Có những món quà của người bệnh mà người nhận là những bác sĩ thấy ấm lòng, rưng rưng xúc động, không thể nào quên.
“Ấm lòng bởi mực nướng, miến dong”
Tại phòng Hành chính khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) luôn có 1 bao tải to đùng đựng đầy miến nơi góc phòng bởi “Các bác sĩ ăn hết em lại chở lên, nhà làm ra được”. Hóa ra, đó là quà của người nhà bệnh nhân tặng các bác sĩ vì thấy đêm nào bác sĩ trực cũng ăn mì ăn liền, vừa nóng, vừa độc.
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương), cho biết, tình cảm, sự quan tâm chăm sóc của các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khiến các thầy thuốc cảm thấy rất vui, ấm lòng.
“Ngay với tải miến dong này, dù trong khoa không có chỗ nấu, ai có nhu cầu thì lấy về nhà dùng nhưng chúng tôi vẫn thấy rất vui vẻ, hào hứng nhận vì đấy là tấm lòng của người bệnh mà”, BS Cấp nói.
Hay những khi rảnh giữa giờ trực, đôi khi anh em lại lấy mấy con mực “bao tử” của một bệnh nhân từ Hà Tĩnh gửi dịp Tết tây vừa qua với 1 niềm lâng lâng vì bệnh nhân đã được chữa khỏi tới nửa năm trước đó.
“Bệnh nhân được chữa khỏi hồi tháng 7/2014. Cuối năm vừa rồi, bỗng có người nhà bệnh nhân gõ cửa phòng, gửi tặng bác sĩ và cô phóng viên viết bài mỗi người một túi mực do chính chồng bà đi biển bắt được, phơi khô. Đang ngỡ ngàng, bà giới thiệu là mẹ bệnh nhân nữ kia, nay ra khám bệnh nhớ đến ơn của người thầy thuốc nên đã mang mực ra biếu. Người biếu với cả tấm lòng, người nhận cũng thấy lâng lâng hạnh phúc trước tình cảm người bệnh dành cho mình”, bác sĩ Cấp kể.
Đó là một bệnh nhân bị viêm gan B cấp sau sinh nở. Nhà nghèo không có tiền chữa trị, gia đình đã nuốt nước mắt xin bệnh nhân về để chết. Không đành lòng để một bệnh nhân có cơ hội sống mà lại chết vì không có điều kiện điều trị, BS Cấp đã liên lạc đến báo Dân trí và chuyên mục Tấm lòng nhân ái đã viết bài kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng.
Chiếc bánh gato đặc biệt
Ngày 27/2/2014, khoa Nhi nhận được bánh gato gia đình bệnh nhi từng điều trị khỏi tại khoa, người trao thì rơi nước mắt nói lời tri ân các bác sĩ đã nỗ lực cứu sống con của họ, người nhận thì rưng rưng xúc động, bởi sau bao nỗ lực, vất vả đã cứu sống được bệnh nhi, thấy hạnh phúc dâng trào với nghiệp bác sĩ nhiều gian lao, vất vả mà mình đã chọn.
Món quà nhỏ nhưng mang đầy tình cảm của người mẹ trẻ dành để tri ân các bác sĩ khoa Nhi (BV Bạch Mai). Ảnh: Thành Nam
Đây là bệnh nhi Nguyễn Duy Minh (3 tháng tuổi, Hà Nội) mắc căn bệnh phổi kẽ vô cùng hiếm gặp trên thế giới, khiến bé tuy thở bình thường nhưng ôxy không thể vào phổi, người luôn trong tình trạng tím đen, suy hô hấp, khó thở như cá trên cạn.
“Trong quá trình điều trị hơn 60 ngày, nếu không có sự động viên của bác Dũng, bác Nam, bác Hải, cô Lan Anh... thì chính chúng tôi cũng không có đủ niềm tin, đủ động lực để tiếp tục hi vọng và chiến đấu tiếp với bệnh tật của con. Nhưng các bác luôn ở bên, nỗ lực đêm ngày, động viên chúng tôi còn nước còn tát. Là một ngươi mẹ, không bao giờ có thể quên sự quan tâm hết mình mà các thầy thuốc đã dành chăm sóc cho con, cho các bệnh nhi khác”, mẹ Duy Minh nhớ lại.
Nồi sắn “chống đói” sau mổ
Đến tận bây giờ, BS Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị phẫu thuật tim mạch - Viện tim quốc gia (BV Bạch Mai), vẫn nhớ mùi nồi sắn luộc trong nồi cơm điện thơm lừng từ 7 năm trước, khi ông còn làm tại BV Việt Đức.
Lúc đó ca mổ cho bệnh nhân bị chấn thương nặng do tai nạn kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ nên ra khỏi phòng mổ là đói run. Thấy nồi sắn bốc lên thơm lừng, hấp dẫn, bác sĩ Hùng đã ăn liền 2 miếng rồi mới biết đó chính là tấm lòng của phụ huynh người bệnh nhân ông đã mổ mang đến để bác sĩ ấm bụng khi mổ xong.
Một ấn tượng khác là 6 năm nay, năm nào cũng vậy, cứ cận Tết là cả nhà lại lóc cóc vượt hàng trăm cây số từ Yên Thế, Bắc Giang đến BV Bạch Mai, sẵn sàng chờ vài tiếng đồng hồ chỉ để mong gửi cho bác ít gạo, chai mật ong rừng ăn Tết.
Anh Lưu Đức Hải cho biết, quà quê nhà làm ra nhà bác sĩ không thiếu, nhiều khi chắc gì đã ăn đến nhưng họ không biết có cách nào để bày tỏ lòng biết ơn với người bác sĩ đã cứu mạng sống của con mình.
“Nếu con tôi không gặp được BS Hùng chắc chắn cháu đã không còn được sống trên cuộc đời cho đến ngày hôm nay. Số tiền bác sĩ cho cháu lúc cháu xuất viện, vợ chồng tôi vẫn để trên bàn thờ, không bao giờ tiêu đến nó để nhắc nhở cháu phải sống có trách nhiệm”, anh Hải xúc động nói.
Bác sĩ Hùng cho biết, cách đây 6 năm khi kết thúc ca mổ tim cho một cháu bé, anh gặp một người đàn ông đang chờ mình trước cửa phòng, nhất định đưa tận tay bác sĩ chiếc phong bì để cảm ơn đã cứu con mình qua cửa tử.
“Nhìn người đàn ông với chiếc phong bì nhàu nhĩ trong tay, ánh mắt van lơn: "Bác sĩ nhận lấy “tấm lòng”", tôi đã cầm lấy chiếc phong bì. Trong phong bì là xấp tiền 50.000 đồng, có những tờ nhàu được vuốt phẳng phiu. Gấp chiếc phong bì, tôi đặt lại vào tay bác và nói đã nhận “tấm lòng” và đây là bác sĩ cho lại cháu bé. Khi ấy trong túi quần tôi cũng chỉ còn lại 300.000 đồng để “gửi để bồi dưỡng cho cháu khỏe mạnh rồi còn đi học”. Lúc ấy người bố bật khóc như một đứa trẻ. Mắt tôi cũng cay xè”, BS Hùng nhớ lại.
Mỗi năm gia đình anh Hải vẫn giữ truyền thống lên thăm, mang chút quà quê biếu bác sĩ. Hai đứa con của anh Hải năm nào cũng được bác sĩ Hùng lì xì, 500 nghìn, 1 triệu tùy theo sức học. Theo BS Hùng, ông làm thế để tạo động lực phấn đấu, cạnh tranh giữa hai đứa trẻ, để chúng luôn chăm ngoan học hành.
Và nhiều nữa những đặc sản” gạo nếp, đỗ xanh, chai mật ong... của rất nhiều bệnh nhân mà BS Hùng không thể nhớ hết.
Làm nghiệp cứu người đâu vì “phong bì”.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), lâu nay xã hội kỳ thị, có cái nhìn không tốt về người thầy thuốc xung quanh chuyện “phong bì” cảm ơn bác sĩ. Thực tế, có làm nghề y, có lăn lộn với người bệnh mới thấy nghề bác sĩ làm nghề vì nghiệp chứ đâu phải phong bì người bệnh.
Niềm vui của người bác sĩ khi tình trạng của bệnh nhi tiến triển tốt. Ảnh: H.Hải
“Ngay tại khoa Nhi, khi thấy bệnh nhân lăm lăm phong bì trong tay xin cảm ơn bác sĩ là tôi luôn giải thích cho họ, bác sĩ cứu người là trách nhiệm, lương tâm của người thầy thuốc chứ không vì chuyện phong bì cảm ơn”, PGS. TS Dũng nói.
PGS.TS Dũng cũng chia sẻ: “Có những người thân bệnh nhân tôi gặp lại sau nhiều chục năm, họ mang đến cho tôi một món quà và nói rằng ngày xưa BS đã điều trị cho con gái tôi, giờ cháu đã lập gia đình và đã có con. Nhiều khi những món quà mà mình không ngờ tới nó lại gây cho mình những ấn tượng và cảm xúc rất mạnh. Tôi thực sự trân trọng những tình cảm ấy”.
Trong vụ dịch sởi, các bác sĩ thường xuyên được “bồi dưỡng” khi thì cân cam, khi thì cân ổi để các bác sĩ ăn tại viện cho lại sức cũng bởi chính những người chăm sóc con trong bệnh viện cảm nhận được nỗi vất vả của người thầy thuốc, cảm nhận sự chăm sóc tận tình đến hết mình của họ. Có thể giá trị của món quà không lớn nhưng tinh thần của món quà thì không gì đánh đổi được.
Hay như thời điểm bác sĩ Nguyễn Hồng Phong (khoa Nhi) cưới năm 2013, mọi người đến dự đều vui khi cả nhà một bệnh nhi xông xáo giúp tổ chức đám cưới cho bố nuôi và cũng là người đã cứu con họ qua khỏi những giây phút thập tử nhất sinh vì sinh non. “Những lúc như thế mới thấy, đời người bác sĩ ngoài những phút vất vả, gian truân thì thật hạnh phúc khi cứu được người bệnh, khi có thêm những tình thân mới”, BS Phong tâm sự.
Theo SKĐS