Nhiều công ty thưởng gạo, nước mắm, thậm chí là lịch block sau khi bán ế. Khi nhận quà, nhiều người lại lo đi cho hoặc thanh lý.
Anh Huy làm việc cho một công ty nội thất tại Ba Đình (Hà Nội) vừa nhận quà thưởng Tết là 5 lít nước mắm. Theo anh biết, người nhà của lãnh đạo trong công ty có một xưởng sản xuất nước mắm nên có thể tận dụng cây nhà lá vườn làm quà cho nhân viên.
Là nhân viên thiết kế nội thất nhưng do đông khách làm hàng Tết, từ mấy tháng nay, anh phải làm cả công việc bốc xếp, lắp ráp, thậm chí vào cả ngày nghỉ mà không được tăng lương hay tiền làm thêm giờ. Nay nhận quà Tết, anh Huy dự định mang về chia cho mấy gia đình trong họ. "5 lít nước mắm thì nhà mình chả biết khi nào mới dùng hết", nhân viên này nói.
Làm việc hơn 6 năm tại một công ty xây dựng lớn ở quận Hai Bà Trưng, anh Dũng cho biết năm ngoái được nhận thưởng Tết Âm lịch 500.000 đồng. Năm nay, anh còn buồn hơn khi nhận thưởng hiện vật là 5 kg gạo tẻ và một kg gạo nếp, cùng lời nhắn gửi chia sẻ khó khăn từ lãnh đạo.
|
Một số doanh nghiệp thưởng cho nhân viên vài cân gạo. Ảnh: DĐDN
|
Tuy vậy, ngẫm lại anh Dũng vẫn thấy mình may mắn vì năm 2013 công ty cắt giảm nhân sự 10-15%, riêng bộ phận của anh cũng có 2 người phải nghỉ việc. "Dù sao, công ty có làm ăn được thì nhân viên như mình mới dám mong lương, thưởng cao. Còn với tình hình như hiện nay, công việc cầm chừng, dự án làm xong không thu được tiền về, lại phải lo trả lương cho bao nhiêu nhân viên nên cũng khó để thu xếp được thưởng Tết", anh nói.
Gần đây, nhân viên một công ty tại TP HCM còn nhận thưởng Tết bằng tương ớt, hay một doanh nghiệp khác tại Hà Nội thưởng giấy vệ sinh. Thậm chí còn có những kiểu thưởng "quái chiêu", khiến người lao động nhận rồi phải gấp rút tìm cách thanh lý.
Chị Thùy làm việc tại một công ty in cho biết đã nhận được thưởng Tết Nguyên đán sớm hơn mọi năm, nhưng cũng oái oăm hơn khi toàn là lịch block. Từ trước Tết dương lịch khoảng một tuần, lãnh đạo tuyên bố do sản xuất nhiều, trong khi hàng bán chậm nên sẽ thưởng Tết cho nhân viên bằng 8 block lịch.
"Lúc đó cũng sát Tết dương lịch rồi, mình mang đi thanh lý giá rẻ cũng được vài trăm nghìn, số còn lại cho anh em họ hàng mỗi người một quyển. Đây là thưởng cả hai dịp lễ nên từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ không được thêm gì nữa", chị Thùy cho hay.
Tuy chỉ là những món quà nhỏ nhưng những nhân viên trên vẫn may mắn hơn so với rất nhiều người. Chị Thương, làm việc cho một công ty phân phối linh kiện điện tử cho biết, chẳng những không được thưởng mà tiền lương còn bị giữ đến ngoài Tết. Để có tiền trang trải chi tiêu Tết, vợ chồng chị phải đi vay người quen 5 triệu đồng.
Một lãnh đạo của Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội cũng cho biết, thường chỉ những đơn vị có thưởng Tết mới chịu báo cáo. Còn rất nhiều doanh nghiệp khác không có thưởng hoặc thưởng bằng hiện vật thì Sở không cập nhật được tình hình. Tuy nhiên, ông nhận định số đơn vị có cách thưởng bằng hiện vật không phải hiếm.
"Chuyện thưởng bằng hàng tồn, hàng ế trong công ty tôi nghĩ là có. Tuy nhiên, đúng là trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp không có lợi nhuận thì cũng khó xử lý", vị này cho hay.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội ghi nhận, người có mức thưởng cao nhất tại doanh nghiệp FDI ở TP HCM đạt khoảng 709 triệu đồng, tăng 9,2% so với mức thưởng Tết âm lịch cao nhất năm 2013 (650 triệu đồng).
Lãnh đạo Bộ cũng cho biết, theo tổng kết số liệu của các doanh nghiệp báo cáo có thưởng Tết âm lịch thì mức bình quân tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Tuy nhiên, cả nước có 420 doanh nghiệp không thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động. Số người làm việc tại các doanh nghiệp này là khoảng 118.000 người.
Theo Vnexpress