Tin tức khác

Những kẻ thích “luật rừng” trả giá

11 năm trước | 693

Chỉ trong 6 tháng vừa qua, Tòa án Hà Nội đã đưa ra xét xử hàng chục vụ bắt giữ người trái pháp luật để cướp hoặc cưỡng đoạt tài sản. Ngoài dấu hiệu gia tăng về số vụ thì thủ đoạn mà tội phạm “ưa dùng” cũng trắng trợn, xảo quyệt và tàn bạo hơn.  
Những kẻ thích “luật rừng” trả giá
Bắt người ngay tại tòa

Trong số các vụ án bắt giữ người trái pháp luật gần đây, táo tợn nhất phải kể đến vụ án Nguyễn Đức Kính (SN 1950), trú ở phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh, Bắc Ninh cùng đồng bọn. Giữ vai trò ngay sau Kính là Nguyễn Ngọc Chiến (SN 1967), cựu cán bộ tín dụng một ngân hàng ở Bắc Ninh; Nguyễn Thế Hùng (SN 1979), ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên và Nguyễn Việt Anh (SN 1977), trú phường Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội. Sau phiên tòa ngày 21-3 vừa qua, các bị cáo đã lần lượt phải trả giá từ 5-18 năm tù về các tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cướp tài sản”. Thế nhưng nhìn lại hành vi của ổ nhóm tội phạm này thì thấy các đối tượng rất liều lĩnh và trắng trợn.      

Sáng 19-4-2011, chị Vũ Thị Thanh Thương (ở quận Hoàng Mai) đến Tòa án Hà Nội để dự phiên xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong số những người đến dự tòa còn có Nguyễn Đức Kính và Nguyễn Ngọc Chiến. Vào giờ nghỉ trưa, khi chị này lững thững đi bộ ở sân tòa thì bất ngờ bị một số thanh niên lạ mặt, trong đó có Nguyễn Việt Anh tiến đến ép phải ra ngoài cổng nói chuyện. Chưa kịp định thần, chị Thương tiếp tục bị ấn lên xe máy và chở thẳng tới một quán karaoke ở quận Long Biên. 

Theo sau nhóm “giang hồ” lúc đó còn có Phạm Thị Xuân (SN 1967), trú ở phường Lam Sơn, quận Lê Chân, Hải Phòng, hiện vẫn được tạm đình chỉ điều tra vì lý do sức khỏe. Tại quán karaoke, chị Thương bị nhóm Kính dùng vỏ chai bia đánh đập dã man và dọa dìm xuống sông. Sau một hồi tra tấn, Xuân ép chị Thương phải viết giấy vay nợ 138.000 USD và 280 triệu đồng. Thâm độc hơn, “nữ quái” người Hải Phòng còn ép bị hại phải viết thêm một tờ giấy nữa với nội dụng “chán đời nên tự tử”. Mục đích của Xuân là nhằm làm tê liệt ý chí kháng cự của bị hại và khống chế gia đình nạn nhân không được báo công an. Chuẩn bị xong xuôi, Xuân và đồng bọn bắt chị Thương gọi điện cho chồng mang tiền đến chuộc người. Tuy nhiên, 18h50 cùng ngày, hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản của ổ nhóm tội phạm này đã bị lực lượng công an chặn đứng. 

Quá trình giải quyết vụ án, Nguyễn Ngọc Chiến khai nhận, năm 2009, đối tượng và Xuân hùn tiền cho bạn của chị Thương vay 6 tỷ đồng. Đến hẹn, Xuân đòi nhiều lần nhưng anh này không trả, sau đó “con nợ” của Xuân và Chiến đã tuyên bố gán món nợ trên cho chị Thương. Chiến cho rằng vì bị hại không tự nguyện trả nợ nên đối tượng mới phải nhờ “giang hồ” đòi nợ hộ.

Mất cả chì lẫn chài

Tương tự như vụ án trên, Đặng Thế Anh (SN 1989, trú ở phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, Phú Thọ) cùng 6 đối tượng liên quan cũng vừa phải nhận 8 tháng 24 ngày tù đến 4 năm 9 tháng tù về hai tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”. 

Nội dung vụ án thể hiện, năm 2011, anh Phạm Quang Thanh (ở Vĩnh Phúc) vay 300 triệu đồng của 3 người, trong đó có Vũ Quang Vinh (trú ở huyện Từ Liêm), nhưng đến hẹn lại không trả được. Tối 19-3-2012, biết anh Thanh xuống Hà Nội, Vinh liền thông báo cho hai chủ nợ còn lại biết, đồng thời “lệnh” cho đàn em đến gặp “con nợ” để đòi tiền. Sau nhiều ngày bắt giữ, đánh đập anh Thanh tại một số nhà nghỉ ở Cầu Giấy, nhưng nhóm Thế Anh mới chỉ thu hồi được một phần nhỏ số tiền nợ của “đại ca”. Ngày 22-3-2012, Thế Anh cùng một số đối tượng áp giải bị hại về tận Vĩnh Phúc để tiếp tục xiết nợ thì bị gia đình anh này hô hoán, sau đó trình báo công an. Kết quả là trong khi số tiền cho vay còn chưa thu hồi được thì hai chủ nợ của bị hại cùng đám “đàn em” đã phải vào tù. Ít ngày nữa, Tòa án Hà Nội lại tiếp tục đưa ra xét xử đối với Trần Việt Dũng (SN 1985, trú ở xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội) cùng 5 đồng phạm khác theo hai tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cướp tài sản”. Ở vụ án này, dù bị hại cho một người trong nhóm Dũng vay tiền, song lại bị “con nợ” lừa đến nhà để bắt giữ. Hòng bắt “chủ nợ” xóa nợ và nộp thêm tiền, nhóm Dũng đã tra tấn rất dã man, đồng thời mang cả dao, thớt ra dọa chặt chân, tay bị hại.     

Nói về loại tội phạm bắt giữ người trái pháp luật hiện nay, một thẩm phán TAND TP Hà Nội cho biết hầu hết đều xuất phát từ chuyện vay mượn tiền bạc hoặc mâu thuẫn trong làm ăn giữa bị cáo và bị hại. Trong số ấy, phần lớn lại rơi vào trường hợp chủ nợ bắt giữ “con nợ” để xiết tài sản tương ứng với khoản tiền cho vay. Theo vị thẩm phán này, lẽ ra các bị cáo cần phải tiến hành thu hồi nợ bằng con đường luật pháp thì lại tự mình giải quyết theo cách xâm hại đến thân thể, sức khỏe và tinh thần của người khác. Vì thế mà không ít chủ nợ “mất cả chì lẫn chài”.  

Theo ANTĐ

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Danh sách thực phẩm tồi tệ làm phí công tập Gym của bạn (12/5)

Hà Nội: Chiếc điện thoại "tố" nơi ẩn nấp của kẻ sát nhân (12/5)

Cách phát hiện sớm ung thư dạ dày (11/5)

Tại sao khi uống rượu không nên ăn thịt (10/5)

2 người tâm thần đâm nhau chết ở bệnh viện (10/5)

Nam thanh niên giết bạn, giấu xác trong rừng cao su (10/5)

Xác định nguyên nhân ban đầu trẻ 2 tháng tử vong sau khi tiêm vaccine (10/5)

Trẻ 11 tuổi tử vong vì bị bệnh dại do mèo cào (10/5)

Uống gì vào buổi sáng để tốt cho sức khỏe? (6/5)