. Lần giám định trường hợp người đàn ông trung niên tử vong giữa đồng không mông quạnh và lạnh thấu xương khiến anh nhớ mãi. Khi có trưng cầu giám định pháp y, bỏ dở bữa cơm, anh lập tức lên đường.
Theo lời của anh hàng xóm đi cùng, trước đó người đàn ông trên được anh này mời đi uống bia. Trên đường về, người đàn ông nọ có xuống bãi ruộng đi vệ sinh, tự nhiên ngã gục xuống và đã tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Ban đầu gia đình người chết cho rằng người thân của họ bị cảm, đã làm thủ tục để mai táng, nhưng khi lau rửa thi thể thấy bọt và máu trào ra miệng nên nghi ngờ. Qua công tác khám nghiệm, bác sĩ Toàn nhận thấy trên người nạn nhân có rất nhiều thương tích kín, anh đã đưa ra kết luận nạn nhân tử vong do ngoại lực tác động. Kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, kết luận cũng đúng như anh khẳng định ban đầu.
Với những chứng cứ không thể chối cãi, người hàng xóm nọ đã phải cúi đầu nhận tội trước cơ quan điều tra. Anh ta khai nhận, do trước đó, nạn nhân đã đốt đống rơm của chị gái anh ta, hai bên xảy ra cãi vã nên anh này nảy sinh kế hoạch trả thù. Từ vụ việc này, bác sĩ Toàn càng tự nhủ phải cẩn trọng, chính xác trong công việc vì đây là lĩnh vực không được phép rút kinh nghiệm vì chỉ cần một lần sai sót là dẫn đến làm sai lệch sự việc, tính chất vụ án.
Anh Toàn cho rằng, nghề giám định viên pháp y là nghề nguy hiểm, luôn tiềm ẩn phức tạp, rủi ro, nếu không có bản lĩnh vững vàng rất dễ bị dao động, nhụt ý chí. “Khi giám định một trường hợp tổn hại sức khỏe, bên bị hại luôn muốn làm tăng thương, giả bệnh còn bên bị can thì luôn muốn tỷ lệ giảm đi để giảm thiểu trách nhiệm hình sự. Chính vì vậy, bản lĩnh của giám định viên pháp y phải rất vững, tính trung thực cao. Sẽ luôn đầy rẫy mua chuộc. Giám định viên không tinh tường có thể làm oan sai. Nếu cứ coi đó là tổn thương thực sẽ làm cho kết quả giám định không đúng với thực tế”, anh Toàn nói.
Xét ở góc độ tâm linh, việc khám nghiệm tử thi là thay người chết nói lên lẽ phải, thay người chết tố giác tội phạm. Tuy nhiên, để vạch trần bộ mặt của kẻ phạm tội, bác sĩ Toàn cùng các đồng nghiệp của mình đã phải đánh đổi nhiều công sức, trí tuệ, thậm chí cả sức khoẻ của bản thân. Ví dụ một ca khai quật tử thi, tiền thù lao từ 80 đến 150.000 đồng nhưng độc hại thì... khó kể, nhất là nguy cơ phơi nhiễm các vi sinh vật độc hại. Với những ca mới chết, việc khám nghiệm tử thi tương đối thuận tiện. Còn với những ca chết lâu ngày, thi thể phân hủy, mùi tử khí rất kinh khủng, việc giám định cũng mất thời gian và phức tạp hơn.
Đặc thù nghề nghiệp nên gần như họ không có thời gian, địa điểm làm việc cố định. Có năm 27 Tết, trời rét như cắt, vừa nghe thông báo có một phụ nữ chết ở khe suối với cái túi du lịch, đoàn bác sĩ pháp y của Viện Pháp y Quốc gia lại lên đường. Đến đoạn núi giữa tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa mọi người trèo đèo cả chục km. Trời rét căm căm nhưng mồ hôi rơi lã chã, cởi áo khoác rồi đến áo sơ mi, chỉ còn chiếc may ô mỏng, họ phăng phăng đi vào hiện trường.
Không ít lần các anh đi một chuyến xe, cười nói vui vẻ nhưng lúc về, cũng chuyến xe ấy, bạn đi cùng ai cũng ngại ngồi gần các giám định viên. Mùi tử thi ám ảnh, ngăn cách... gây nên chứng “bệnh” độc hại về tâm lý còn khó xử hơn. Có bác sĩ, giám định viên của Viện, nhiều năm công tác rồi, vợ con, hàng xóm cũng chỉ biết anh là bác sĩ chứ không dám hé lộ phần công việc khó khăn ấy.
Để đi trọn với nghề, bác sĩ Toàn cũng phải trải qua không ít “cửa ải”: nỗi sợ hãi của bản thân, áp lực nghề nghiệp, sự phản đối của người thân... “Ngày xưa đi lấy vợ cũng vất vả lắm. Nghe nói mình làm nghề pháp y, đằng ngoại phản đối vì sợ. Cũng phải thuyết phục mãi mới được đấy. Quan trọng là mình thấy được trách nhiệm của bản thân với ngành nghề đã chọn để vượt qua những rào cản tâm lý, những khó khăn trắc trở và hoàn thành tốt nhiệm vụ”, bác sĩ Toàn vui vẻ chia sẻ.
Khao khát sẻ chia kinh nghiệm
Bên cạnh công việc giám định pháp y, bác sĩ Phạm Xuân Toàn còn một niềm đam mê rất lớn là giảng dạy và nghiên cứu. Anh tham gia các khóa đào tạo học viên ở Viện Pháp y Quốc gia, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các bác sĩ pháp y ở các tỉnh thành. Điều đặc biệt ở người thầy giáo cũng là giám định viên pháp y này là, anh đi dạy xuất phát từ khao khát muốn sẻ chia kinh nghiệm. Nên không lạ khi anh luôn tâm niệm: Khi dạy phải truyền đạt kiến thức bằng trách nhiệm của người thầy thuốc, và phải luôn nghĩ rằng khi mình đi dạy cũng chính là lúc mình đi học. Thế nên, với anh, lớp học không chỉ là nơi để ghi chép mà đó là phải là những buổi thảo luận để chia sẻ kinh nghiệm.
Nói về thực trạng đào tạo ngành pháp y ở nước ta, bác sĩ Toàn trăn trở: “Hiện tại, toàn quốc có 20 Đại học Y và Y dược, nhiều trường cao đẳng nhưng chỉ duy nhất có trường Đại học Y Hà Nội là có Bộ môn Y pháp. Và hầu hết các sinh viên ngành Y đều “tránh” để khỏi phải vào ngành này. Người ta cứ nghĩ đến pháp y là nghĩ đến mổ xác. Từ quan niệm xã hội đó, nhiều người không bao giờ cho con đi học nghề pháp y. Chính vì thế, chuyên ngành này là chuyên ngành khó tuyển thí sinh”.
Phó Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia cho biết, pháp y hiện đang là 1 trong 5 chuyên ngành khó tuyển của Y (gồm lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y). Riêng Viện Pháp y Quốc gia không năm nào tuyển đủ biên chế mà Bộ Y tế giao cho. Có năm, Viện không tuyển được ai, có người tuyển được đúng 1 ngày rồi bỏ việc.
Theo bác sĩ Toàn, nguyên nhân chính của tình trạng trạng trên là do nghề giám định viên pháp y chưa được xã hội coi trọng, hay nói đúng hơn là tầm quan trọng của nó đối với xã hội chưa được đánh giá đúng mức. Bên cạnh đó nếu nói về tiêu chí “ngành nghề thu hút”, thì Y pháp có thể bị coi là “cuối bảng” bởi chế độ đãi ngộ, phụ cấp độc hại thấp, chưa được hưởng thâm niên và khó có cơ hội kiếm thêm thu nhập như các chuyên ngành y khác.
“Nghề pháp y đã mang theo cái “nghiệp” lớn với những ai đã, đang và sẽ gắn bó với nó. Công việc vất vả và chịu nhiều thiệt thòi nhưng hơn 30 năm gắn bó với nghề, tôi càng thêm yêu nghề. Tôi vẫn tin rằng mọi người sẽ nhận ra sự cần thiết và ý nghĩa của nghề này, để từ đó cảm thông với công việc của chúng tôi và sẽ có thêm nhiều sinh viên ngành y lựa chọn nghề bác sĩ pháp y”, bác sĩ Phạm Xuân Toàn tâm sự.