Người ngồi nhiều đối mặt với nguy cơ lớn nhất là bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Bệnh tim, ung thư, tiểu đường, bệnh Alzheimer, trầm cảm... đó là những chứng bệnh thường hay tìm đến khi con người ta bắt đầu có tuổi, chính xác là bước qua tuổi 40.
Tìm hiểu nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho lứa tuổi này, chúng ta cũng sẽ lường trước được rủi ro và nguy cơ để phòng ngừa.
Nguy cơ của nam giới trên 40 tuổi
Độc thân: Nhiều cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng đàn ông đã lập gia đình - độ tuổi 50, 60 và 70, thường khỏe mạnh hơn những người chưa từng kết hôn hoặc đã ly dị hay góa bụa. Nam giới không kết hôn có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao gấp 3 lần, còn sau tuổi 50, sức khỏe của đàn ông đã ly dị giảm khá nhanh so với những người vẫn duy trì hôn nhân. Điều kỳ diệu đó là gì? Hôn nhân có thể làm giảm mức độ căng thẳng và trầm cảm, vốn có thể dẫn đến bệnh mãn tính. Trong khi đó, đàn ông chưa lập gia đình thường có thói quen xấu về sức khỏe, ăn uống thất thường, ý thức chăm lo đến sức khỏe kém hơn.
Quá tải công nghệ: Các nhà tâm lý học vẫn đang tranh luận xem sử dụng công nghệ thế nào là quá nhiều nhưng có một điều chắc chắn là: Càng dành thời gian cho tivi, điện thoại thông minh, máy tính bảng, chơi game, máy tính xách tay, và thiết bị điện tử khác, người ta càng có ít thời gian cho những thói quen lành mạnh như vận động, hòa mình với thiên nhiên và tương tác với con người. Mặt trái của “nghiện công nghệ” hầu như ai cũng đã biết: Cách ly xã hội làm tăng nguy cơ trầm cảm và chứng mất trí; Lối sống ít vận động hay còn gọi là “bệnh ngồi” - có liên quan đến bệnh tim, bệnh tiểu đường týp 2, béo phì, và chết non. Hạn chế điều này, các nhà nghiên cứu Australia khuyên rằng, mỗi giờ đứng dậy hay dịch chuyển độ 5 phút cũng mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Lái xe bất cẩn: Thương tích không do chủ ý là yếu tố hàng đầu gây tử vong ở nam giới lứa tuổi 40-44. Trong số này, nguyên nhân phần lớn do ngủ gật khi đang lái xe, vượt quá tốc độ, quan sát kém khi tham gia giao thông. Đó là kết quả một nghiên cứu năm 2007 Đại học Purdue, Mỹ về độ tuổi và giới tính ảnh hưởng đến lái xe. Cũng theo nghiên cúu này, các cụ ông lại cẩn thận hơn vì có lẽ đàn ông dưới 45 tuổi cầm lái lại trở nên quá tự tin.
Hút thuốc: Ai cũng từng nghe nói về tác hại của việc hút thuốc lá nhưng người hút càng có tuổi, tác hại lại càng tăng. Đàn ông trung niên tổn thương phổi sẽ lớn hơn (vì họ đã có “thâm niên” hút thuốc từ trẻ) và mức độ “nghiện” cũng nặng hơn. Cùng với nguy cơ về bệnh phổi, nam giới sau 40 tuổi hút thuốc còn gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, ung thư, bệnh Alzheimer.
Phụ nữ tuổi trên 40 nên tránh
Chế độ ăn mất cân bằng: Ăn kiêng hay không cần kiêng khem một cách cực đoan đều khiến nhiều phụ nữ không ăn những thứ cần thiết mà lại duy trì chế độ ăn không cân bằng, cuối cùng trở nên béo phì, bị tiểu đường, huyết áp cao, chán ăn, bệnh tim, và các vấn đề sức khỏe khác. Nguyên tắc vàng cho một chế độ ăn uống lành mạnh là ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau quả, dầu ít chất béo và cá.
Căng thẳng vì chăm sóc gia đình: Phụ nữ cuối tuổi 40 thường bận rộn với việc chăm sóc con cái vì cha mẹ đã già. Họ có ít thời gian hoặc cơ hội để tự chăm sóc mình nên dễ bị “hội chứng căng thẳng chăm sóc”, hội chứng liên quan chặt chẽ đến tình trạng béo phì, tiểu đường, bệnh tim, cholesterol cao, sa sút trí tuệ, và hơn 70% trong số này có dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Và dĩ nhiên, phụ nữ khi chăm chút cho chồng bị căng thẳng nhất, là vì họ giải quyết vấn đề nghiêng về cảm xúc hơn nên dễ “đau đầu” hơn.
Rối loạn giấc ngủ: Các rối loạn như mất ngủ, hội chứng chân không yên, gián đoạn giấc ngủ (do thay đổi thời kỳ mãn kinh) hay chứng ngưng thở khi ngủ ở phụ nữ đều phổ biến hơn nam giới. Đáng chú ý, thiếu ngủ tăng gấp đôi nguy cơ tăng huyết áp ở phụ nữ, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, và béo phì.
Ngồi nhiều: Người ngồi nhiều đối mặt với nguy cơ lớn nhất là bệnh tiểu đường và bệnh tim. Đáng tiếc là phụ nữ trung niên thường khó duy trì được lịch tập thể dục đều đặn như nam giới. Theo nhiều nghiên cứu, những người vận động cơ thể 30 phút mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm và hội chứng chuyển hóa (bao gồm cả cholesterol cao và bệnh béo phì). Tập thể dục ở tuổi trung niên cũng có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh loãng xương, ung thư, và thừa cân.
Theo ANTĐ