Chiến tranh đã chấm dứt bốn chục năm, nhưng trên đất nước Việt Nam có biết bao gia đình vẫn ngày đêm khắc khoải mong chờ “ngày trở về” của những người thân hy sinh trong chiến tranh...
LTS: Pháp y là lĩnh vực giao điểm giữa luật pháp và y học, liên quan đến vận mệnh của con người, đến sự thật của vụ việc, đến niềm tin vào công lý, vào hoạt động tố tụng. Từ tầm quan trọng như vậy của hoạt động giám định pháp y, cũng như mong muốn xây dựng một kênh thông tin có chiều sâu về hoạt động chuyên môn của các cơ quan, đơn vị giám định pháp y và tạo sự giao lưu, thấu hiểu giữa người dân với hoạt động giám định pháp y, bắt đầu từ hôm nay - ngày 19/5/2015, Báo Pháp luật Việt Nam với sự phối hợp của Viện Pháp y quốc gia – Bộ Y tế chính thức mở chuyên mục “Giám định Pháp y”. Chuyên mục sẽ đăng tải đều đặn vào các ngày thứ ba hàng tuần trên ấn phẩm Pháp luật Việt Nam hàng ngày. Mọi sự liên hệ về thông tin bài vở liên quan đến chuyên mục xin gửi về địa chỉ email: xuanhoaplvn@gmail.com
Chiến tranh đã chấm dứt bốn chục năm, nhưng trên đất nước Việt Nam có biết bao gia đình vẫn ngày đêm khắc khoải mong chờ “ngày trở về” của những người thân hy sinh trong chiến tranh. Và, trên các nghĩa trang khắp đất nước, có biết bao ngôi một liệt sĩ chưa biết tên mong một ngày được trả lại danh tính, tìm thấy thân nhân, trở về với quê hương, bản quán. Với mong muốn được tri ân những hy sinh, mất mát, tập thể các giám định viên, cán bộ Viện Pháp y quốc gia đang nỗ lực ngày đêm để biến những ước mong đó thành hiện thực
Bới đất tìm được mẩu xương còn quý hơn vàng
Tròn một tháng sau chuyến xuất hành đầu năm 2015 đi lấy mẫu hài cốt liệt sĩ ở Nghĩa trang thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngày 05/02/2015 đoàn cán bộ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Viện Pháp y Quốc gia lại lên đường đi lấy mẫu hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh tại tỉnh Khăm Muộn – Lào đã được quy tập tại Nghĩa trang Ba Dốc, tỉnh Quảng Bình để tổ chức xác định danh tính liệt sĩ theo Đề án 150 mà Bộ LĐ-TB&XH giao cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam
Suốt chặng đường hơn 500 km vào đến Quảng Bình, trời mưa và rét. Sáng 6/2 ngày tiến hành khai quật, trời vẫn mưa, gió lạnh thổi ù ù. Nhưng các thành viên trong đoàn vẫn động viên nhau làm việc để không phụ lòng chờ mong của các liệt sĩ và thân nhân. Bắt tay vào làm, Giám định viên Hồ Kim Châu chuyên viên Viện Pháp y quốc gia như quên không gian, thời gian ở xung quanh. Ông miệt mài, tỷ mỷ, cẩn trọng từ ngôi mộ đầu tiên đến mộ cuối cùng. Bàn tay ông nhẹ nhàng gạt từng lớp đất mỏng để tìm những mẩu xương, thận trọng phân biệt xương với các vật lạ khác. Có ngôi mộ hài cốt vẫn còn một phần, nhưng cũng có ngôi mộ hài cốt đã phân hủy hết. Khi gặp phải những ngôi mộ như vậy, nét mặt của Giám định viên Hồ Kim Châu như trầm xuống. Đôi tay ông như thao thiết hơn, khẩn trương hơn, cố gắm kiếm tìm dù chỉ mẩu xương nhỏ. Bởi, ông biết nếu không thì sẽ rất khó có căn cứ để xác định danh tính cho liệt sĩ. Chứng kiến việc ông làm, những người cùng đoàn bảo nhau: “Bới đất tìm được mẩu xương còn quý hơn vàng”. Với tinh thần làm việc khẩn trương và cẩn trọng, chỉ trong ngày 6/2 đoàn công tác đã lấy được 17 mẫu hài cốt liệt sĩ trên tổng số 19 ngôi mộ được khai quật, tỷ lệ này được đánh giá là cao so với mức bình quân dự kiến.
Tại nghĩa trang là vậy, còn tại phòng xét nghiệm của Viện Pháp y quốc gia, không khí làm việc nhằm xác định danh tính liệt sĩ cũng khẩn trương và cẩn trọng không kém. Ông Hà Hữu Hảo – Trưởng khoa xét nghiệm sinh học Viện Pháp y quốc gia cho biết, thấu hiểu được nỗi mong mỏi của vong linh liệt sĩ cũng như của thân nhân gia đình về một ngày đoàn tụ nên các chuyên viên trong phòng làm việc rất khẩn trương. Chỉ trong thời gian 2 tháng đã xác định được chính xác danh tính của 10 liệt sĩ. “Khó khăn trong lúc làm việc thì vô cùng nhiều. Vì có những liệt sĩ đã hy sinh gần 50 năm nên hài cốt đã mủn gần hết, các chuyên viên phải vê tay từng mẩu đất để tìm từng mảnh xương dù rất nhỏ. Có mộ chỉ còn duy nhất 2 mẩu răng nên việc giám định không hề dễ dàng” – ông Hảo cho biết.
Sau khi xác định chính xác danh tính trên cơ sở mẫu xương lấy từ mộ liệt sĩ và mẫu AND của thân nhân, 10 danh tính liệt sĩ có quê hương tại Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hải dương, Thanh Hóa, Hà Nội, Bắc Giang đã được bàn giao để Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam công bố cho gia đình. Khỏi phải nói cũng biết niềm vui đã trào dâng thế nào trong ngày liệt sĩ “trở về”.
“Tôi thật sự xúc động trước ân tình của các bác sĩ trẻ”
Việc tìm kiếm xác định danh tính liệt sĩ tại Nghĩa trang thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế và Nghĩa trang Ba Dốc, Quảng Bình nằm trong dự án mà Viện Pháp y quốc gia đã ký kết với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đầu năm 2015. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Viện Pháp y quốc gia thực hiện công việc này. Tại Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Viện Pháp y quốc gia vẫn còn lưu giữ lá thư cảm ơn của bà Trần Thị Tuyết - con gái liệt sĩ Trần Viết Cáp hy sinh ngày 7/7/1953 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
“Các cán bộ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam không ngại nắng mưa, gió rét, gian khổ, đường xa để giúp đỡ các gia đình liệt sĩ tìm hài cốt người thân, trong đó có gia đình tôi.Nhờ sự giúp đỡ tích cực nên thủ tục xét nghiệm ADN của bố tôi rất nhanh. Chỉ sau 10 ngày, Viện Pháp y Quốc gia với các thạc sĩ, bác sĩ còn rất trẻ, nhưng thái độ ân cần, chu đáo, làm việc tận tình, đã có kết quả ADN chính xác. Mối quan hệ liên kết trong công việc của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam với Viện Pháp y Quốc gia là khối thống nhất, họ không hề gây chút phiền hà khó khăn nào, không nhận bất cứ thứ vật chất cảm ơn, dù rất nhỏ. Khi tiếp xúc với họ, tôi thật sự xúc động trước ân tình của các bác sĩ trẻ…” - bà Trần Thị Tuyết viết trong thư. Ngày 16/12/2014, chính quyền cùng gia đình đã tiến hành đưa liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà sau 62 năm ông hy sinh.
Mong được đóng góp nhiều hơn để tri ân
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN về dự án phối kết hợp với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trong việc tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, ông Ngô Hường Dũng – Phó Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia cho biết, Viện xác định đây là công việc để tri ân những người đã đổ máu xương cho Tổ quốc, cho nền hòa bình dân tộc nên tất cả giám định viên, cán bộ đều không nề hà, cố gắng làm hết sức. “Hiện nay năng lực cán bộ và trang thiết bị của Viện Pháp y quốc gia đã đủ để đáp ứng được yêu cầu của các dự án lớn về xét nghiệm AND. Vì thế, Viện rất mong được đóng góp sức mình nhiều hơn nữa trong hoạt động xác định danh tính liệt sĩ, để sớm đưa các anh về với quê hương, làm yên lòng người thân, gia đình sau bao năm khắc khoải ngóng trông” – ông Ngô Hường Dũng nhấn mạnh.
Theo Báo PLVN