“Công tác giám định có thể có ở nhiều ngành khác nhau song giám định pháp y lại liên quan trực tiếp đến sinh mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người...
“Công tác giám định có thể có ở nhiều ngành khác nhau song giám định pháp y lại liên quan trực tiếp đến sinh mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người, vì thế đòi hỏi người cán bộ pháp y ngoài việc phải nắm chắc chuyên môn và kiến thức pháp luật cần phải thực sự yêu nghề, có đạo đức. Không yêu nghề, không có tinh thần trách nhiệm thì không thể gắn bó với chuyên ngành khó khăn, vất vả này”, bác sĩ Nguyễn Đức Nhự - Phó Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia chia sẻ.
“Duyên phận” với nghề pháp y
Gặp Nguyễn Đức Nhự, ấn tượng đầu tiên về anh là gương mặt thư sinh, nhanh nhẹn và nụ cười tươi thường trực, nom chẳng giống “tướng tá” của người nghiên cứu khoa học.
Anh Nhự tốt nghiệp bác sĩ đa khoa - Trường Đại học Y Thái Bình năm 2001, Nguyễn Đức Nhự được “mai mối” rồi “bén duyên” với Viện Y học Tư pháp Trung ương (nay là Viện Pháp y Quốc gia). “Theo học ngành y, ai cũng mong muốn sẽ chữa bệnh cứu người. Bởi vậy, nói nghề pháp y là “duyên phận” sẽ không ngoa”, anh Nhự chia sẻ.
Ngày mới vào nghề, Nguyễn Đức Nhự chỉ được theo chân các thầy tham gia khám nghiệm những ca đơn giản, rồi sau đó, khi “miễn dịch” với xác chết thì anh mới được khám nghiệm những “tử thi xấu”. Đây là từ mà những người trong nghề dùng để chỉ những tử thi đang trong tình trạng phân hủy, tử thi bị “thịt nát xương tan”, những mảnh vụn cơ thể ở hiện trường... Anh bảo, với những tử thi như vậy, thì giám định viên pháp y phải thực sự có một tinh thần thép mới có thể làm việc mà không run tay.
Thời gian đầu, nhiều lúc anh Nhự cũng chạnh lòng vì mình cũng là bác sĩ nhưng lại làm công việc liên quan đến pháp luật - công việc mà theo anh “chỉ cần thiếu sót hoặc bỏ qua một dấu vết nhỏ khi giám định, có thể khiến công cuộc điều tra của công an đi vào ngõ cụt hay thậm chí kết luận nhầm dẫn đến oan sai”. Trong khi đó, bạn bè anh làm bác sĩ điều trị tại các bệnh viện, các phòng mạch thu nhập rất cao. Đã đôi lần anh định bỏ nghề rẽ ngang. Nhưng từ thực tế vô cùng phong phú của cái nghề không ít người còn nhìn nó bằng những cặp mắt méo mó, anh nhận ra rằng đây là cái nghề chẳng phải chỉ có trách nhiệm với người sống, mà còn trách nhiệm với cả người chết. Một cái nghề làm phúc, góp phần đem lại sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật cho mọi người, soi rọi mọi góc khuất cuộc đời, sàng lọc sự dối trá, xấu xa tội ác...
Ở tuổi 39, anh Nhự đã có 14 năm gắn bó với nghề pháp y. Năm 2006, Nguyễn Đức Nhự được cử đi học chuyên ngành xét nghiệm ADN rồi tiếp tục học thạc sĩ tại Trrường Đại học Y Hà Nội. Nỗ lực trong chuyên môn, năm 2009, anh được tín nhiệm bầu làm Trưởng Khoa Y sinh học. Cuối tháng 4 vừa qua, anh được Bộ Y tế bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia kiêm Phân viện trưởng Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh.
Có được những thành công ấy, Nguyễn Đức Nhự vẫn luôn trân trọng và biết ơn công lao của Giáo sư Trần Văn Liễu, nguyên Viện trưởng Viện Y học Tư pháp Trung ương (nay là Chủ tịch Hội Pháp y Việt Nam) - người thầy đầu tiên đã chỉ bảo, dìu dắt anh. Thầy Liễu có nói với anh, vào Y pháp là chọn công việc vất vả, nhưng nên làm những gì mà đất nước cần.
Thầy cũng thường căn dặn anh rằng: “Ngoài áp lực tâm lý, bác sĩ pháp y còn mang gánh nặng của quan tòa công lý. Kết luận giám định đôi khi là chứng cứ quan trọng nhất để cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết các vụ án. Lẽ thường, bên gây hại luôn muốn bác sĩ pháp y xác định thương tổn nhẹ hơn để mình tránh được tù tội. Còn bên bị hại thì ngược lại. Do vậy, khi giám định, bản thân những người làm “bác sĩ của pháp luật” phải thật công tâm. Phải nhớ lấy 8 chữ “tỉ mỉ, khách quan, khoa học, chính xác”. Đến giờ, anh Nhự vẫn luôn ghi nhớ lời căn dặn ấy và coi đó như kim chỉ nam trong suốt quá trình làm nghề của mình.
Bao Công mặc áo choàng trắng
Hẳn dư luận vẫn chưa quên kỳ án “vừa là cha vừa là ông ngoại” ở xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Kết quả giám định chính xác của bác sĩ Nhự cùng các đồng nghiệp của mình vào tháng 10/2009 đã góp phần làm sáng tỏ vụ án.
Vào tháng 8/1998, Nguyễn Thị M.H (lúc đó mới 15 tuổi) phát hiện mình có thai. Ngay sau đó, ông Nguyễn Văn T (cha H) đã làm đơn tố cáo anh hàng xóm Nguyễn Thành Tr (sinh năm 1978) đã hiếp dâm con gái mình, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Cùng thời điểm đó, có một lá đơn nặc danh tố cáo ông T có hành vi đồi bại với con gái ruột.
Cơ quan điều tra trưng cầu giám định gen. Kết quả, cha đứa trẻ là ông T. Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố bị can và bắt tạm giam ông T. Ông T làm đơn kêu oan, nạn nhân cũng khẳng định cha mình không có hành vi loạn luân ấy, cô khai rõ: đã quan hệ bốn lần với anh Tr hàng xóm. Giám định được tiến hành lại và lần này cho kết quả anh Tr là cha đứa trẻ!.
Vụ án trên kéo dài gần 12 năm, trải qua 5 lần giám định với các kết quả giám định “đá ngược nhau” và 6 lần xét xử vẫn chưa tìm ra sự thật. Ngày 26/6/2009, vì tính chất phức tạp của vụ án, theo quyết định trưng cầu giám định của Viện trưởng VKSNDTC, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định 2288/QĐBYT thành lập Hội đồng Giám định do TS.Vũ Dương - Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia làm Chủ tịch Hội đồng.
Ngày 12/10/2009, tại TP.Mỹ Tho, Hội đồng đã tiến hành lấy mẫu giám định ADN đối với ông Nguyễn Văn T, cô Nguyễn Thị M.H, anh Nguyễn Thành Tr và bé Nguyễn Văn H (là con cô Nguyễn Thị M.H). Kết quả giám định công bố ngày 3/11/2009 và cả mẫu gửi ra nước ngoài đối chiếu đều cho thấy ông Nguyễn Văn T chính là cha đẻ đứa trẻ. Một điều nữa liên quan đến những người trong vụ án mà ít ai biết nhưng đã minh chứng cho sự chính xác của kết quả giám định, là anh Nguyễn Thành Tr mắc bệnh vô sinh, lấy vợ nhiều năm nhưng không có con.
Còn nhớ vụ án gã hàng xóm giữa đêm lẻn vào tận nhà, cưỡng ép thiếu phụ lên đồi giở trò đồi bại. Một lần nữa, bằng việc cung cấp những chứng cứ dựa trên kết quả khoa học, bác sĩ Nhự cùng các đồng nghiệp của mình đã giúp cơ quan điều tra nhanh chóng phá án.
Bên cạnh công tác giám định khi có trưng cầu, nhu cầu của xã hội về giám định huyết thống, tìm cha mẹ, con cái, anh em, dòng tộc... ngày càng nhiều, bác sĩ Nhự cùng các đồng nghiệp của mình tại Viện Pháp y Quốc gia vẫn đang ngày đêm nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả nhiều đề tài khoa học vào thực hiện nhiệm vụ và nơi đây đã và đang là địa chỉ tin cậy để “tìm ra sự thật, nói đúng sự thật” trên nhiều lĩnh vực.
Còn đó những nỗi buồn...
Quả thực, nếu không trực tiếp chứng kiến, trò chuyện với giám định viên pháp y, sẽ khó lòng thấu hiểu công việc lắm nỗi vất vả và khiến cho không ít người “bỏ chạy” vì sợ. Bác sĩ Nguyễn Đức Nhự cho biết, có bác sĩ chỉ sau vụ khám nghiệm tử thi đầu tiên đã “nghỉ” luôn. “Đầu tiên tiếp xúc với xác chết ai cũng sợ. Mặc dù đã có sự đãi ngộ đối với giám định viên pháp y, nhưng sau khi nhận việc, một vài bác sĩ đã bỏ đi vì không vượt qua được nỗi sợ của bản thân”, anh Nhự nói.
Mặt khác, theo anh Nhự, có một thực tế là quan niệm “chết toàn thây” thâm căn cố đế trong suy nghĩ của nhiều người, vì thế mà gia đình người chết thường viện đủ mọi lý do như tập trung đông người, khóc lóc vật vã... để ngăn cản việc khám nghiệm tử thi. Khi tai nạn xảy ra, gia đình nào cũng yêu cầu cơ quan pháp luật làm rõ nguyên nhân chết của thân nhân họ nhưng mổ tử thi thì dứt khoát không! Bao giờ thân nhân người xấu số cũng khẳng định và làm đơn “xin miễn pháp y”, cam đoan không khiếu kiện. Nhưng có khi ngay sau đó, họ lại nộp tiếp “đơn yêu cầu làm rõ nguyên nhân chết”. Vậy nên giám định viên pháp y lại phải mất rất nhiều thời gian giải thích cho thân nhân người quá cố về mục đích pháp luật của việc mổ tử thi.
Bị gia đình của người tử nạn lăng mạ, bị kẻ ác “chơi xấu” vì góp phần vén bức màn sự thật, thường xuyên phải ra tòa để bảo vệ kết luận giám định... đó là những gì mà bác sĩ Nguyễn Đức Nhự và đồng nghiệp từng phải gánh chịu. Vất vả là vậy, nhưng 14 năm qua, anh vẫn luôn tận tâm với công việc, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của ngành. Bởi anh luôn có niềm tin sắt đá rằng, xã hội ngày càng phát triển, vai trò của chuyên ngành pháp y ngày càng quan trọng, rồi mọi người sẽ hiểu rõ ý nghĩa công việc mà các anh đang làm.
Theo Báo Pháp luật VN