Một phiên tòa có đủ sự căm phẫn, có sự đau đớn xót xa, có sự hối hận dẫu muộn mằn và hơn cả là tình người đầy lòng vị tha trắc ẩn.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Phiên tòa xét xử vụ án giết người kéo dài trong hai ngày 15-16/4/2013 tại trụ sở TAND tỉnh Nghệ An đông nghịt người. 16 bị cáo cúi đầu trước vành móng ngựa, hầu hết đều rất trẻ, có tới 15 bị cáo thuộc thế hệ 9X, trong đó có 2 bị cáo vào thời điểm gây án chưa đầy 15 tuổi. Trong số 16 bị cáo chỉ một vài người học hết lớp 12, số còn lại lẹt đẹt lớp 7, lớp 8, thậm chí có bị cáo hoàn toàn mù chữ. Tất cả các bị cáo đứng trước vành móng ngựa kia đều là con em ngư dân của xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An).
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Nghệ An, do bị thanh niên xã Quỳnh Lộc đánh nên tối ngày 18/7/2013, Nguyễn Văn Huy (SN 1996, trú tại xã Quỳnh Lập) rủ Nguyễn Văn Ân (SN 1998), Nguyễn Đình Thế (SN 1997), Nguyễn Văn Hoàn (SN 1994), Nguyễn Văn Hà (SN 1996), Nguyễn Văn Tuấn (SN 1996) xuống bãi biển xóm Đồng Mý (xã Quỳnh Lập) tìm thanh niên xã Quỳnh Lộc để đánh. Cả bọn hưởng ứng.
Sau đó, Huy gọi điện cho Nguyễn Đình Long (SN 1995) báo tại bãi biển Đồng Mý có nhóm thanh niên xã Quỳnh Lộc và bảo xuống đánh. Nguyễn Đình Long cùng Nguyễn Đình Vũ (SN 1995), Nguyễn Thế Anh (SN 1995), Cao Văn Tới (SN 1995), Nguyễn Văn Lộc (SN 1994), Nguyễn Văn Chung (SN 1991), Trần Văn Hiến (SN 1993), Nguyễn Văn Cương (SN 1996), Nguyễn Văn Thanh (SN 1993), Lê Hữu Hùng (SN 1998) chạy xe máy xuống địa điểm mà Huy đã nói.
Cả bọn mang theo dao cùng gậy gộc xuống bãi biển Đồng Mý. Khi xuống tới nơi, thấy có 2 nhóm thanh niên đang ngồi chơi trên bãi biển. Nhóm thứ nhất, cả bọn không quen nên đã đe dọa khiến nhóm này sợ bỏ đi. Nhóm thứ 2 gồm 8 người, sau khi xác định có 3 thanh niên xã Quỳnh Lộc gồm anh Nguyễn Văn Tuất, Nguyễn Văn Yên, Hồ Sỹ Thưởng, các đối tượng Long, Hiến, Hùng, Hà, Ân và Thế tiến lại.
Sau khi hỏi và biết anh Tuất ở Quỳnh Lộc, Nguyễn Đình Long liền dùng chân đá vào lưng ăn Tuất. Nguyễn Đình Thế và Lê Hữu Hùng dùng gậy bạch đàn đánh vào vai một người trong nhóm của Tuất. Bị đánh, nhóm của Tuất bỏ chạy tán loạn. Nhóm của Long chia nhau đuổi theo.
Bị cáo Nguyễn Văn Huy là người khởi xướng vụ việc và phải lĩnh 6 năm tù giam
Anh Tuất chạy sau cùng nên đã bị Nguyễn Đình Thế đuổi kịp, dùng gậy đánh vào lưng, vai. Nguyễn Văn Ân đuổi kịp cũng dùng gậy đánh vào tay, đầu anh Tuất. Bị đánh đau nhưng anh Tuất vẫn cố gắng chạy. Khi chạy được một đoạn thì nạn nhân ngã xuống bất tỉnh.
Thấy anh Tuất bất tỉnh, một số người bạn đưa nạn nhân lên xe để đưa đi cấp cứu nhưng bị Nguyễn Thế Anh và Trần Văn Hiến chặn lại không cho đưa đi. Tuy nhiên, thấy nạn nhân bị đánh bị thương nặng, Nguyễn Văn Huy và Nguyễn Đình Vũ đã giúp đưa anh Tuất lên xe máy để 2 người bạn trong nhóm của Tuất đưa đi cấp cứu.
Anh Trương Văn Tuất được đưa tới Bệnh viện Phong Da liễu Trung ương Quỳnh Lập cấp cứu nhưng đã tử vong trước đó. Kết quả giám định pháp y cho thấy nạn nhân tử vong vì bị xuất huyết não do chấn thương.
Tại phiên tòa, các bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Trong số 16 bị cáo không ai quen biết hay có thù oán gì với nạn nhân. Tuy nhiên, máu “yêng hùng” và một chút men trong người cộng với tư tưởng cục bộ địa phương, cả nhóm cứ thế lao vào đánh. “Chỉ là đánh dọa thôi, các bị cáo không chủ ý đánh chết anh Tuất”, các bị cáo khai trước tòa.
Người nhà bị hại đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo
Hàng chục ông bố, bà mẹ ở vùng biển Quỳnh Lập cũng bắt xe khách vào Vinh dự phiên tòa. Những khuôn mặt khắc khổ, đen đúa. Những bàn tay đan xoắn vào nhau khi được tòa mời lên trả lời một số câu hỏi về nhân thân của các bị cáo. Những người dân quanh năm chỉ biết làm bạn với ruộng, với biển đắp đổi qua ngày, nay đứng trước công đường cũng không biết nói như thế nào cho phải. Sau khi các con gây ra chuyện tày trời này, họ - những nông dân nghèo khổ đã cố gắng vay mượn để chồng đủ 235 triệu đồng bồi thường cho nhà bị hại.
Khi tòa gọi đến người giám hộ hợp pháp cho bị các Lê Hữu Hùng, một người đàn ông thấp bé, gầy gò lập cập tiến lên. Ông là ông ngoại của Hùng. Ông bảo, tội của cháu ông gây ra, ông không mong pháp luật nương tay cho nó. Nhưng ông kể về số phận của đứa cháu tội nghiệp, về hoàn cảnh của mình hiện nay, không phải để kể khổ mà để gia đình bị hại thông cảm cho cái sự chậm trễ trong việc đền bù thiệt hại.
Ông cũng biết, một ít tiền đền bù chẳng thể làm cho con người ta sống lại và cũng không thể xóa được tội ác mà cháu ông và đám bạn của nó gây ra. Nhưng “con dại thì cái mang. Nó sinh ra không biết cha mình là ai, mẹ nó lại mắc bệnh tâm thần. Nó hư, tội là của tui. Tui đã không bảo ban, nuôi dạy cháu nên người. Tội của hắn, pháp luật sẽ xử, còn bắt tui bồi thường tiền bạc thì tui không biết lấy chi mà bồi thường…”, ông nói trước tòa.
Rồi ông nắn hết túi áo, túi quần lôi ra mấy đồng bạc. Mấy chục tiền lẻ, ông cất vào túi, đấy là tiền đi xe về của hai ông cháu. Còn 300 nghìn, ông run run đưa lại cho gia đình nạn nhân Tuất. “Số tiền này, lúc nãy mấy chú công an vừa biếu ông. Ông không có hơn, mong chú mự nhận lấy mà hương khói cho cháu”, ông nói.
Cả phòng xử án như nín lặng. Bố mẹ nạn nhân Tuất cứ lắc đầu quầy quậy. Mất con, ai không đau! Nhưng nhìn cái cảnh người ông đã gần đất xa trời cố làm mọi cách để mong cháu được nhẹ tội, họ đâu nỡ nhận mấy đồng bạc ấy. Trước khi phiên tòa này diễn ra, chính mẹ nạn nhân cũng có đơn gửi tòa xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, đã tước đoạt mạng sống của người khác, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn nên cần phải ra một mức án nghiêm khắc. Tuy vậy nhận thấy các bị cáo thành khẩn khai báo, tích cực bồi thường, nhận thức pháp luật hạn chế nên HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo mức án thấp hơn đề nghị của Viện KSND.
Cụ thể, Nguyễn Đình Long, Trần Văn Hiến mỗi bị cáo chịu mức án 12 năm tù giam. Các bị cáo còn lại chịu mức án từ 3 năm đến 6 năm tù giam. Riêng 2 bị cáo Nguyễn Đình Vũ và Lê Hữu Hùng bị tuyên phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Theo Dân trí